Sống nhàn để rong chơi

Trước hết cần nói ngay rằng sống nhàn để hạnh phúc không có nghĩa là lối sống chối bỏ thực tại, lười biếng, thích hưởng thụ mà là một cách cân bằng trong đời sống vốn nhiều áp lực, xô bồ, tranh đua…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người Việt hay có câu “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ý nói là cuộc sống làm lụng vất vả, ít có tháng ngày thanh bình. Nhưng trong sự khốn khó đó, người Việt vẫn tìm cho mình nụ cười ở những phút giây nghỉ ngơi. Đó là chút nhàn nhã khi việc trồng trọt đã qua, sau lũy tre làng, dưới mái tranh nghèo vẫn vang lên câu hát với hội hè đình đám, vẫn có những phút nông nhàn, nhâm nhi uống trà, chơi hoa, ngắm trăng, trò chuyện râm ran...

“Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Người Việt xưa cũng có một đời sống đẹp, thanh nhàn, vui chơi, nhưng không bê tha. Chọn cách sống trong hiện tại để quên đi tương lai mịt mù hay lãng quên đi quá khứ không mấy vui vẻ. Tháng nông nhàn nhất của người Việt phải là mùa xuân, mùa sau Tết là hội hè, đình đàm, mùa vụ đã xong… nên người ta có thể đi chơi cả tháng.

Nhà văn Bằng viết về “Tháng Hai, tương tư hoa đào” có đoạn nói về thú rong chơi sau ngày Tết của người Việt kéo dài từ tháng Giêng sang tháng Hai và ông coi đó là sự nhàn nhã, hưởng thụ sau những ngày mệt nhọc chứ không phải biếng lười: “Hỡi những người máy móc, đừng có bảo những đồng bào ấy là những người hưởng lạc. Bị kẹt trong một cái thế hết xâm lăng nọ đến quân cướp nước kia, với những tài nguyên chưa có bao giờ khai thác, họ, những người phương Bắc, phải chiến đầu không ngừng, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm để sống, nhưng họ không vì thế mà phải chạy ngược chạy xuôi, phờ râu trớn mắt để đánh vật với đồng tiền.

Họ làm việc bằng chân tay, bằng trí óc để chống lại thiên nhiên, để duy trì sự sống, để vươn lên mãi, vươn lên mãi, nhưng lúc nào cần nghỉ ngơi, họ biết nghỉ ngơi, khi nào cần phải chắt chiu cái nội tâm họ biết chắt chiu cái nội tâm, khi nào cần phải sống đẹp, sống cho đúng ý nghĩa của sự sống thì họ sống đẹp, sống cho ra sống.

Vì thế, cứ làm việc nhưng suốt một tháng giêng họ vẫn cứ vui xuân. Tuy vậy, vẫn chưa đủ, những ngày vui còn kéo dài ra tận tháng hai mà người ta vẫn cứ tiếc sao những đêm tháng hai ngắn quá…”.

Vậy trong thời gian rông dài đó, người ta chơi gì, ăn gì, uống gì, rồi du ngoạn ở đây đó đều được tính toán cả. Rong chơi cũng là để vui vẻ, để thưởng ngoạn, nhưng cũng để bùng phát cái tự do bao ngày tháng bị kìm nén, cầm tù, nơi ruộng đồng, làng xóm. Nên những lễ hội, đình đám của người Việt luôn ồn ào, thu hút đông người. Trong cái “động” đó ta tìm thấy cái “nhàn” cái vui vẻ, hưởng thụ của người Việt là không phải làm việc, đi chơi hết ngày này qua ngày khác, đủ hết trò vui, say sưa hẹn hò, giao duyên…

Nhà văn Võ Phiến viết trong cuốn “Quê hương tôi” nói về thú nhàn nhã của người Việt thật cẩn trọng, chi tiết và lâu dài: “Các thú chơi cổ truyền của ta là chăm nom một cây kiểng suốt vài mươi năm, truyền tử lưu tôn một gốc cây lùn trong vài ba thế kỷ để mấy đời con cháu thay nhau gọt tỉa, là nhắp chén trà, là tìm cách bày một hòn đá cho hợp với cảnh vườn…

Trong năm, những ngày mưa là những ngày thừa thãi nhiều thì giờ nhất. Để tiêu cho hết khoản thừa thãi ấy, một người Á Đông không cần phí sức: "Mùa xuân mưa nên đọc sách, mùa hè mưa nên đánh cờ, mùa thu mưa nên lục những đồ cất trong rương, mùa đông mưa nên uống rượu". Lặng lẽ như thế, âm thầm như thế. Đố kỵ thứ nhàn quần quật, thứ nhàn đẫm mồ hôi, tiền nhân chúng ta chọn một thứ "nhàn" thế nào cho nó “nhã”.

Nguyễn Trãi cũng là người có lối sống nhàn ở Côn Sơn khi ông rời triều chính. Một vị đại thần của nhà Lê, có công lớn đánh đuổi quân xâm lược, lại sống một đời đơn sơ bên bậc đá rêu xanh, suốt mát chảy như tiếng đàn, rừng thông mọc như nêm… nơi đây để ông nằm nghỉ và “dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”.

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là người chọn lối sống nhàn ở Côn Sơn khi ông rời triều chính. (Ảnh minh họa)

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là người chọn lối sống nhàn ở Côn Sơn khi ông rời triều chính. (Ảnh minh họa)

Nguyễn Khuyến, một người sống thời đất nước tao loạn đã chọn chốn quê nhà thanh bần mà sống đời đạm bạc với ao chuôm, ngõ trúc, trà rượu thanh đạm để dan díu với các nhàn hạ nơi thôn dã để quên đi thực tại phũ phàng của đất nước. Cái cảm tác của ông trong thời loạn thấy được cái đau của người làm quan vì nước nhưng không cứu nổi vận nước, đành tránh xa sự lũng đoạn để kiếm tìm chút vui thú tuổi xế chiều.

Cái nhàn nhã, thanh cao đó không phải bê tha, chè chén, mà vẫn nghĩ suy, đau đáu cho nước nhà, nghĩ cái phận mình mỏng, còn nhiều day dứt “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”.

Với nhà thơ trứ danh Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống nhàn hạ là thuận theo tự nhiên với tinh thần tự do tuyệt đối: Một mai, một cuốc, một cần câu/Thơ thẩn dầu ai vui thú nào/Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn, người đến chốn lao xao/Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống/Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao” (Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Cuộc sống của ông thật khiêm nhường, đạm bạc nhưng lại chẳng hề tầm thường. Bởi lẽ, ông đã có đủ an nhàn để cứu rỗi mình thoát khỏi vòng xoáy khắc nghiệt của phường danh lợi, để đem tâm hồn đến gần với thiên nhiên, hòa hợp với vạn vật. Trong cuộc đời mỗi con người, liệu giàu sang, phú quý có phải là đích đến cuối cùng và chúng có mang lại hạnh phúc, an yên cho tâm hồn chúng ta? Hay cái tồn tại mãi mãi với mỗi con người chính là nhân cách, là phẩm chất cao đẹp? Hai câu kết của bài thơ chính là sự khẳng định của tác giả về triết lý sống nhàn.

Người xưa chọn sống nhàn để cân đối, hòa hợp với đời sống. Người từ quan hay chọn quê nhà ẩn trú để hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ..., coi họ là bầu bạn. Lối sống đó thành như điểm tựa của tầng lớp nho sinh, quan lại khi đã chán cảnh triều chính lụy tàn. Nhàn vậy để giữ mình, tránh xa vẩn đục, khí chất đó khiến đời sau thán phục.

Cùng đi ngắm núi đồi bao la

Sống nhàn không chỉ là câu chuyện của người xưa, mà người của thế kỷ 21 nay cũng vậy. Xin kể đôi lời về lối sống ưa nhàn, hòa hợp, không vội vã của một bạn trẻ. Bạn tôi ở Hà Nội rồi nhảy việc vào Sài Gòn, tên Linh Lê. Thỉnh thoảng tôi hỏi bạn tôi: Dạo này em làm gì? Cô bạn tỉnh bơ nói: Em đang đi leo núi. Tôi lại hỏi: Em không đi làm sao? Bạn tôi cho biết cô vừa nghỉ việc để đi chơi và giảm bớt áp lực.

Linh Lê chọn Đà Lạt hay Bình Thuận, Ninh Thuận, Côn Đảo… để leo núi theo bạn bè. Với Lê, xa thành phố, ngủ trong lều bạt, ngắm nhìn núi rừng, sao trời, cây cỏ, tận hưởng không gian bao la, pha trà trong sương sớm hay trò chuyện bên đống lửa… là một thú vui của tuổi trẻ chưa vướng bịu chuyện hôn nhân.

Với Lê: Tuổi trẻ là rong chơi và cống hiến.

Với Lê: Tuổi trẻ là rong chơi và cống hiến.

Đó cũng là hưởng cái nhàn hạ hoàn hảo của thanh xuân bận bịu với công việc, chạy theo tiến độ. Lê chia sẻ về chuyến đi vừa rồi ở Côn Đảo: “Vợ chồng anh chủ em thuê lều ở Côn Đảo có lối sống rất nhàn nhà. Ông chồng dậy, việc đầu tiên làm là mở album Hà Anh Tuấn. Tiếng nhạc, tiếng 4 con chó cùng sủa, tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc… kèm tiếng nhỏ con nhà ổng bi bô. Sao em thấy cuộc sống của họ khỏe quá và đã nữa”.

Với Lê, sống vậy để có trải nghiệm tuổi trẻ khi quan sát xung quanh, học từ mọi người, cũng là cách để mình có được thế giới riêng, không bị cuốn vào công việc quá say mê mà quên mất rằng: Tuổi trẻ là rong chơi và cống hiến.

Lê nói rằng nhiều khi bố mẹ gọi điện vào hỏi cô rằng còn đi làm không hay đi chơi? Một tuổi trẻ chưa vội vã kết hôn, cho rằng hôn nhân là “duyên”, nhưng cô đã sớm chọn một lối sống ưa nhàn để tìm thấy cảm xúc bên trong của một tuổi trẻ vồn vã.

Qua câu chuyện của người trẻ sống nhàn trên có thể thấy, lối sống là một khái niệm riêng tư, quan niệm mỗi người mưu cầu khác nhau. Người thích sống đời rực rỡ, phù phiếm như đại gia Gatsby, người thích đơn sơ, mộc. Cách chọn lựa cuối cùng chỉ là mưu cầu hạnh phúc. Người trẻ bây giờ chọn lối sống tối giản hay từ bỏ công việc áp lực hay chọn cách làm việc tự do, rồi nghỉ hẳn việc trú mình ở nông thôn đều xảy ra nhiều. Chọn cái tinh thần tự do, tự lo cho bản thân cũng là một cách sống có có cả hay và dở, nhưng đó là lựa chọn mưu cầu hạnh phúc.

Nói tóm lại, sống nhàn là một vẻ đẹp. Nó tránh được sự ồn ã, tránh được sự tụng ca, tránh được đám đông nhốn nháo. Cái tĩnh đó, nó cũng là một sự thiện lương của con người cần hướng tới.

Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/song-nhan-de-rong-choi-post469705.html