Sự lựa chọn của niềm tin
Việc Nga vừa thông báo trong vòng một năm qua, Ấn Độ đã đặt mua số vũ khí và các thiết bị quân sự từ Nga trị giá 14,5 tỷ USD thực sự là cú sốc đối với bất kỳ đối thủ nào trên thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu. Đây là con số đáng ghen tị, 'gây ấn tượng và là một bước đột phá thực sự' trong hợp tác quân sự, quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga.
Nó chính là minh chứng cho mối quan hệ quân sự khăng khít giữa Nga và Ấn Độ, vẫn được coi là một trong những bộ phận quan trọng nhất của chiến lược hợp tác đối ngoại của Nga. Người ta sẽ không ngạc nhiên khi biết đây là một trong những thành quả của mối quan hệ chính trị tốt đẹp đang được lãnh đạo hai nước quan tâm vun đắp. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu tiên tham gia Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) mới đây do Nga tổ chức ở Vladivostok. Hơn thế, sau những cái bắt tay thân thiện giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga Vladimir Putin là sự nhất trí làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực, bao gồm quốc phòng.
Với việc giành được các thương vụ béo bở, Nga tiếp tục củng cố vị thế là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, cho dù cũng có những lúc trải qua thăng trầm do sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, có thời kỳ Ấn Độ giảm mua khí của Nga trong khi tăng mua vũ khí của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump với những toan tính nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tìm mọi cách thúc đẩy xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Ấn Độ, thách thức vai trò của Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ.
Một trong những mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ chính là nhằm kiềm chế các nước thách thức vị thế, vai trò và lợi ích của Mỹ, trong đó bao gồm Nga-quốc gia đã giữ được vị thế của một cường quốc trong những năm vừa qua một cách ngoạn mục. Trong “Báo cáo chiến lược quốc phòng” của Mỹ công bố tháng 1-2018, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đích danh Nga là đối thủ cạnh tranh số 1 của Mỹ.
Củng cố và phát triển quan hệ song phương với Ấn Độ-quốc gia có vai trò địa-chính trị đặc biệt quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương, thông qua việc giành lấy các thương vụ vũ khí, là cách tiếp cận thực dụng mang phong cách của Tổng thống Donald Trump. Nếu thành công, Mỹ sẽ ngăn chặn được nguồn ngoại hối quan trọng giúp củng cố sức mạnh nền kinh tế Nga và kiềm chế sự trỗi dậy của quốc gia này.
Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ Mỹ, trong năm qua, Ấn Độ và Nga vẫn đạt được thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400, tàu khu trục thuộc dự án 11356 cùng một lô đạn dược lớn cho các quân, binh chủng. Ngoài ra, hai bên cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc cung cấp và cấp phép sản xuất đối với hệ thống phòng không Igla-S của Nga cho Ấn Độ.
Lựa chọn Nga trong các thương vụ vũ khí lớn không có nghĩa là Ấn Độ muốn làm phật lòng Washington, vốn đang thể hiện coi trọng mối quan hệ với New Delhi. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mô tả Ấn Độ là một trong những đồng minh quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với Ấn Độ, các thương vụ vũ khí với Mỹ hay Nga không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn nằm trong chiến lược địa-chính trị của nước này trong mối quan hệ với hai cường quốc, mà Ấn Độ không thể bỏ bên nào. Suốt thời gian qua, Ấn Độ luôn cố gắng duy trì trạng thái cân bằng trong mối quan hệ với Mỹ và Nga. Không chỉ mua vũ khí của Nga, Ấn Độ cũng đồng thời mua cả vũ khí của Mỹ nhằm xoa dịu Washington.
Thế nhưng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và Mỹ có các bước đi làm đồng minh khắp nơi thất vọng, Ấn Độ tự biết mình cần phải làm gì. Mối quan hệ Nga-Ấn được cả hai bên xây dựng trên cơ sở hữu nghị và cùng có lợi. Vì vậy, hai nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ đều đang nỗ lực nâng quan hệ song phương lên tầm cao hợp tác mới dựa trên cơ sở tin cậy và quan hệ đối tác.
Chưa kể tới việc Moscow và New Delhi có những quan điểm khá tương đồng về các vấn đề quốc tế, như hướng tới một thế giới đa cực, thúc đẩy hợp tác đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nga và Ấn Độ đều hiểu rằng để đạt được mục tiêu này, cả hai cần tiếp tục duy trì hợp tác tích cực trong các cơ chế đa phương như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), G20…
Vả lại, với nền công nghiệp quốc phòng còn hạn chế, hợp tác với Nga sẽ giúp Ấn Độ từng bước phát triển ngành này thông qua các dự án sản xuất quốc phòng chung thực hiện tại Ấn Độ mà hai nước đã thống nhất. Biết đâu, Ấn Độ từ quốc gia phải nhập khẩu nhiều loại vũ khí trong thời gian dài lại có thể trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn trong tương lai.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/su-lua-chon-cua-niem-tin-590538