Sự kiện 11/9: Hai mươi năm nhìn lại
Ngày 11/9/2001, Mỹ trở thành nạn nhân của một loạt vụ khủng bố kinh hoàng và đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. 20 năm sau nhìn lại, thế giới vẫn chưa thực sự quên được nỗi đau này, cũng như những cơn ác mộng mà chủ nghĩa khủng bố mang lại.
Sáng thứ Ba, ngày 11/9/2001, thành phố New York thức dậy và tận hưởng buổi sáng không khí trong lành và bầu trời trong xanh, sau khi đã hứng chịu một cơn bão bắt nguồn từ phía Đông Bắc nước Mỹ một ngày trước đó.
Nhưng ít ai ngờ rằng, đó cũng là buổi sáng xảy ra một sự kiện đen tối và làm thay đổi lịch sử không chỉ của riêng nước Mỹ, mà là của toàn nhân loại.
Nước Mỹ bị tấn công
Khi người dân New York bắt đầu làm việc, 19 tên không tặc đã bí mật len lỏi vào các chuyến bay tại sân bay ở Boston, Washington và Newark. Đó là các phần tử Hồi giáo cực đoan, chủ yếu đến từ Saudi Arabia và mang theo dao. Thời điểm đó, hành khách được mang lên máy bay những loại dao có lưỡi ngắn, dưới 4cm.
7h59 sáng, chuyến bay số hiệu 11 của hãng American Airlines khởi hành từ Sân bay Logan thuộc thành phố Boston, và điểm đến là Los Angeles (LA). Trên máy bay có 92 người, trong đó có năm không tặc, bao gồm cả Mohammed Atta, kẻ được cho là chủ mưu của vụ khủng bố này.
Mười sáu phút sau, chuyến bay số hiệu 175 của United Airlines cũng rời sân bay đó và địa điểm đến là Los Angeles. Sáu mươi hành khách, phi hành đoàn trên tàu, cùng với năm tên không tặc.
Vào thời điểm đó, trên chuyến bay số 11, một tên không tặc đã đâm một hành khách và người này đã trở thành nạn nhân đầu tiên của vụ khủng bố 11/9.
Vài phút sau, bên ngoài thủ đô Washington, chuyến bay số 77 của American Airlines cất cánh từ sân bay Dulles đi LA. Chiếc máy bay chở sáu phi hành đoàn, 53 hành khách và năm tên không tặc. Và lúc 8h42 sáng, tại Newark, New Jersey, chuyến bay số hiệu 93 của United Airlines khởi hành đi San Francisco.
Đáng buồn thay, cả bốn chiếc máy bay đó đều không đi đến địa điểm dự định. Tất cả đều bị các phần tử khủng bố chiếm quyền kiểm soát và hướng đến những địa điểm khác nhau ở New York và Washington D.C.
Sáng sớm 11/9, Tổng thống George W. Bush nhận được một thông báo an ninh ngắn như thông lệ nói rằng có mối đe dọa cao, nhưng không cụ thể về một vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra trong ngày. Nhận cảnh báo nhưng không hề nao núng, Tổng thống vẫn thực hiện chuyến thăm được sắp xếp từ trước tới trường tiểu học Booker ở Saratosa, Florida để quảng bá một dự luật giáo dục mới.
Vào lúc 8h46 sáng, chuyến bay số 11 đã đâm thẳng vào Tháp Bắc của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) tại thành phố New York. 8h50, Tổng thống George W. Bush lúc đó đang trên đường tới Trường Tiểu học Emma Booker thì nhận được thông báo rằng, một chiếc máy bay nhỏ đã “vô tình” đâm vào tòa tháp của WTC. Ban đầu, ông Bush cho rằng, đó là một tai nạn khủng khiếp hoặc lỗi phi công.
Nhưng khi Tháp Nam bị tấn công bởi chiếc máy bay số hiệu 175 lúc 9h03, người đứng đầu nước Mỹ lại được thông báo về việc chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào tòa tháp còn lại.
Khoảnh khắc trên, được máy quay ghi lại cho thấy, sự chấn động hiện diện trên gương mặt ông Bush khi Chánh văn phòng Andy Card thì thầm vào tai ông và nói rằng: “nước Mỹ đang bị tấn công”.
Ông Bush dường như bị tác động mạnh, song vẫn giữ được bình tĩnh và tiếp tục lắng nghe các em học sinh đọc khoảng 8-9 phút nữa. Vào lúc 9h30 sáng, ông Bush đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn, gọi các vụ nổ là “một cuộc tấn công khủng bố rõ ràng”. Ông đã ra lệnh tiến hành “một cuộc điều tra toàn diện để truy lùng các thủ phạm”.
Khởi đầu cuộc chiến
Trong chuỗi các vụ tấn công liên tiếp nhằm vào nước Mỹ trong ngày 11/9/2001, 19 tên khủng bố đó đã chiếm quyền điều khiển của bốn máy bay thương mại cỡ lớn rồi lần lượt tấn công các mục tiêu gồm: hai máy bay lao thẳng vào tòa tháp đôi của WTC tại thành phố New York.
Máy bay số hiệu 77 đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) tại Washington. Trong khi chiếc còn lại, chuyến bay số 93 của hãng United Airlines bị rơi xuống một cánh đồng ở thị trấn Shanksville, Pennsylvania, sau khi các hành khách đã cố gắng chiếm lại quyền kiểm soát từ bọn khủng bố.
Dù đã thành công trong việc ngăn chặn chiếc máy bay đâm vào thủ đô Washington, nhưng tất cả hành khách và phi hành đoàn đều đã tử nạn.
Vụ khủng bố ngày 11/9 khiến 2.996 người thiệt mạng và là vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Có hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu người kẹt trong tòa tháp đôi WTC.
Khói bụi từ vụ tấn công tháp đôi WTC bốc lên tại khu vực hạ Manhattan cao đến mức có thể được nhìn thấy trong ảnh chụp của vệ tinh của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.
Vụ khủng bố ngày 11/9 khiến 2.996 người thiệt mạng và là vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Có hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu người kẹt trong tòa tháp đôi WTC.
Vô số hình ảnh về thảm kịch khủng khiếp này đã mau chóng lan truyền khắp toàn cầu. Cả thế giới bàng hoàng chứng kiến những khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử hiện đại, với hàng ngàn người vô tội chết trong tay bọn khủng bố.
Không mất nhiều thời gian, tổ chức khủng bố al-Qaeda sau đó nhanh chóng xác nhận và bị quy trách nhiệm là những kẻ chủ mưu tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Mỹ. Trong đó, lời hiệu triệu thánh chiến nhằm chống lại nước Mỹ do Osama bin Laden, thủ lĩnh của al-Qaeda, được xem là động cơ lớn nhất dẫn tới hành động tấn công liều chết của 19 tên không tặc.
Những di sản còn đó
Ngay sau vụ khủng bố 11/9, chính phủ Mỹ đã công bố al-Qaeda và Bin Laden là thủ phạm chính. Ngay lập tức Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, kéo hàng loạt quốc gia vào guồng máy chiến tranh của Mỹ.
Cuộc chiến khủng bố của Mỹ được đánh dấu bằng việc Mỹ phát động cuộc chiến tại chiến trường Afghanistan ngày 7/10/2001. Chiến dịch nhằm quét sạch nhóm khủng bố al-Qaeda và lật đổ chính quyền Taliban- lực lượng chính trị và quân sự Hồi giáo điều hành quốc gia này.
Mặc dù không ai trong số những kẻ không tặc hoặc lập kế hoạch là người Afghanistan, chính quyền Tổng thống George W. Bush đã xếp các thủ lĩnh Taliban vào đối tượng khủng bố, do họ đã cho al-Qaeda trú ẩn và từ chối giao nộp người cầm đầu Osama bin Laden.
Ngày 2/5/2011, lực lượng đặc nhiệm SEALS của Mỹ đã tiêu diệt được Osama bin Laden.
Nhìn vào khía cạnh tích cực, Nước Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây nói chung đã không chứng kiến bất kỳ cuộc tấn công nào với quy mô như vụ 11/9/2001 vào những năm sau đó.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến tốn kém này đã đạt được những kết quả nhất định như ngăn chặn được đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ, giải phóng được khoảng 7,7 triệu người khỏi sự kìm kẹp của hàng chục nghìn tay súng khủng bố.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích trong cuộc chiến này, nhưng nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu bởi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ”, trái lại còn có xu hướng lan rộng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp. Số quốc gia chịu tác động của tình trạng bạo lực cực đoan cũng tiếp tục tăng lên.
Al-Qaeda bị suy yếu nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Sau al-Qaeda, Trung Đông lại có thêm mối nguy hại khác là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Năm 2019, Mỹ tuyên bố IS đã bị đánh bại.
Nhưng tháng Tám vừa qua, IS-K, một nhánh của IS hoạt động tại Afghanistan đã gây ra một vụ đánh bom liều chết kinh hoàng tại sân bay Kabul, khiến gần hai trăm người Afghanistan, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em cùng ít nhất 13 binh lính Mỹ thiệt mạng.
Cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp tục kéo dài và còn nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, Mỹ, quốc gia đã chịu nhiều đau thương do chủ nghĩa khủng bố, cùng với vai trò là người dẫn đầu liên minh, sẽ cần phải tiếp tục thể hiện vai trò đoàn kết thế giới, đẩy mạnh công tác tình báo, để đảm bảo rằng những kẻ khủng bố kia sẽ không thể làm hại thêm bất kỳ ai nữa.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-kien-119-hai-muoi-nam-nhin-lai-157908.html