'Su-35 bị Gripen tấn công trước khi kịp phát hiện đối phương'?

Đó là nhận định của nhà sản xuất Saab khi nói về hệ thống radar AESA thế hệ mới trên tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển.

Hãng Saab vừa hoàn thành thành công các thử nghiệm trên không đầu tiên với hệ thống radar mảng định pha quét điện tử chủ động (AESA) X-band mới được định danh là PS-05/A Mark 5.

Hệ thống radar tối tân này được thiết kể để tương thích với nhiều loại máy bay khác nhau nhưng PS-05/A Mark 5 sẽ được ưu tiên trang bị cho tiêm kích Gripen.

Tiêm kích JAS-39 Gripen.

Tiêm kích JAS-39 Gripen.

Nói về sức mạnh của radar mới trong không chiến tầm xa, nhà sản xuất Saab đã có so sánh với hệ thống radar N035 Irbis của Su-35 Nga.

Cụ thể, khi làm nhiệm vụ không chiến tầm xa, radar N035 Irbis của Su-35 phát hiện được mục tiêu bay từ cự ly 400 km, nhưng đó phải là vật thể cỡ máy bay ném bom B-52H với diện tích phản xạ radar (RCS) 100 m2.

Tầm trinh sát của radar Su-35 sẽ giảm đi rất nhiều (khoảng 100km) nếu đối tượng là một chiếc tiêm kích nhẹ có RCS chỉ 0,5 m2 như Gripen.

Mặt khác, công nghệ quét mảng pha điện tử thụ động của Irbis có đặc tính kỹ thuật không cao, ưu điểm là có thể nhìn thấy mục tiêu ở khoảng cách rất xa nhưng lại khó phân loại chính xác mục tiêu.

Trong khi đó với RCS vào khoảng 12 m2 của mình, Su-35 có thể bị lộ diện trước radar PS-05/A Mark 5 AESA của Gripen từ cự ly 150 km. Và như vậy, tiêm kích Nga hoàn toàn có thể bị khóa mục tiêu và bị tấn công trước khi nó kịp phát hiện đối phương.

Loại tên lửa tầm bắn xa nhất của Su-35 là KS-172 tiêu diệt được mục tiêu từ cách xa 300 km, nhưng đó chỉ là những máy bay lớn có tính năng thao diễn kém như B-52H hoặc AWACS. Còn khi chạm trán tiêm kích đối phương, Su-35 vẫn phải trông chờ vào tên lửa R-77.

Đối với tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn, Not Escape Zone - NEZ (Vùng không thể trốn thoát) là thuật ngữ để chỉ khu vực mà trong đó máy bay địch không thể sử dụng sự nhanh nhẹn thuần túy để tránh tên lửa. Trong thế đối đầu, tên lửa R-77 có NEZ vào khoảng 30 - 40 km.

Hiện tại các tiêm kích Gripen đã được trang bị tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến nhất thế giới là Meteor. "Sát thủ diệt chim sắt" này có tầm bắn tối đa 185 km (so với 150 km của R-77) và đặc biệt chỉ số NEZ cực kỳ ấn tượng - trên 100 km, gấp 3 lần R-77.

Rõ ràng Meteor đã mang lại cho Gripen lợi thế cực lớn khi giao chiến ngoài tầm nhìn trước Su-35, loại tên lửa này ưu việt đến mức Mỹ đang xem xét để trang bị nó như là vũ khí chính của F-22 và F-35.

Tiếp theo khi xét đến khả năng không chiến quần vòng cự ly ngắn (dogfight), tiêm kích Thụy Điển vẫn được đánh giá nhỉnh hơn.

Do chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn, Gripen có khả năng cất cánh từ đường băng dã chiến cực ngắn được địa hình hiểm trở bao bọc với chiều dài chỉ 800 m để bất ngờ tung ra những đòn chí mạng vào Su-35.

Nhờ ưu thế vượt trội ở khả năng không chiến tầm xa và hoàn toàn đủ sức chiến thắng khi không chiến quần vòng cự ly ngắn, do đó dễ hiểu vì sao Quân đội Thụy Điển tự tin tuyên bố: Gripen là khắc tinh của Su-35 Nga.

Theo Ngọc Hòa/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/-su-35-bi-gripen-tan-cong-truoc-khi-kip-phat-hien-doi-phuong/20200509083754664