Sử dụng hợp lý trụ sở xã sau sáp nhập
Nếu việc lựa chọn trụ sở xã mới khá thuận lợi thì giải pháp xử lý đối với những trụ sở xã còn lại đang làm các địa phương lúng túng. Không chỉ cấp xã mà cả cấp huyện cũng đợi hướng dẫn của cấp trên.
Công sở xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) đã được đầu tư xây dựng khang trang nhưng sẽ dôi dư sau khi sáp nhập. Ảnh: Phan Nga
ỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh, khóa XVII đã thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, sau khi sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính 3 xã thành 67 xã, phường, thị trấn; thành lập 1 thị trấn mới trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, toàn tỉnh còn 559 ĐVHC cấp xã (giảm 76 đơn vị), gồm 496 xã, 34 phường và 29 thị trấn.
Tìm hiểu tại một số địa phương, chúng tôi nhận thấy, nhìn chung cán bộ, đảng viên, nhân dân đều thống nhất với chủ trương về sắp xếp ĐVHC cấp xã. Trong quá trình triển khai, một trong các vấn đề được dư luận quan tâm là việc sử dụng hợp lý, hiệu quả trụ sở xã sau sáp nhập.
Dễ chọn trụ sở mới
Theo đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của các địa phương, về cơ bản trụ sở chính của ĐVHC mới đều đã được xác định. Tĩnh Gia là huyện đặt ra các tiêu chí rõ ràng cho việc lựa chọn trụ sở của xã mới để cán bộ, nhân dân nắm bắt chủ trương chung. Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 13-3-2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh, năm 2019, huyện Tĩnh Gia sẽ thực hiện sáp nhập 6 xã để thành lập 3 xã mới. Cụ thể: Sáp nhập xã Hùng Sơn và xã Các Sơn để thành lập xã Các Sơn mới; sáp nhập xã Triêu Dương và xã Hải Ninh để thành lập xã Hải Ninh mới; sáp nhập xã Hải Hòa và thị trấn để mở rộng thị trấn Tĩnh Gia. Sau khi sáp nhập, huyện Tĩnh Gia còn 31 ĐVHC trực thuộc (gồm 30 xã, 1 thị trấn), giảm 3 xã so với hiện tại.
Huyện đưa ra 4 nguyên tắc để chọn trụ sở, gồm cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc; có nhà văn hóa trung tâm cơ bản đáp ứng sinh hoạt, hoạt động cho đảng viên, nhân dân; diện tích trụ sở rộng, cơ bản là vị trí trung tâm để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch; có điều kiện để phát triển trở thành đô thị trong tương lai. Căn cứ các tiêu chí trên, huyện Tĩnh Gia đã lựa chọn trụ sở làm việc của các đơn vị: Hải Ninh, Các Sơn, thị trấn Tĩnh Gia hiện nay để làm trụ sở chính của 2 xã và thị trấn mới. Cách làm này đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Khi sáp nhập xã Triêu Dương và xã Hải Ninh để thành lập xã Hải Ninh mới, huyện Tĩnh Gia dự kiến trụ sở xã mới đặt tại trụ sở xã Hải Ninh hiện nay. Theo ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, đây là phương án tối ưu nhất bởi theo chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa, hiện nay đang trong quá trình lập đề án thành lập thị xã Tĩnh Gia, điều chỉnh đơn vị địa giới hành chính cấp xã và thành lập các phường thuộc thị xã Tĩnh Gia, thì việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Triêu Dương và xã Hải Ninh (sau này là phường Hải Ninh khi thành lập thị xã Tĩnh Gia) là theo xu thế phát triển. Trụ sở mới ở vị trí trung tâm, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch; có điều kiện để phát triển trở thành đô thị trong tương lai. Dự kiến, sau khi thành lập xã mới, huyện sẽ có kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa trụ sở xã Hải Ninh hiện nay đáp ứng nhu cầu làm việc của bộ máy chính quyền của xã mới.
Lúng túng dùng trụ sở dôi dư
Nếu việc lựa chọn trụ sở xã mới khá thuận lợi thì giải pháp xử lý đối với những trụ sở xã còn lại đang làm các địa phương lúng túng. Không chỉ cấp xã mà cả cấp huyện cũng đợi hướng dẫn của cấp trên. Tới đây, huyện Hoằng Hóa sẽ nhập 11 xã, thị trấn thành 5 xã, thị trấn, giảm 6 xã so với hiện tại. Huyện chủ trương không đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa công sở, trụ sở làm việc của các ĐVHC thuộc phạm vi sắp xếp (trừ những công trình đã triển khai thực hiện). Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã, Đảng ủy, UBND xã mới cùng ban chỉ đạo huyện tiến hành thống nhất lựa chọn và sử dụng công sở cụ thể, phù hợp, đảm bảo các giao dịch hành chính của người dân và hoạt động của địa phương. Đối với công sở các xã sau khi sáp nhập không được lựa chọn sử dụng thì được hợp nhất vào các xã mới thành lập, đồng thời nghiên cứu, có phương án sử dụng cho phù hợp phục vụ hoạt động cho tập thể, cho nhân dân, bố trí các cơ quan, tổ chức Nhà nước còn khó khăn về nơi làm việc hoặc thực hiện chuyển đổi theo quy định của Nhà nước.
Mới được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 nên công sở, Trung tâm học tập cộng đồng xã Hoằng Đức đều mới được đầu tư xây dựng khang trang. Khuôn viên công sở xã có tổng diện tích 6.700m2, tòa nhà 2 tầng mới được xây dựng năm 2016 với 19 phòng làm việc, tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng, đáp ứng tốt các hoạt động của bộ máy chính quyền của xã và trung tâm học tập cộng đồng với sức chứa 230 chỗ ngồi, mới được xây dựng năm 2015 từ nguồn tài trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau khi sáp nhập xã Hoằng Đức với Hoằng Minh để thành lập xã Hoằng Minh mới, huyện Hoằng Hóa dự kiến trụ sở xã mới đặt tại trụ sở xã Hoằng Minh hiện nay. Đồng chí Nguyễn Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đức, cho biết: Hiện xã cũng chưa có phương án nào để sử dụng công sở, trung tâm học tập cộng đồng sau sáp nhập vì để đạt chuẩn nông thôn mới, các trường học, cơ sở vật chất văn hóa ở địa phương đã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của nhân dân và con em trong xã. Việc giao về cho thôn quản lý cũng không khả thi bởi xã còn “dôi dư” tới 5 nhà văn hóa thôn sau khi sáp nhập thôn, nên đành chờ hướng dẫn của huyện.
Tương tự, theo đề án, xã Hà Phong sẽ sáp nhập vào thị trấn huyện Hà Trung để mở rộng thị trấn. Phương án trước mắt vẫn sử dụng trụ sở cũ của thị trấn là nơi làm việc trong khi chờ phê duyệt kế hoạch xây dựng trụ sở tại địa điểm mới. Như vậy, trụ sở của xã Hà Phong thuộc diện dôi dư. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Hà Phong, hiện xã cũng chưa có phương án nào để sử dụng trụ sở sau sáp nhập, mà tập trung tất cả các bộ phận về làm việc tại trụ sở thị trấn thì quá chật chội.
Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong tình hình hiện nay theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW là hết sức cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Tại Thanh Hóa, bằng các giải pháp thực hiện đồng bộ và với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với quyết tâm chính trị cao, đã bảo đảm đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Để sử dụng trụ sở dôi dư phù hợp, hiệu quả, đề nghị tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể giúp các địa phương có căn cứ áp dụng, tránh tình trạng lúng túng như hiện nay. Bên cạnh đó các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu cụ thể của mình để đề xuất phương án sử dụng phù hợp, linh hoạt. Giao trụ sở dôi dư cho các thôn, khu dân cư làm nhà văn hóa là một giải pháp, nhất là với các nơi chưa có nhà văn hóa. Sử dụng trụ sở dôi dư thành nhà làm việc của các cơ quan, đơn vị, khối đoàn thể, công an xã, ban quản lý các khu di tích của địa phương cũng là cách làm hợp lý. Theo đồng chí Dương Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Triêu Dương: Sau khi xã Triêu Dương sáp nhập với xã Hải Ninh để thành lập xã Hải Ninh mới, dự kiến trụ sở xã mới đặt tại trụ sở xã Hải Ninh hiện nay, thì huyện có thể giao trụ sở xã Triêu Dương cho khối đoàn thể, công an xã sử dụng. Hiện không ít trường học ở các xã thiếu phòng học. Chuyển giao trụ sở dôi dư của các xã sau sáp nhập cho các trường học sử dụng cũng là một giải pháp cần tính toán.
Sử dụng trụ sở dôi dư của các xã làm trạm y tế, điểm giao dịch, trưng bày quảng bá các sản phẩm địa phương hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng... cũng nên được tính đến. Mục tiêu cần đạt được là trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, góp phần phát triển văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ... của các địa phương.