Sống tự do, chỉ một ngày là đủ
Tận mắt trông thấy anh trai bị kết án oan, nữ bồi bàn Betty Waters đã quyết định thi vào trường luật, trở thành luật sư để cứu anh trai. Bà bước vào hành trình giải oan suốt 18 năm chỉ với chút ít niềm tin từ thuở ấu thơ.
Tận mắt trông thấy anh trai bị kết án oan, nữ bồi bàn Betty Waters đã quyết định thi vào trường luật, trở thành luật sư để cứu anh trai. Bà bước vào hành trình giải oan suốt 18 năm chỉ với chút ít niềm tin từ thuở ấu thơ.
Niềm tin mong manh
Tháng 5-1980, một vụ giết người cướp của đã làm chấn động Massachusetts (Mỹ). Ông Kenny Waters, hàng xóm của nạn nhân, bị tình nghi là thủ phạm. Bằng chứng ngoại phạm duy nhất của Kenny là tờ giấy chấm công nơi ông làm việc đã “không cánh mà bay” một cách bí ẩn. Mặc dù phía pháp y khẳng định sợi tóc thu được ở hiện trường không phải của Kenny nhưng tòa vẫn quyết định xét xử ông.
Chi phí thuê luật sư bào chữa rơi vào khoảng 50 nghìn USD, một số tiền lớn với người lao động chân tay như Kenny. Và ông cho rằng bản thân không cần luật sư bởi ông vô tội. Thế nhưng, dựa vào lời khai của một số nhân chứng và kết quả khám nghiệm hiện trường, Kenny Waters bị kết án tù chung thân vì tội giết người.
Ông Kenny Waters trải qua chuỗi ngày tự hành hạ mình trong trại giam vì không thể chấp nhận bản án. Ông từng cố gắng tử tự nhưng bất thành và bị biệt giam trong một tháng. Ðau lòng trước tình cảnh của anh trai, bà Betty Waters chợt lóe lên ý tưởng học Luật để cứu anh trai mình dù khi đó bà chỉ là một người bồi bàn ít học.
Ðiều gì khiến bà Betty nghĩ rằng anh trai mình vô tội? Ðơn giản là niềm tin mong manh vào nhân cách của người đàn ông đã gắn bó với bà suốt những năm tháng ấu thơ khi cha mẹ đi làm ăn xa. “Anh ấy sẽ đáp trả bọn ức hiếp nhưng tuyệt đối không phải dạng người đột nhập vào nhà ai đó để cướp của giết người”, bà hồi tưởng.
Nghĩ là làm, bà Betty xin gặp anh trai trong tù và hứa sẽ cố thi vào trường luật để giải oan, chỉ cần ông Kenny Waters không tìm cách tử tự. Một giao kèo mà ai nghe được cũng phải lắc đầu: Một người phụ nữ 30 tuổi ít học làm sao có thể học luật chứ đừng nói đến việc chống lại phán quyết của tòa? Nhưng người em gái chỉ cần anh trai tin mình là đủ!
Dẫu vậy, đôi khi chính Betty cũng hoang mang với quyết định của mình: “Nhỡ học xong cũng không thể minh oan cho anh Kenny thì sao?”, nhưng rồi nhanh chóng tự trấn an: ít nhất thì anh trai bà sẽ không nghĩ đến cái chết nữa.
Anh trai của Betty đã có sáu tháng cuối đời vui vẻ và tự do bên gia đình.
Hành trình phi thường
Bà Betty Waters bắt đầu tham gia các khóa học ban đêm tại Trường đại học Cộng đồng Rhode Island và theo học hệ cử nhân Trường đại học Luật Roger Williams.
Chương trình học nặng đã lấy đi gần như toàn bộ thời gian của một người vợ, người mẹ. Không chịu được cảnh vợ ngày ngày lên giảng đường, chồng bà Betty quyết định ly hôn với lí do bà “thương anh trai hơn thương chồng”. Các con của bà dù không trách mẹ nhưng vẫn chọn sống với cha để được chăm sóc tốt hơn vì công việc của Betty khi ấy chỉ đủ nuôi sống bà. Với Betty, đây là giai đoạn khiến bà như muốn phát điên.
Dẫu phải ngụp lặn trong nỗi cô đơn tột cùng của một người phụ nữ, bà Betty vẫn có một thứ để bấu víu: những manh mối đầu tiên để giải oan cho anh trai. Tại trường luật, bà Betty đọc được một tài liệu về bằng chứng ADN, thứ khá mới mẻ với nền tư pháp nước Mỹ thời điểm đó, và quyết định truy tìm các mẫu vật chứng để làm xét nghiệm.
Kết quả ADN nêu rõ ông Kenny Waters không phải hung thủ giết người. Ông Kenny được trả tự do vào năm 2001 và là tù nhân thứ 83 ở Mỹ được minh oan nhờ bằng chứng ADN. Nhưng hành trình minh oan chưa dừng lại ở đó, bà Betty cùng các đồng sự gặp lần lượt từng nhân chứng vụ án và thuyết phục họ nói ra sự thật là họ đã “khai man” dưới áp lực của cơ quan điều tra.
Sau đúng 18 năm kể từ phiên tòa xét xử ông Kenny, bà Betty Waters đã hoàn thành mong ước giải oan cho anh trai. Bà hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh khoảng thời gian chăm sóc con để theo đuổi một mục tiêu gần như là bất khả thi trong mắt nhiều người. Ðiều an ủi lớn với Betty là những người con của bà hoàn toàn không oán trách mẹ một chút nào. “Ai cũng biết mẹ tôi vào trường học để cứu bác tôi ra mà. Mẹ đã dạy tôi rất nhiều”, một trong hai cậu con trai của bà Betty từng phát biểu.
Chiến thắng của bà Betty đã cổ vũ nhiều phạm nhân bị kết tội oan đòi lại công bằng. Ngoài thời gian làm ở quán rượu, bà thường lui tới để hỗ trợ Dự án Vô tội, minh oan cho gần 300 người.
Ðiều còn lại
Số phận của ông Kenny Waters những tưởng sẽ tốt đẹp hơn sau khi ra tù, nhưng không. Sáu tháng sau khi được trả tự do, ông Kenny trượt chân ngã xuống đất và tử vong do xuất huyết não. Ðó là kết cục khó có thể chấp nhận với những người yêu quý bà Betty Waters, thậm chí bộ phim về cuộc đời bà cũng phải lược bỏ chi tiết này vì nó quá nghiệt ngã.
Nhưng bà Betty chấp nhận sự thật này với sự bình thản khó tin. “Anh trai tôi đã có sáu tháng tuyệt nhất đời. Anh ấy làm quen với điện thoại di động, với những chiếc xe hơi đời mới”. Ai rồi cũng một lần phải chết và bà Betty hạnh phúc vì anh trai bà ra đi như một công dân tự do, vô tội.
Khao khát giúp anh trai “có một ngày sống tự do” có lẽ là động lực lớn nhất trong suốt 18 năm đằng đẵng đi tìm công lý của bà Betty. Sau vụ án của Kenny, Betty còn sử dụng kiến thức luật để giúp quán rượu được gia hạn giấy phép kinh doanh. Với bà, tấm bằng Luật như tấm áo choàng siêu nhân được mặc vào để cứu lấy những điều thân yêu nhất.
Trở về cuộc sống bình thường sau hành trình phi thường, bà Betty dường như chẳng thay đổi gì: Vẫn là một người phụ nữ lao động giản dị, một người mẹ, người bà hết lòng yêu thương con cháu. Nhưng đối với nhiều người, cuộc chiến đòi công lý của bà đã thúc đẩy hệ thống tư pháp hình sự Mỹ điều chỉnh những lỗ hổng chết người, nhằm hạn chế các vụ án oan sai.
Và di sản đáng tự hào nhất của bà Betty chính là cậu con trai. Dẫu không có nhiều thời gian bên mẹ nhưng chặng đường vĩ đại của bà Betty là bài học giúp cậu con trai bé bỏng hôm nào “trở thành người đàn ông chính trực, luôn bảo vệ lẽ phải” mà bà hằng mong đợi.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-vat_1/song-tu-do-chi-mot-ngay-la-du-627890/