Sông Lô xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết

Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhỏ lẻ, ứng dụng tiến bộ KHKT còn hạn chế, việc tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị chưa được hình thành… là những tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp của huyện Sông Lô. Để nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, cần có sự quan tâm, đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết.

Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Đồng Đức Mạnh ở xã Tân Lập (Sông Lô) với quy mô tổng đàn trung bình 28.000 con/lứa theo hình thức liên kết với Công ty TNHH Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Lượng

Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Đồng Đức Mạnh ở xã Tân Lập (Sông Lô) với quy mô tổng đàn trung bình 28.000 con/lứa theo hình thức liên kết với Công ty TNHH Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của từng địa phương, kết hợp tăng cường đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, huyện Sông Lô đã và đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ nông sản.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của địa phương, quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp của huyện đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển với mục tiêu từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tăng thu nhập cho người dân.

Huyện chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các địa phương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của tỉnh như: Chương trình hỗ trợ chăn nuôi và mua bò đực giống, lợn đực giống, lợn nái sinh sản; hỗ trợ mua mới và thay thế lợn nái hậu bị cấp bố mẹ; hỗ trợ nông dân nuôi cá giống mới thâm canh; hỗ trợ xây dựng hầm bioga để xử lý chất thải chăn nuôi; hỗ trợ làm nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà; hỗ trợ các giống lúa chất lượng, ngô biến đổi gen; hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp...

Tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, quỹ đất, vốn vay... để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với DN, nâng cao giá trị nông sản theo hướng an toàn, bền vững.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tích cực tuyên truyền, rà soát, cân đối, chủ động bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ chương trình dồn thửa đổi (DTĐR); lựa chọn 2 xã làm điểm là Bạch Lưu và Yên Thạch.

Đến nay, xã Bạch Lưu đã DTĐR được trên 15 ha, xã Yên Thạch 10 ha. Ngoài ra, một số địa phương cũng tích cực DTĐR, tích tụ đất đai, như: Xã Cao Phong tích tụ được 35 ha, Phương Khoan 5 ha để triển khai dự án nuôi trồng thủy sản...

Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Vùng trồng ổi ở xã Đôn Nhân, dưa chuột xã Hải Lựu, chuối tiêu hồng xã Cao Phong, măng tây ở xã Bạch Lưu... bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Triển khai và từng bước nhân rộng một số mô hình trình diễn trồng cây ăn quả với các giống cây cho năng suất, chất lượng cao, như trồng bưởi Diễn xen bưởi đỏ Tân Lạc tại các xã Cao Phong, Đồng Thịnh, Đồng Quế, Lãng Công, Quang Yên; trồng na tại các xã Đồng Quế, Quang Yên, Cao Phong, Đồng Thịnh...

Tuy nhiên, các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện hầu hết mang tính tự phát, do người dân tự học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư nên hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Xác định chăn nuôi là ngành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, UBND huyện Sông Lô chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng các mô hình trang trại, gia trại; phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị với các giống chọn lọc; tăng cường áp dụng KHKT, gắn với an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết để nâng cao hiệu quả sản suất, giảm chi phí đầu vào, khắc phục thực tế sản xuất nhỏ lẻ, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Đến nay, quy mô ngành chăn nuôi của huyện từng bước được chuyển đổi từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển tập trung. Các giống lợn nái ngoại siêu nạc, giống bò lai Sind, gà mía lai, cá rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp, cá chép lai 3 máu... ngày càng được nuôi trồng phổ biến.

Dần hình thành một số vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm như mô hình nuôi lợn nái sinh sản tại các xã Lãng Công, Hải Lựu, Nhân Đạo; nuôi bò vỗ béo tại các xã Cao Phong, Đồng Thịnh; nuôi rắn tại xã Bạch Lưu; nuôi gà tại các xã Quang Yên, Phương Khoan...

Hiện có 4 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô từ 1.100 - 3.300 con/lứa và 5 trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô từ 6.000 - 28.000 con/lứa tại các xã Đồng Quế, Tân Lập thực hiện liên doanh, liên kết với Công ty TNHH Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam và 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô trung bình 10.000 con/lứa ở xã Phương Khoan liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam.

Tham gia vào chuỗi liên kết, các hộ chăn nuôi chỉ cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân công phục vụ sản xuất và được DN hỗ trợ hoàn toàn chi phí mua giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi và được ký kết hợp đồng bao tiêu 100% đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Từ đó, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Để thúc đẩy phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện Sông Lô đang đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai để hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay cho người dân để đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tăng cường kiểm tra, rà soát đàn vật nuôi, chủ động kế hoạch tiêm phòng, ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT nâng cao trình độ sản xuất cho người dân.

Khuyến khích các hộ chăn nuôi ứng dụng KHKT, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/80837/song-lo-xay-dung-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-theo-chuoi-lien-ket.html