Sốp Cộp phát triển cây mắc ca

Thực hiện chủ trương đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, huyện Sốp Cộp đã đưa cây mắc ca vào trồng tại các xã Mường Và, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Lèo, Nậm Lạnh. Hiện nay, mắc ca đang phát triển tốt, nhiều diện tích đã cho quả vụ đầu.

Cán bộ Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Sốp Cộp trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca với nhân dân.

Cán bộ Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Sốp Cộp trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca với nhân dân.

Năm 2020, cây mắc ca bén rễ trên những nương đồi tại bản Co Đứa, xã Mường Và, giống cây mắc ca do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và nhập từ tỉnh Lâm Đồng về trồng 60 ha, đến nay diện tích này đã tăng lên 71 ha. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Công ty, cho biết: Sau hơn 4 năm trồng, chúng tôi nhận thấy cây mắc ca phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, tỷ lệ sống đạt 98%, cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh. Năm nay là vụ đầu tiên cây mắc ca cho quả bói, năng suất quả tươi ước đạt gần 3 tấn/ha, những năm tiếp theo, cây sẽ cho năng suất ổn định từ 6-8 tấn quả tươi/ha. Công ty dự kiến mở rộng diện tích lên 100 ha trong những năm tới và tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động địa phương trong công tác trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Anh Quàng Văn Lâm, bản Co Đứa, xã Mường Và, chia sẻ: Tôi làm công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và đã 4 năm nay, với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Tôi thấy cây mắc ca dễ trồng và chăm sóc, nên năm 2023, tôi đăng ký với Công ty trồng hơn 200 cây mắc ca giống trên đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả của gia đình. Đến nay, cây mắc ca đang phát triển tốt.

Hiện nay, huyện Sốp Cộp có 81,5 ha trồng cây mắc ca, trong đó 60 ha đang cho quả bói vụ đầu tiên, quả mắc ca sẽ thu hoạch từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 hằng năm. Ông Vì Văn Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Mắc ca là cây lâu năm cho hạt có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây thấp tán như cà phê, chè, cây dược liệu. Thực hiện kế hoạch phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng kém hiệu quả để tuyên truyền, khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang trồng cây mắc ca. Phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, liên kết với các hộ dân phát triển thành vùng nguyên liệu gắn với cam kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm mắc ca.

Xã Púng Bánh có 1 ha mắc ca được trồng ở bản Khá Nghịu theo mô hình của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật năm 2022, hiện nay, cây đang phát triển tốt. Các hộ dân trong xã cũng đã đăng ký trồng thêm 10 ha mắc ca. Còn ở xã Dồm Cang từ năm 2023 đến nay, nhân dân đã thực hiện trồng 8 ha cây mắc ca gắn với phát triển kinh tế rừng, trong đó có 6 ha trồng theo dự án hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326. Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, xã đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân đăng ký với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng mắc ca trên diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, hoặc trồng xen với cây cà phê, nhằm tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác và tăng khả năng che phủ rừng.

Ông Lò Văn Điện, bản Tốc Lừu, xã Dồm Cang, chia sẻ: Gia đình tôi trồng xen 350 cây mắc ca trong 2,5 ha cà phê từ năm 2023. Đến nay, toàn bộ diện tích mắc ca phát triển tốt, cây đã cao từ 1,5 - 2 mét, phát tán tầng thứ ba, trong khi cây cà phê vẫn cho năng suất ổn định.

Theo kế hoạch đến năm 2030, Sốp Cộp sẽ mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên 300 ha. Hiện nay, huyện tiếp tục khuyến khích, thu hút các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu mắc ca tại nhiều xã trên địa bàn; liên kết với các hộ dân hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm, đem lại nguồn sinh kế mới bền vững cho bà con nông dân và góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng tại địa phương.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te-video/sop-cop-phat-trien-cay-mac-ca-SCNaH6kHR.html