Sự lạc quan không chắc chắn của Thủ tướng Anh

Trong nỗ lực nhằm đạt được một thỏa hiệp với châu Âu về tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh Boris Johnson tỏ ra khá lạc quan trước cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker vào ngày 16-9 tới.

Suốt mấy ngày qua, Thủ tướng Anh đã tiến hành một chiến dịch vận động EU nhằm tìm kiếm thỏa thuận chia tay mới. Thậm chí, ông còn đặt mục tiêu từ nay đến Hội nghị thượng đỉnh EU (17 đến 18-10) có thể đạt được thỏa thuận làm hài lòng các nghị sĩ Anh sau khi dự định tổ chức tổng tuyển cử sớm của ông bị bác bỏ.

Tuy nhiên, khả năng EU chấp nhận một thỏa thuận mới là không dễ dàng bởi việc đàm phán lại gần như là điều không thể đối với lục địa già. Nếu thuận lợi, hai bên có thể sẽ nhất trí một số sửa đổi trong bản thỏa thuận cũ đã đạt được dưới thời người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May. Trong đó, nội dung mấu chốt hai bên đều quan tâm là vấn đề “chốt chặn” liên quan tới đường biên giới Bắc Ireland.

 Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ quyết tâm thực hiện Brexit dù có thỏa thuận hay không. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ quyết tâm thực hiện Brexit dù có thỏa thuận hay không. Ảnh: Reuters

Trước cuộc gặp, đã xuất hiện những tin tức tốt lành cho vấn đề "chốt chặn" ở Ireland, được hy vọng có thể mang lại triển vọng cho nước Anh thoát khỏi “cơn ác mộng” dai dẳng mang tên Brexit. Nhiều nhân vật trong Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Ireland đã bật đèn xanh để thay đổi “giới hạn đỏ” và chấp nhận một số quy định của EU nhằm đạt được giải pháp cho vấn đề biên giới Bắc Ireland và dư luận kỳ vọng một sự đột phá trong vấn đề “chốt chặn” này sẽ giúp mở khóa các cuộc đàm phán với EU.

Thủ tướng Johnson bày tỏ lạc quan về chuyến công du sắp tới để thúc đẩy Brexit khi cho biết, ông đã trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo của EU, đặc biệt là Đức, Pháp, Ireland và đã gặt hái được nhiều tiến bộ trong các cuộc thảo luận này. Thậm chí nhà lãnh đạo Anh còn phát biểu rằng “phần thô của thỏa thuận Brexit đã hoàn thành” và ông đã sẵn sàng gặp ông Jean-Claude Juncker.

Chưa rõ độ xác thực của những tin tức trên tới đâu, nhưng trước đó, trong nỗ lực khai thông bế tắc vấn đề “chốt chặn”, Thủ tướng Anh cũng có các cuộc gặp với Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar tại Dublin và bà Arlene Foster, lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland, đồng minh của Chính phủ, cùng ông Nigel Dodds, lãnh đạo đảng này tại nghị viện.

Về phần lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ, bà Arlene Foster cảnh báo rằng, đảng này sẽ “không chấp nhận bất kỳ hình thức chia rẽ bằng quy định nào ngăn cách Bắc Ireland về kinh tế hoặc chính trị với phần còn lại của Vương quốc Anh”.

Vấn đề biên giới Bắc Ireland là yếu tố gây bất đồng nhiều nhất trong thỏa thuận Brexit giữa Anh với EU. Cơ chế “chốt chặn” này nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh kể cả khi Brexit thành công. Những người mang quan điểm bài châu Âu lo ngại vì điều khoản này, Anh sẽ luôn mắc kẹt trong khu vực thương mại của khối. Thủ tướng Johnson đang tìm cách sửa đổi điều khoản này trong thỏa thuận mà người tiền nhiệm của ông đã nhất trí hồi tháng 11 năm ngoái với EU.

Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier thì lại không nghĩ như vậy. Ông cho rằng khó có thể lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận Brexit với Anh trước hội nghị cấp cao EU vào tháng tới. Tuy nhiên, ông nêu rõ, EU sẵn sàng phối hợp với Anh trên tinh thần xây dựng, cũng như cân nhắc các đề xuất phù hợp thỏa thuận sơ bộ về Brexit mà bà Theresa May đã nhất trí với các lãnh đạo EU vào cuối năm 2018.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng tỏ ra thận trọng, thậm chí có cái nhìn bi quan khi nói rằng khoảng cách giữa Anh và EU vẫn rất lớn. Ông cũng hoài nghi khả năng Thủ tướng Johnson sẽ nhượng bộ để thỏa hiệp với EU.

Trước cuộc gặp, Người phát ngôn của ông Boris Johnson đã bác bỏ những đồn đoán về khả năng có sự nhượng bộ từ phía nước Anh liên quan tới số phận biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, vốn là điều rất nhạy cảm trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thỏa thuận chia tay.

Thủ tướng Anh từng khẳng định nhiều lần rằng, Anh dù có thỏa thuận hay không cũng sẽ rời EU vào ngày 31-10 tới. Tuy nhiên, những hậu quả của sự ra đi không thỏa thuận đối với nước Anh đã được cảnh báo là rất nặng nề. Theo ước tính của Tập đoàn tư vấn và kiểm toán KPMG, một Brexit không thỏa thuận sẽ dẫn đến sự sụt giảm 1,5% trong nền kinh tế Anh vào năm tới và Anh rơi vào suy thoái, lần đầu tiên sau một thập kỷ. Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm 5,5%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7% và lạm phát tăng lên 5,25%.

Viễn cảnh của Brexit cho tới thời điểm hiện nay có thể nói rằng vẫn không mấy sáng sủa. Có chăng cũng chỉ là những động thái nhằm tạo bầu không khí thuận lợi trước những cuộc gặp quan trọng sắp tới của Thủ tướng Anh với các đối tác châu Âu. Không có một “cuộc chia tay” nào là dễ dàng, nhất là cuộc chia tay của nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu với vô số những ràng buộc với lục địa già.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/su-lac-quan-khong-chac-chan-cua-thu-tuong-anh-591125