Sử dụng hợp lý trụ sở xã sau sáp nhập

Giai đoạn 2019-2021, Hải Dương sẽ nhập 53 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 24 đơn vị mới. Sử dụng hợp lý, hiệu quả trụ sở xã sau sáp nhập là vấn đề được quan tâm.

Với vị trí trung tâm, trụ sở xã Văn Đức được chọn làm trụ sở làm việc phường Văn Đức sau sáp nhập hai xã Văn Đức và Kênh Giang (TP Chí Linh)

Với vị trí trung tâm, trụ sở xã Văn Đức được chọn làm trụ sở làm việc phường Văn Đức sau sáp nhập hai xã Văn Đức và Kênh Giang (TP Chí Linh)

Dễ chọn trụ sở mới

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương, về cơ bản trụ sở chính của đơn vị hành chính mới đều đã được xác định.

Khi nhập các xã Đông Kỳ, Tứ Xuyên, Tây Kỳ thành xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ dự kiến trụ sở xã mới đặt tại trụ sở xã Tây Kỳ hiện nay. Theo ông Nguyễn Đình Tuynh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Kỳ, đây là phương án tối ưu nhất bởi trụ sở của xã Tây Kỳ nằm ở trung tâm của xã mới. Khuôn viên trụ sở xã Tây Kỳ rộng nhất trong 3 trụ sở, với tổng diện tích 3.675 m2 . Tòa nhà làm việc 3 tầng khang trang được xây dựng từ năm 2010 cùng hội trường thiết kế 230 chỗ ngồi đáp ứng tốt các hoạt động của bộ máy chính quyền của xã mới.

Có địa phương đặt ra các tiêu chí rõ ràng cho việc lựa chọn trụ sở của xã mới để cán bộ, nhân dân nắm bắt chủ trương chung. Theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Ninh Giang giai đoạn 2019-2021, huyện sẽ nhập 14 xã thành 6 xã, giảm 8 xã so với hiện tại. Huyện đưa ra 4 nguyên tắc để chọn trụ sở, gồm cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc; có nhà văn hóa trung tâm cơ bản đáp ứng sinh hoạt, hoạt động cho đảng viên, nhân dân; diện tích trụ sở rộng, cơ bản là vị trí trung tâm để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch; có điều kiện để phát triển trở thành đô thị trong tương lai. Căn cứ các tiêu chí trên, huyện Ninh Giang đã chọn trụ sở làm việc của các xã Ninh Thành, Hồng Thái, Hưng Thái, Văn Hội, Hoàng Hanh, Ứng Hòe hiện nay để làm trụ sở chính của 6 xã mới Tân Hương, Hồng Dụ, Hưng Long, Văn Hội, Tân Quang và Ứng Hòe. Cách làm này đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Sử dụng trụ sở các xã dôi dư làm nơi sinh hoạt cộng đồng cũng cần được tính toán

Sử dụng trụ sở các xã dôi dư làm nơi sinh hoạt cộng đồng cũng cần được tính toán

Lúng túng dùng trụ sở dôi dư

Nếu việc lựa chọn trụ sở xã mới khá thuận lợi thì giải pháp xử lý đối với những trụ sở xã còn lại đang làm các địa phương lúng túng. Không chỉ cấp xã mà cả cấp huyện cũng đợi hướng dẫn của cấp trên. Tới đây, huyện Tứ Kỳ sẽ nhập 5 xã thành 2 xã, giảm 3 xã so với hiện tại. Huyện chủ trương chuyển giao nguyên trạng đất đai, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các xã cũ cho đơn vị hành chính mới tiếp tục sử dụng. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, UBND huyện sẽ xem xét việc quản lý, sử dụng phù hợp.

Tương tự, theo đề án thành lập thị xã Kinh Môn, xã Thái Sơn sẽ nhập với xã Phạm Mệnh thành phường Phạm Thái. Trụ sở của phường dự kiến được xây dựng ra một vị trí mới. Như vậy, cả trụ sở của xã Phạm Mệnh và xã Thái Sơn đều thuộc diện dôi dư. Theo ông Nguyễn Văn Thẳng, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, hiện xã cũng chưa có phương án nào để sử dụng trụ sở sau sáp nhập. Việc giao về cho thôn quản lý cũng không khả thi bởi trụ sở xã nằm cách xa các thôn nên đành chờ hướng dẫn của huyện.

Để sử dụng trụ sở dôi dư phù hợp, hiệu quả, tỉnh nên sớm hướng dẫn cụ thể giúp các địa phương căn cứ áp dụng, tránh tình trạng lúng túng như hiện nay. Các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu cụ thể của mình để đề xuất phương án sử dụng phù hợp, linh hoạt. Giao trụ sở dôi dư cho các thôn, khu dân cư (KDC) làm nhà văn hóa là một giải pháp, nhất là với các nơi chưa có nhà văn hóa. Tại TP Chí Linh, sau khi xã Văn Đức sáp nhập với xã Kênh Giang thành phường Văn Đức, trụ sở xã Văn Đức được chọn làm trụ sở mới của phường Văn Đức. Thôn Nam Hải và thôn Tân Lập của xã Kênh Giang cũ được sáp nhập thành KDC Kênh Giang. Vì KDC Kênh Giang chưa có nhà văn hóa nên hội trường xã Kênh Giang cũ được dùng làm nhà văn hóa.

Sử dụng trụ sở dôi dư thành nhà làm việc của các cơ quan, đơn vị, ban quản lý các khu di tích của địa phương cũng là cách làm hợp lý. Trụ sở xã Phạm Mệnh nằm trong quần thể di tích đặc biệt Kính Chủ. Sau khi xã Phạm Mệnh nhập với xã Thái Sơn thành phường Phạm Thái, huyện có thể giao trụ sở xã cho Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn sử dụng.

Hiện không ít trường học ở các xã thiếu phòng học. Chuyển giao trụ sở dôi dư của các xã sau sáp nhập cho các trường học sử dụng cũng là một giải pháp cần tính toán. Theo đề án thành lập thị xã Kinh Môn, xã Phúc Thành sáp nhập với xã Quang Trung thành xã Quang Thành, dự kiến sử dụng trụ sở xã Quang Trung. Ông Lương Văn Hè, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết hiện huyện chưa có hướng dẫn, xã cũng chưa có chủ trương về sử dụng trụ sở sau sáp nhập. Nhưng căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, các trường học của xã đang thiếu phòng học. Sau sáp nhập, địa phương sẽ đề nghị huyện bàn giao trụ sở xã Phúc Thành hiện nay cho các trường học sử dụng.

Sử dụng trụ sở dôi dư của các xã làm trạm y tế, điểm giao dịch, trưng bày quảng bá các sản phẩm địa phương hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng... cũng nên được tính đến. Mục tiêu cần đạt được là trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, góp phần phát triển văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ... của các địa phương.

HÙNG NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/su-dung-hop-ly-tru-so-xa-sau-sap-nhap-114261