Sự cố tàu chở dầu bị tấn công: Cơ hội để Mỹ kích hoạt chiến tranh?

Các vụ nổ tàu chở dầu gần đây 'trông giống như một cách thức mà cố vấn an ninh quốc gia John Bolton sẽ khai thác để gây ra rắc rối ở Iran và kích hoạt một cuộc xung đột'.

Sự cố tàu chở dầu đang thu hút sự chú ý ở vùng Vịnh.

Sự cố tàu chở dầu đang thu hút sự chú ý ở vùng Vịnh.

Vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman hôm 13/6 có thể bị lợi dụng để gây ra cuộc chiến giữa Mỹ và Iran, một nhà phân tích nói với RT, cho rằng sự liên quan của Nhật Bản và Oman đến vụ việc không phải là ngẫu nhiên.

Hai tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi bờ biển Oman ngày hôm qua có khả năng cao đã bị trúng ngư lôi.

“Tấn công bằng ngư lôi có nhiều ý nghĩa”, chuyên gia Alessandro Bruno từ trang phân tích Gulf State Analytics nêu quan điểm. “Một số ngư lôi có thể được phóng từ máy bay ở khoảng cách xa, hoặc từ tàu ngầm. Bên cạnh đó, nếu tàu chở dầu bị tấn công trực tiếp thì sẽ có nhân chứng nhìn thấy, nhưng dường như không có ai”.

Washington đã cáo buộc Iran đứng đằng vụ tấn công, mặc dù không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào. Chuyên gia Bruno tin rằng một số người có thể hưởng lợi từ điều này vì một số lý do.

Trong đó có Saudi Arabia, Mỹ hoặc nhóm đối lập Iran, Mojahedin-e Khalq, những thế lực muốn phá hoại lợi ích và cơ sở của Chính phủ Iran trong vài năm qua.

Các vụ nổ tàu chở dầu “trông giống như một cách thức mà cố vấn an ninh quốc gia John Bolton sẽ khai thác để gây ra rắc rối ở Iran và kích hoạt một cuộc xung đột”, nhà phân tích nói, nhưng Tổng thống Donald Trump “có thể chưa được chuẩn bị để tiến tới vạch nguy hiểm” như những gì mà nhóm “diều hâu” đang đẩy ông từ phía sau.

Một điểm quan trọng khác không nên bỏ qua là sự cố xảy ra cùng ngày với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Iran, trong chuyến công du cấp cao đầu tiên kể từ năm 1979.

Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đối với Iran vì là một trong những quốc gia mua dầu lớn nhất.

Do đó, mối quan hệ được cải thiện giữa Washington và Tehran là một trong những lợi ích cốt lõi của Tokyo. Đặc biệt hơn, một trong hai con tàu bị tấn công ngày hôm qua có liên quan đến Nhật Bản.

“Vụ nổ tàu chở dầu xảy ra ngoài khơi bờ biển Oman có thể không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đây là quốc gia thể hiện sự độc lập với cuộc khủng hoảng ở Vịnh Ba Tư. Oman đã duy trì mối quan hệ rất tốt với Qatar và cũng có quan hệ tốt với cả Iran, cả hai quốc gia vốn đều bị Saudi và các quốc gia Ả Rập khác coi là đối thủ.

Điểm chung giữa Oman và Nhật Bản là đều quan tâm đến việc Mỹ và Iran thực hiện một thỏa thuận và sẵn sàng hòa giải.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/su-co-tau-cho-dau-bi-tan-cong-co-hoi-de-my-kich-hoat-chien-tranh-a437912.html