Studio Ghibli và những thước phim màu nhiệm

Đầu tháng 10 vừa qua, 'Mộ đom đóm' (tựa tiếng Anh 'Grave of the Fireflies'), bộ phim hoạt hình được xem như kiệt tác của Studio Ghibli chính thức khởi chiếu tại Việt Nam. Với những thước phim mỹ cảm đầy tính nghệ thuật, những bản vẽ tay được họa phối bằng tất cả tình yêu, những câu chuyện ý nghĩa về văn hóa, thiên nhiên, con người... Ghibli đã thổi vào ngành công nghiệp anime một làn gió mới, với vẻ đẹp vượt thời gian và không gian.

Chân dung nghệ sĩ đứng sau đế chế Ghibli

Ngày 15/6/1985, Studio Ghibli chính thức được thành lập. Với cương vị vừa là đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, nghệ sĩ đồ họa, tác giả, họa sĩ truyện tranh và đồng sở hữu của xưởng hoạt hình Ghibli Studio, Miyazaki là người đã tạo nên những tác phẩm định hình phong cách nghệ thuật, tầm nhìn và triết lý của hãng.

Song, trên con đường nghệ thuật lắm gian nan ấy, Hayao Miyazaki không đi một mình. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu nhắc đến Ghibli nhưng lại bỏ qua hai vị đạo diễn tài năng: Isao Takahata và Yoshifumi Kondo. Một người được ví như kẻ nắm giữ một nửa linh hồn của Ghibli, một người có phần hơi xa lạ với đại chúng nhưng trong chính xưởng làm việc, ông được xem là hậu duệ thừa kế di sản đồ sộ của đế chế hoạt hình.

Miyazaki (bên trái) và Takahata - hai vị đạo diễn tài hoa của đế chế hoạt hình Ghibli.

Miyazaki (bên trái) và Takahata - hai vị đạo diễn tài hoa của đế chế hoạt hình Ghibli.

Bắt đầu sự nghiệp làm phim vào năm 1959 tại studio Toei Animation, sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo với ngành ngôn ngữ Pháp, Isao Takahata đã gặp gỡ “gã trai trẻ đầy nhiệt huyết” Hayao Miyazaki, người sau này trở thành cộng sự, một người bạn thân thiết và cùng ông đồng sáng lập nên Studio Ghibli.

Trong suốt ba thập niên gắn bó với phim hoạt hình, ngoài góp mặt trong những tác phẩm cùng Miyazaki, Isao Takahata cũng là đạo diễn của các bộ phim hoạt hình nổi tiếng gồm: “Mộ đom đóm” (1988), “Chỉ còn ngày hôm qua" (“Only Yesterday” - 1991), “Cuộc chiến gấu mèo” (“Pom Poko” - 1994), “Gia đình nhà Yamada” (“My Neighbors, The Yamadas” - 1999), “Chuyện công chúa Kaguya” (“The Tale of the Princess Kaguya” - 2013) - bộ phim nhận được đề cử Oscar cho hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất vào năm 2014. Và “Mộ đom đóm” được ví như bộ phim hoạt hình buồn nhất mọi thời đại.

Nếu Isao Miyazaki và Isao Takahata là hai tiền bối gạo cội, thì Yoshifumi Kondo sẽ là hậu bối kế nhiệm thiên chức giữ lửa cho ngôi đền nghệ thuật luôn sáng ngời. Năm 1995, “Lời thì thầm của trái tim” (“Whisper of the Heart”) ra mắt bởi một cái tên lạ lẫm Yoshifumi Kondo. Sự thành công của những siêu phẩm như “Dịch vụ vận chuyển của Kiki” (“Kikis Delivery Service” - 1989) hay “Công chúa Mononoke” (“Princess Mononoke” - 1997) với sự góp sức của Giám chế hoạt họa Kondo, càng góp phần khẳng định vững vàng cương vị của Yoshifumi Kondo trong vai trò làm người thừa kế.

Hayao Miyazaki, Isao Takahata, Yoshifumi Kondo, ba nghệ sĩ tài năng cùng gặp gỡ ở mối lương duyên dành cho nghệ thuật, họ cùng để lại cho nhân loại những thước phim kinh điển đầy cảm động về một thế giới tưởng tượng vừa lãng mạn hồn nhiên, vừa hiện thực tàn khốc in sâu vào tâm khảm bao thế hệ. Nhưng đáng buồn thay, Isao Takahata và Yoshifumi Kondo, cả hai đều đã giã từ dương thế. Takahata mất vì căn bệnh ung thư phổi ở tuổi 82, còn Kondo qua đời đột ngột bởi chứng phình động mạch tim ở tuổi 47, bỏ lại sau lưng một sự nghiệp dở dang cùng những tháng ngày tận tụy bên giấy bút, cọ màu.

Những thước phim lãng mạn đầy tính hiện thực

Mỗi tác phẩm ở Ghibli luôn mang nét độc đáo riêng biệt so với các bộ anime nổi tiếng khác. Dưới đôi tay tài hoa của Miyazaki, thế giới anime tựa một viên kẹo đường mùa xuân ngọt ngào với những nhân vật thiếu niên gần gũi. Đó là một thành phố Laputa lửng lơ màu nhiệm, nép mình giữa những xoáy mây khổng lồ trong cuộc phiêu lưu của Sheeta và Pazu ở “Laputa: Lâu đài trên không” (1986). Là tiếng cười giòn, đôi mắt trong, nụ cười hồn nhiên ở tình bạn đặc biệt giữa Mei, Satsuki và thần rừng Totoro trong “Hàng xóm của tôi là Totoro” (1988). Là hành trình đầy thử thách của Chihiro trong thế giới huyền ảo ở “Vùng đất linh hồn” (2000).

Phân cảnh đầy mộng mơ, huyền ảo trong "Vùng đất linh hồn" (2000).

Phân cảnh đầy mộng mơ, huyền ảo trong "Vùng đất linh hồn" (2000).

Tuy nhiên, những câu chuyện được kể dưới lăng kính của Ghibli cũng có thể tàn khốc, tối tăm dưới góc nhìn trực diện thẳng thừng. Ra mắt vào năm 1988, đến nay “Mộ đom đóm”, bộ phim của Isao Takahata vẫn lay động bao thế hệ khán giả với cốt truyện ám ảnh về Seita và Setsuko - những đứa trẻ đã chết vì đói nghèo và bệnh tật sau Thế chiến thứ II, khi nước Nhật chìm trong gam màu ảm đạm đen tối của hoang tàn, đau thương, bi thảm.

Isao Takahata dùng cái chết, hoang tàn và diệt vong để tái hiện lại cuộc sống qua đôi mắt suy tư bộn bề. Nếu Sheeta có Pazu là người đồng hành trong cuộc truy cùng đuổi tận của các thế lực muốn cướp đá du hành; Chihiro có Kohaku, ông Kamaji tốt bụng và những người bạn làm điểm tựa xuyên suốt hành trình giải cứu cha mẹ; Sophia có Howl luôn cận kề bảo vệ xuyên suốt chặng đường hóa giải lời nguyền; thì Seita tội nghiệp và Setsuko bé bỏng chỉ có nhau, giữa sự ghẻ lạnh của người họ hàng, giữa niềm tin vụn vỡ về sự chiến thắng của quân đội Nhật, giữa cơ thể kiệt sức, ngày một gầy hao của những đứa trẻ lạc loài.

Ít ai biết rằng cảm hứng vẽ nên những thước phim chân thực trong “Mộ đom đóm” lại bắt nguồn từ chính hồi ức khốc liệt của cậu bé Takahata. Khi quân đội Mỹ thả bom xuống quê hương tại tỉnh Mie vào ngày 29/6/1945, cậu bé 9 tuổi ấy đã chạy trốn trên đôi chân trần cùng người chị gái với bộ đồ ngủ còn nguyên trên người. Có chăng những bước chân trốn chạy ấy đã in bóng vào “Mộ đom đóm”, “Cuộc chiến gấu mèo” (1994), “Chuyện công chúa Kaguya” (2013) qua những phân cảnh dù mang yếu tố huyền ảo nhưng vẫn phủ bóng hiện thực, với tất cả sự khốc liệt, hoang tàn của thời cuộc và tuyệt vọng, ngổn ngang trong tâm trí.

Song, dù hiện thực hay lãng mạn, phá vỡ nguyên tắc để nhìn thẳng vào thực tế hay bay bổng trong những xứ sở mộng mơ, cái tên Studio Ghibli vẫn là sự bảo chứng cho các tác phẩm nghệ thuật kinh điển, ở nơi thời gian không thể chạm đến hay ăn mòn.

Vẻ đẹp vượt thời gian

Năm 2024, “Thiếu niên và chim diệc”, bộ phim mới nhất của Ghibli đạt tượng vàng Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Không khó để khẳng định rằng, sức hút vượt thời gian và biên giới của đế chế hoạt hình đến từ sự chỉn chu, khắt khe của các đạo diễn. Từng có một giai thoại khá nổi tiếng về sự cầu toàn, khắc nghiệt trong phong cách làm việc của Isao Takahata.

"Mộ đom đóm" là bộ phim anime đậm chất hiện thực về đề tài chiến tranh của cố đạo diễn Isao Takahata.

"Mộ đom đóm" là bộ phim anime đậm chất hiện thực về đề tài chiến tranh của cố đạo diễn Isao Takahata.

Cụ thể ông từng khó chịu khi xem lại phân cảnh Seita cắt dưa hấu cho em gái trong “Mộ đom đóm”, nên vào năm 2013, Takahata đã yêu cầu nhóm sản xuất tới studio và luyện tập cắt dưa hấu mỗi ngày để học cách mô tả bàn tay cầm dao chuyển động thế nào, lưỡi dao cắt vào trái cây sẽ ra sao trong phân cảnh tương tự ở “Chuyện công chúa Kaguya”. Hay trong bộ phim tài liệu “Never-Ending Man”, Miyazaki được bắt gặp khi đang vẽ một con sâu bằng cách đặt chậu cây dưới kính lúp một cách cẩn thận.

Chủ nghĩa hoàn hảo trong các tác phẩm của Ghibli được đẩy tới cực độ để đạt đến những cảnh phim đẹp mắt dẫu đó chỉ là lát cắt trong phân cảnh nhỏ. Ở những công trình hội họa bậc thầy của Miyazaki, Takahata hay Kondo, mỗi khung hình đều chứa đựng rất nhiều chi tiết điện ảnh, hình ảnh gợi mở nhằm giúp thế giới trong cốt truyện trở nên sống động và có hồn nhất.

Các bộ phim của Studio Ghibli còn chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống để làm hoạt hình. Mỗi khung hình đều được vẽ tay bằng than chì rồi tô bằng màu nước và sơn acrylic giàu sắc độ trước khi được tập hợp và tạo thành tác phẩm phim hoàn chỉnh. “Thiếu niên và chim diệc” phải mất đến 7 năm để hoàn thành, hay bản phim hoàn chỉnh của “Ponyo” phải tiêu tốn hơn 170.000 khung hình vẽ tay. Đó thực sự là một quá trình khó khăn, khắc nghiệt và đầy tính kỷ luật của các nghệ sĩ để trung thành với tôn chỉ “vẽ tay trên giấy là cốt lõi của hoạt hình”.

Ở tuổi 82, sau nhiều tuyên bố nghỉ hưu rồi quay lại, Hayao Miyazaki vẫn trở lại Studio Ghibli và bắt tay thực hiện tác phẩm cuối cùng mang tên “How do you live?”. Như ánh tà dương rực rỡ, sau bao luân lạc đổi dời Isao Miyazaki vẫn miệt mài bước đi trong con đường nghệ thuật ông đã trót yêu thương và say đắm.

Phan Thiên Di

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/studio-ghibli-va-nhung-thuoc-phim-mau-nhiem-i748193/