Sri Lanka muốn lấy lại cảng đã để Trung Quốc thuê - dễ cho, khó trả

Chính phủ Sri Lanka đứng trước nhiều thách thức khi muốn lấy lại cảng biển chiến lược Hambantota sau khi giao cho Trung Quốc hai năm trước vì không thể trả nợ.

Cảng biển quốc tế Hambantota nằm ở trung tâm tuyến vận tải biển nhộn nhịp phía nam Sri Lanka. Hambantota có vị trí quan trọng về địa chính trị, khi nằm trên vùng biển trọng yếu Nam Á, là vị trí chiến lược về giao thương biển đối với Trung Quốc.

Hồi năm 2017, cảng này được chính phủ Sri Lanka giao lại cho Trung Quốc trong một thỏa thuận thuê 99 năm nhằm xóa 1,1 tỷ USD tiền nợ.

Hambantota được coi là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho tham vọng gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc thông qua chương trình Vành đai và Con đường.

Có nhiều lo ngại cho rằng thỏa thuận nhường lại tới 85% cổ phần Hambantota cho công ty quốc doanh China Merchants Port Holdings của Trung Quốc sẽ tạo tiền lệ xấu cho các quốc gia đang phát triển, tiền lệ đánh đổi chủ quyền một cách dễ dãi lấy những khoản vay từ Trung Quốc.

Hủy bỏ giao ước cảng Hambantota là một trong những lời hứa chính trong chiến dịch tranh cử của Gotabaya Rajapaksa, tân Tổng thống Sri Lanka vừa nhậm chức tháng trước, đồng thời là anh trai của cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa. Cựu tổng thống Mahinda, người tại nhiệm từ năm 2005 - 2015, vừa được em trai bổ nhiệm là thủ tướng.

“Lý tưởng nhất là quay lại như cũ”, tờ South China Morning Post trích lời Ajith Nivard Cabraal, cựu thống đốc ngân hàng trung ương dưới thời ông Mahinda Rajapaksa. Theo ông này, để tránh phiền toái, chính phủ Sri Lanka phải trả nợ đúng hạn và Trung Quốc cần đồng ý giao lại cảng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa có động thái nào cho thấy kế hoạch sẽ thay đổi, trong khi đó mong muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển Hambantota, theo phát ngôn của nhà ngoại giao Trung Quốc Wu Jianghao trong buổi gặp gỡ nhằm chúc mừng tân tổng thống Sri Lanka nhậm chức.

Với những khoản nợ lớn phải trả cho Trung Quốc và mối liên hệ chặt chẽ của chính quyền nước này với Bắc Kinh, việc giải quyết thỏa thuận Hambantota và lấy lại vùng đất chiến lược xem ra không đơn giản với Sri Lanka.

Cảng biển Hambantota tại phía Nam Sri Lanka. Ảnh: Getty Images

Cảng biển Hambantota tại phía Nam Sri Lanka. Ảnh: Getty Images

Sri Lanka lún sâu trong nợ nần

Chính quyền mới Sri Lanka không đơn độc. Nhiều quốc gia Nam Á và Đông Nam Á khác cũng đang cố gắng tái thương lượng những thỏa thuận liên quan tới chính sách Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Malaysia là một trường hợp thành công khi tái điều chỉnh được thỏa thuận xây dựng Đường sắt ven biển phía Đông (ECRL) dài 640 km cũng như cắt giảm được 1/3 khoản nợ cho dự án này.

Các quốc gia như Pakistan, Myanmar hay Sri Lanka, trong khi đó, gặp nhiều khó khăn hơn. Theo Amitendu Palit, chuyên gia kinh tế nghiên cứu chính sách thương mại và đầu tư quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), khả năng tái thương lượng thành công phụ thuộc vào quy mô, năng lực và chiến lược kinh tế của mỗi quốc gia.

“Malaysia luôn vượt trội trong khía cạnh này. Đây là một quốc gia thu nhập trung bình với nền kinh tế mạnh hơn và nằm trong một trật tự khu vực ổn định. Sri Lanka không có lợi thế đó.”

Mười năm trôi qua kể từ khi nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc, Sri Lanka vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu kinh tế, họ vẫn kém thu hút đối với các khoản đầu tư tư nhân dài hạn.

 Cao tốc nối dài tại cảng Hambantota, Sri Lanka. Ảnh: The New York Times

Cao tốc nối dài tại cảng Hambantota, Sri Lanka. Ảnh: The New York Times

Chính phủ ông Rajapaksa đang phải gánh khoản nợ khổng lồ để lại từ thời kì anh trai ông cầm quyền. Hiện tại, nợ công Sri Lanka ở mức 78% GDP - thuộc top đầu tại Nam Á.

Từ năm 2010 đến 2015, Trung Quốc cho nước này vay 5 tỷ USD để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm sân bay Mattala - một dự án bị chỉ trích là thiếu hiệu quả và tốn kém - và cảng Hambantota. Đến năm 2018, tổng khoản nợ với Trung Quốc đã lên tới 8 tỷ USD.

Mục đích chính trị của chính phủ thân Trung Quốc

Cảng Hambantota - một trong những dấu mốc quan trọng trong suốt nhiệm kỳ 10 năm của ông Mahinda Rajapaksa - có mối quan hệ mật thiết tới gia đình Rajapaksa.

Điều tra của tờ New York Times từng vạch trần những khoản đóng góp khổng lồ của Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử năm 2015 của cựu tổng thống Mahinda. Theo đó, công ty China Harbor - nhà thầu dự án Hambantota - từng chuyển 7,6 triệu USD cho quỹ tranh cử của ông này thông qua ngân hàng Standard Chartered.

Trong thời gian ông Mahinda cầm quyền, Srilanka vay Trung Quốc nhiều khoản tiền lớn và từng để hai tàu ngầm Trung Quốc cập bến thủ đô Colombo năm 2014, khiến Ấn Độ và phương Tây lo ngại.

Dự án Hambantota, bất chấp lời hứa hẹn trở thành “cảng đất liền lớn nhất của thế kỷ 21”, hoạt động kém hiệu quả. Nhiều cảnh báo từng được đưa ra về việc có nên phát triển một cảng thứ hai này hay không, khi cảng chính tại thủ đô Colombo vẫn đang khai thác tốt.

Tuy nhiên, chính quyền ông Mahinda đã bật đèn xanh dự án, để Trung Quốc trở thành chủ nợ và nhà thầu chính.

Mahinda Rajapaksa, cựu tổng thống Sri Lanka (2005-2015), thủ tướng lâm thời và là anh trai của đương kim tổng thống Gotabhaya Rajapaksa. Ảnh: AP

Mahinda Rajapaksa, cựu tổng thống Sri Lanka (2005-2015), thủ tướng lâm thời và là anh trai của đương kim tổng thống Gotabhaya Rajapaksa. Ảnh: AP

Để có tiền làm dự án, Sri Lanka mượn 301 triệu USD từ Trung Quốc với mức lãi suất 6,3%, một mức ngất ngưởng so với mức lãi suất cho vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, vốn ở mức lần lượt là 0,25% và 3%.

Dự án này cùng nhiều thành viên nhà Rajapaksa - bao gồm con trai và hai anh trai của ông Mahinda bị điều tra vì tham nhũng.

Tờ South China Morning Post trích lời ông Swaran Singh, giáo sư chính sách ngoại giao tại New Delhi, Ấn Độ, cho rằng các chính phủ mới thường tìm cách tái thương lượng các thỏa thuận Vành đai và Con đường với Trung Quốc trên danh nghĩa “ vì lợi ích quốc gia” nhưng đồng thời muốn để lại dấu ấn cá nhân trong thời kỳ cầm quyền.

Việc thay đổi thỏa thuận, vì vậy, vì mục tiêu chính trị hơn là lợi ích kinh tế đơn thuần.

“Dù thay đổi thỏa thuận thế nào đi nữa, phương hướng ngoại giao với Trung Quốc của những quốc gia này sẽ không đổi. Đó là bởi họ cần Trung Quốc đầu tư”, Du Youkang, chuyên gia nghiên cứu Nam Á tại Thượng Hải, nói với tờ South China Morning Post.

Việc giảm thiểu món nợ với Trung Quốc có thể đem tới nhiều hậu quả không mong muốn trên bàn đàm phán ngoại giao, theo Sufian Jusohm, chuyên gia về thương mại quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia.

“Sri Lanka có thể thu hồi hợp đồng cho thuê nhưng đồng thời chịu rủi ro phải đền bù cho công ty Trung Quốc vì cưỡng đoạt cảng. Điều này có thể dẫn tới căng thẳng ngoại giao giữa hai nước”.

An Nguyễn
Theo SCMP

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sri-lanka-muon-lay-lai-cang-da-de-trung-quoc-thue-de-cho-kho-tra-post1023933.html