Sốt sắng tìm lớp 'tiền tiểu học'
Mùa hè cuối cùng ở cấp mầm non của nhiều trẻ chuẩn bị vào lớp 1 đang quay cuồng với tập đọc, tập viết. Nhiều phụ huynh khác còn cho rằng bây giờ mới khởi động học tiền tiểu học là muộn, con họ đã khởi động hàng... năm nay.
Muôn kiểu học tiền tiểu học
Có con gái đầu lòng sinh năm 2018, chị Dương Thị Lan Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngay từ tháng 9 năm ngoái lớp mầm non của con chị đã có nhiều mẹ rủ nhau thành lập nhóm riêng, mời cô giáo về dạy “tiền tiểu học” hoặc rỉ tai nhau những lớp có tiếng quanh khu vực trường.
“Thời điểm đó, tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để cho con học lớp tiền tiểu học vì tôi có trao đổi với một số cô giáo về chương trình dạy thì chủ yếu là rèn chữ, làm toán. Con tôi còn chưa thuộc bảng chữ cái, tay cầm bút tô màu còn yếu nên tôi chưa cho con học. Nhưng vừa rồi thấy nhiều mẹ trong lớp khoe con đọc truyện, làm toán cộng trừ trong phạm vi 20 làm tôi lo lắng, quyết định dừng lớp múa để tập trung toàn thời gian cho con học tiền tiểu học với 4 buổi tối/tuần” - chị Lan Anh chia sẻ.
Cũng chọn phương án học tiền tiểu học cấp tốc, chị Vương Ngô Lan (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết, phải đấu tranh mãi chồng chị mới nhượng bộ việc đăng ký cho con học lớp tiền tiểu học do cô giáo mở ở gần nhà. “Chồng tôi phản đối việc học trước, bảo cứ cho con tận hưởng tuổi thơ đi rồi vào tiểu học mới học cũng không sao. Đến khi thấy 2 bé cùng tuổi với con tôi ở cùng tầng đọc sách trôi chảy, tác phong đi học lớp 1 cũng ra dáng hẳn thì mới đành nhượng bộ. Hi vọng hết 2,5 tháng hè học liên tục như vậy, con cũng đuổi kịp các bạn để khi vào lớp 1 không đến nỗi ngơ ngác quá” - phụ huynh này bày tỏ.
Thực tế, các lớp học tiền tiểu học hiện nay rất phong phú với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, học 1-1, học nhóm nhỏ 3-5 bạn hoặc học nhóm lớn 10 bạn… do cô giáo tự tổ chức hoặc các phụ huynh rủ nhau thành lập nhóm rồi mời cô giáo về dạy, do các trung tâm hoặc trường học tổ chức. Hình thức học cũng đa dạng từ 1-1,5 tiếng/buổi đến học bán trú cả ngày, kín tuần từ thứ 2 đến thứ 6 như đi học tiểu học chính thức. Một số phụ huynh vì gửi con về quê, không đưa đón được hoặc tìm đến các lớp tiền tiểu học do thầy cô nổi tiếng giảng dạy thì chọn lớp học online cho con.
Chi phí khóa học online tiền tiểu học do một công ty tổ chức là 720.000 đồng được sử dụng trong 365 ngày. Trong đó, nhấn mạnh sau khi kết thúc khóa học trẻ sẽ đạt được các yêu cầu cả về kiến thức và kĩ năng như nhận biết được hệ thống chữ cái; chữ số; biết tính toán trong phạm vi 10; biết cách viết đúng; có thể ghép và gọi tên được các tiếng đơn giản. Đồng thời phát triển một số kĩ năng cần thiết để có thể theo học lớp 1: diễn đạt điều muốn nói; gọi tên đúng sự vật, hiện tượng; biết so sánh và dùng từ so sánh trong các trường hợp cụ thể; tự tin và phát triển tư duy.
Ghi nhận của phóng viên, hiện giá một buổi học tiền tiểu học dao động từ 80.000 - 150.000 đồng khoảng trên dưới 1 giờ tùy vào số trẻ, thương hiệu của giáo viên (GV). Ngoài ra, nhiều trẻ còn tham gia các lớp học riêng biệt về luyện chữ, Toán, Tiếng Anh... với học phí tương đương, tính chi phí cho một mùa hè học kiến thức trước khi vào lớp 1 của trẻ là hết 1 tháng lương của bố/mẹ.
Cân nhắc sự phù hợp
Nhiều quảng cáo hoa mỹ về những lợi ích của các khóa học tiền tiểu học được các trung tâm, GV giới thiệu với phụ huynh. Còn thực tế, khi phụ huynh tìm lớp tiền tiểu học cho con, chủ yếu là theo kinh nghiệm, chia sẻ của các phụ huynh có con lớn hơn. Với tâm lý “trăm nghe không bằng một thấy”, hầu hết những GV “đắt sô” dạy tiền tiểu học đều đã có kinh nghiệm dạy nhiều năm, được phụ huynh này học xong và hài lòng, giới thiệu cho phụ huynh khác.
Tuy nhiên, để con đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 như mong muốn của nhiều bậc phụ huynh thì việc chỉ học ở trên lớp là chưa đủ mà khi ở nhà, bố mẹ, người thân cũng phải thay phiên nhau ngồi học cùng con. Nhận thức của nhiều trẻ còn non, tay cầm bút còn yếu nhưng bài tập về nhà là hàng trang vở ô li tập viết mỗi ngày, thêm nhiệm vụ tập đọc một bài thơ, mẩu truyện ngắn theo yêu cầu của giáo viên. Phụ huynh và học sinh đều căng thẳng đến mức có phụ huynh đã chia sẻ trên một diễn đàn về tiền tiểu học trên mạng xã hội rằng “cứ nói đến đi học lớp 1 là con mếu máo, bảo chỉ thích học lớp mẫu giáo, tô màu thôi, không thích tô chữ, khó, mỏi tay…”.
Lý giải điều này, một GV có kinh nghiệm dạy tiểu học nhiều năm cho rằng, áp lực muốn con trong một thời gian ngắn đọc thông, viết thạo mà lại là học trước độ tuổi theo tính toán của ngành giáo dục của phụ huynh đã gây áp lực cho GV nên một số lớp tiền tiểu học đã dạy nhồi nhét, yêu cầu quá sức với một số học sinh. Đáng lẽ chương trình được dạy trong 9 tháng học từ sáng đến chiều thì nay gói lại trong mấy tháng học thêm, mỗi buổi khoảng 1,5 giờ đổ lại, đương nhiên phải tăng tốc, gây quá tải rồi!
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu tổ chức học tiền tiểu học với mục đích nhằm dạy trước kiến thức là không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ. Lý do là trước khi vào lớp 1, nếu phụ huynh đã ép con học, trẻ sẽ cảm thấy việc học căng thẳng, khó khăn. Điều này tạo cảm giác tiêu cực cho trẻ, khiến trẻ không thích việc học dẫn đến không đạt kết quả tốt trong học tập.
Xét về mặt thể trạng, nhận thức, đối với trẻ 5 tuổi, các con có thể nhận biết được mặt số, mặt chữ cái nhưng vận động tay cầm của trẻ chưa đạt độ cứng để có thể cầm bút và viết thành thạo. Nếu lúc này, trẻ bị ép cầm bút, viết trong một thời gian dài, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất.
Trước đó, năm 2023, tại Chỉ thị số 2325 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã yêu cầu các sở chỉ đạo các phòng GDĐT, các trường tiểu học, các cơ sở giáo dục mầm non phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1; nghiêm cấm GV tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.
Bộ GDĐT khẳng định, dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1; ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.
Nhiều địa phương, trong đó có TPHCM yêu cầu tất cả các trường mầm non trên địa bàn không được dạy trước chương trình lớp 1 dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD), quyết định cho con học tiền tiểu học hay không là phụ thuộc vào bố mẹ, không thể cứ cấm hay khuyên bảo là không nên học vì xung quanh mọi người đều cho con đi học, mấy bố mẹ vững tâm để con “thua thiệt” so với chúng bạn? Mong muốn con học giỏi, thành tài là nguyện vọng chính đáng của các bậc phụ huynh nên hy vọng con học trước, không bị thua ngay ở vạch xuất phát đầu đời là suy nghĩ phổ biến của nhiều bố mẹ là điều có thể lý giải.
“Vấn đề ở đây là cần phân tích cho phụ huynh hiểu, học tiền tiểu học hướng đến mục đích gì? Có phải học tiền tiểu học là đến lớp chỉ đọc chữ, làm toán, luyện viết hay là học gì? Lượng học như thế nào là hợp lý với mỗi một đứa trẻ? Điều này tôi cho rằng cần phải được nghiên cứu và truyền thông rộng rãi đến toàn xã hội để mọi người hiểu và dần thay đổi nhận thức, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến việc phát triển năng lực của từng học sinh, không phải là dạy học đồng phục yêu cầu mọi đứa trẻ đều phải phát triển như nhau” - ông Nguyễn Võ Kỳ Anh phân tích.
Thu Hương
TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục:
Chú trọng rèn kỹ năng sống cho con
Giai đoạn chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học là vô cùng quan trọng đối với trẻ. Ở môi trường giáo dục bậc mầm non, các con được cô giáo lo toàn bộ từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động thể chất… do đó trẻ ở độ tuổi này sẽ chưa có đủ năng lực và nhận thức về trách nhiệm với việc học. Trong khi đó, trẻ lên lớp 1 sẽ tiếp nhận một môi trường giáo dục hoàn toàn mới, ở đó con phải tự lập và sinh hoạt theo nề nếp của nhà trường. Cô giáo chỉ có trách nhiệm dạy học và kiểm tra bài vở, đảm bảo truyền đạt đúng và đủ kiến thức theo chương trình đào tạo.
Vì vậy, việc để con học trước chương trình lớp 1 khi con đang trong độ tuổi mầm non là không nên và không phù hợp với tiến trình phát triển của trẻ. Trước khi vào lớp 1, nên đẩy mạnh công tác giáo dục các kỹ năng sống để con dần thích ứng, thích nghi và thay đổi nhận thức khi chuẩn bị chuyển giao 2 môi trường giáo dục khác nhau.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sot-sang-tim-lop-tien-tieu-hoc-10283796.html