Sống là phải dịch chuyển
Có lẽ bất hạnh nhất của cuộc đời chính là sự hoang phí thời gian. Con người sinh ra đời, lớn lên, quỹ thời gian làm việc thực sự vỏn vẹn chỉ có vài chục năm. Vài chục năm trong bao la cuộc sống này tính ra là chẳng bao nhiêu. Con người ta sinh ra và lớn lên trong bầu trời rộng lớn này, nếu chỉ biết vỏn vẹn khu phố mình ở, dòng sông chảy ngang nhà, con đường mình đi qua hàng ngày thì quả là một sự lãng phí thời gian sống thật sự. Tất nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để đi đây đi đó do phải sống trong điều kiện sống kinh tế khó khăn hoặc không có điều kiện để di chuyển. Có người chỉ mơ bước chân mình từ làng quê nghèo với con đường đổ bụi để một lần bước chân về thành phố mà giấc mơ nhỏ bé ấy chẳng bao giờ thực hiện được.
Gặp ở Đà Lạt.
Tôi đã đi và chạm gặp. Nhưng dù có đi bao nhiêu lần, đi đến bao nhiêu nơi chăng nữa, tôi vẫn có cảm giác là mình vẫn chưa có điều kiện đi được hết. Để rồi trong lòng luôn tràn đầy ham muốn: Nếu tôi đến được nơi đó, tôi sẽ đến nơi đó.
Tôi đã thay xe máy bao lần. Mỗi chiếc xe máy với tôi là những cuộc hành trình không mệt mỏi trong những chuyến đi. Khi tôi báo rằng mình sẽ có một chuyến đi nào đó. Y như rằng con gái lớn của tôi dặn dò rất kỹ: "Ba ơi, lên xe đò mà đi. Đừng đi xe máy". Đi xe đò hay ô-tô nhanh hơn, sức khỏe không bị hao hụt và an toàn hơn. Nhưng đi không chỉ là rong chơi, còn là chạm gặp và bắt gặp, nên tôi vẫn thường đi đến mọi miền bằng xe gắn máy. Tại sao ư, với chiếc xe hai bánh ấy, bạn có thể rẽ vào bất cứ một làng quê nào, bạn có thể dừng lại ở bất cứ nơi nào mà bạn muốn. Cảm xúc và bài viết ở đó.
Tuy nhiên, đất nước Việt Nam vô cùng rộng lớn, trải dài từ Bắc chí Nam là cả một cuộc hành trình khám phá. Để đến được tận cùng mỗi ngõ ngách của quê hương đôi khi cạn cả đời người vẫn chưa hoàn tất. Tôi đi nhiều đến thế, tôi chạm gặp nhiều đến thế, mà vẫn còn nôn nao được bắt đầu trên những cuộc hành trình để đến những nơi đó. Những nơi bạn bè tôi đã đến, những nơi đồng nghiệp tôi đã đến, những nơi có những phận người từ khi sinh ra đời cho đến khi vĩnh viễn lìa xa cuộc sống này tôi vẫn chưa hề chạm cùng họ một dấu chân trên đường. Đất nước ta như một thảm cỏ hoa rực rỡ sắc màu, trong đó tràn đầy những bản anh hùng ca và những huyền thoại. Làm thế nào để đi cho hết? Làm sao để chạm gặp những thảm cỏ hoa và nghe kể chuyện những bản anh hùng ca?
Gặp ở Nà Nà.
Có khi, cầm một tờ báo, có một trang viết về một vùng đất. Có khi nghe kể một chuyến đi, đôi khi chỉ nhìn những tấm ảnh, là lòng nôn nao muốn được lên đường. Ở những nơi đó, vùng Việt Bắc với bao nhiêu câu chuyện kể về cuộc hồi sinh, thay da đổi thịt và không thiếu những anh hùng. Rồi tận cùng rừng đước U Minh, đã mấy ai có dịp chèo con thuyền nhỏ chao cùng sóng nước, nghe tiếng chim rừng ríu rít, nhìn những đàn ong bay tung trời trong mùa hoa tràm nở. Mấy ai chạm chân đến được Côn Đảo, nơi ngày xưa là xà lim tù ngục giam giữ những người yêu nước. Mấy ai đến được những làng quê mà người dân ở nơi này cả đời chưa thoát ra khỏi nơi mình đang ở? Và còn biết bao nhiêu địa danh, chỉ nhắc đến tên mà lòng đã muốn làm một chuyến đi, tìm tới. Và mấy ai chạm được lá cờ ở Lũng Cú hay đến Bản Giốc?
Một người nhận được hạnh phúc chính là được đi và được chạm gặp. Tôi vẫn mơ giấc mơ dong ruỗi đến tận cùng đất nước. 63 tỉnh thành chỉ là con số, các làng xã chỉ là địa danh. Đến Hà Nội cũng chỉ là bắt đầu cho cuộc hành trình về phương Bắc, tôi tỉ dụ như thế. Phải thấm cái lạnh Hà Nội mùa đông, phải ngắm nhìn mùa thu vàng lãng đãng không gian màu sương đục hoặc ngắm nhìn hoa đào nở mới gọi là cảm nhận. Đến Sapa khi tuyết rơi mới gọi là nhìn thấy hoặc lên đỉnh Phăngxipăng với bước chân rắn rỏi, thở dốc và đẫm mồ hôi mới gọi là chinh phục. Tả về bát cơm thì phải nếm từng hạt cơm trong chén.
Dịch chuyển không phải là ngồi ô-tô, lật cuốn sổ ghi chép nghe người kể chuyện. Muốn biết phải đi đến tận cùng và cùng nếm cái tận cùng.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/song-la-phai-dich-chuyen-post262450.html