Sự thân thiện của người vùng cao

Cuốn du ký của tác giả Thùy Linh cho cảm giác như chúng ta không chỉ đọc mà còn được đi thông qua những dòng chữ. Dưới con mắt của một nữ họa sĩ yêu tự do, yêu thiên nhiên, mỗi miền đất như Mông Cổ, Đức, Ai Cập… hiện lên sống động. Không chỉ ở Y Tý, trên đường đi Hoàng Su Phì, trong những ngôi làng của người Tày, Dao Đỏ, Dao Xanh, tôi luôn gặp những nụ cười thân thiện và lời mời ghé thăm nhà.

Cũng như khắp nơi ở vùng cao Tây Bắc, Y Tý là quê hương của nhiều dân tộc. Tôi ghé thăm một bản của người Hà Nhì nằm dọc đường đi theo sườn núi và trên những ruộng bậc thang đang vào mùa cấy.

 Một ngôi nhà ở Y Tý. Ảnh: Việt Hùng.

Một ngôi nhà ở Y Tý. Ảnh: Việt Hùng.

Người Hà Nhì ở Y Tý

Những ngôi nhà trình tường màu vàng nâu thấp thoáng sau những vườn đào và mận đang mùa ra trái. Người Hà Nhì ở trong những ngôi nhà được làm từ đất nện tường dày, mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Đất sét được trộn với rơm rạ, sỏi đá, cho vào khuôn gỗ dày, giã nhuyễn tới khi khô thì gỡ khuôn. Từng lớp dày khoảng 40 cm được chồng lên nhau theo cùng một cách làm như vậy, cho đến khi chúng kết thành một khối tường vững chắc, cao khoảng 4-5 m, cứng như bê tông và bền vững tới hàng trăm năm.

Mái nhà của họ thường được lợp bằng nhiều lớp rạ nên rất dày và là lớp cách nhiệt rất tốt. Tuy nhiên giờ đây, phần lớn mái rạ truyền thống đã được thay thế bằng mái tôn, cả làng chỉ còn vài ba ngôi nhà có mái cổ rêu phong phủ đầy.

Để làm được một ngôi nhà trình tường rộng chừng 50-70 m2 phải mất tới năm, sáu tháng với rất nhiều nhân công.

Một lối rẽ ngoằn ngoèo dẫn tôi bước vào sân một ngôi nhà có những đứa trẻ đang chơi với mấy con mèo. Hai thanh niên vừa mang cung đi bắn chim trên rừng về, thấy tôi mang máy ảnh liền ngỏ ý muốn chụp hình và hăng hái lấy áo dân tộc ra mặc.

Họ đều nói tiếng phổ thông khá tốt. Góc sân nhỏ bỗng ồn ã tiếng nói cười khiến bà mẹ chạy ra, sau một hồi “xì xồ” gì đó với cậu trai bằng tiếng Hà Nhì, bà mang một bộ trang phục tóc cổ truyền của phụ nữ Hà Nhì và ra hiệu cho tôi đội lên đầu.

Những lọn tóc dày được kết thành hai bím lớn quấn vòng quanh và kết thúc bằng một chùm bông ngay giữa đỉnh đầu, khiến bộ tóc trông như chiếc vương miện và khá nặng. Một chiếc khăn màu chàm có đường viền thổ cẩm nhiều họa tiết được phủ lên trên và buông hờ xuống vai làm cho bộ tóc mềm mại và nữ tính hơn.

Theo lời mời nhiệt tình của một phụ nữ hàng xóm, tôi theo bà vào một ngôi nhà dưới chân con dốc ngắn. Nhà tối om, những ngôi nhà trình tường vùng này thường không có cửa sổ.

Những bậc tam cấp có khung cửa nằm chính giữa bức tường trình dẫn vào một hành lang hẹp hun hút chạy vòng theo hai phía của nhà. Sau bức tường đối diện cửa ra vào là một phòng ngủ lớn của bố mẹ. Tại hành lang đặt giường dành cho khách và con trai chưa vợ trong gia đình.

Một gian nhà ngang nhỏ xíu dành làm bếp và nhà kho, nhìn ra mảnh sân nhỏ. Không khí trong nhà ẩm thấp và đầy mùi đất, mùi cỏ. Người phụ nữ nhiệt tình mời tôi ở lại ăn cơm trưa, bập bẹ tiếng Kinh “chỉ có gạo thôi” và nở nụ cười thật tươi.

 Trẻ em vùng cao. Ảnh: Việt Hùng.

Trẻ em vùng cao. Ảnh: Việt Hùng.

Nụ cười thân thiện

Không chỉ ở Y Tý, mà trên đường từ Y Tý đi Hoàng Su Phì, trong những ngôi làng của người Tày, người Dao Đỏ, Dao Xanh, tại chợ phiên cuối tuần ở Hoàng Su Phì, tôi luôn gặp những nụ cười thân thiện và lời mời ghé thăm nhà.

Một điều khác biệt hoàn toàn so với Sa Pa, nơi mà sự phát triển du lịch thiếu định hướng đã làm bộ mặt làng mạc và con người biến đổi theo chiều hướng không mấy tốt đẹp.

Một buổi chiều nọ, tôi lang thang đi vẽ trong bản của người Mông. Bản nhỏ, chỉ có vài ngôi nhà nằm trong một thung lũng mướt xanh. Gió và nắng chiều vàng óng xuyên qua những bụi tre vàng khiến những chiếc lá mảnh mai lấp lánh, lay động như mời gọi.

Đang mùa cấy, những người đàn bà luôn miệt mài trên ruộng bậc thang ngập nước. Không ít người địu con trên lưng. Hỏi chuyện một mẹ trẻ mới 17 tuổi thì được biết con cô mới hai tháng tuổi. Những đứa trẻ ngủ li bì trong chiếc địu nhiều màu sắc và cứ thế lớn lên trên lưng mẹ, từ mùa cấy này này qua mùa gặt khác.

Những mùa cấy như Mặt Trời ngày ngày trôi đi trên những ruộng bậc thang trăm tuổi. Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng mang theo cả trời xanh và mây trắng, mang theo cả những phận đời lớn lên theo từng cọng lúa.

Một cô gái trẻ ra hiệu mời tôi về nhà chơi. Lần theo những bờ ruộng lầy lội, tôi vất vả đuổi theo bước chân thoăn thoắt của cô gái, dù trên lưng cô là gùi cỏ khá nặng. Tôi đi xuống phía ngôi nhà nằm sâu trong thung lũng.

Sau mỗi khúc lượn của từng bậc ruộng là một góc nhìn hoàn toàn mới. Những bụi tre, rặng trúc vàng mềm mại soi bóng trên mặt ruộng loang loáng nước. Những vạt hoa dại trắng và vàng nhấp nhô theo bước chân.

Mùi cỏ, mùi hoa trộn lẫn mùi bùn non thoang thoảng quấn quýt theo bước chân. Xa hơn nữa là dãy Hoàng Liên Sơn trùng trùng điệp điệp, lúc chìm trong mây, lúc lại bừng lên dưới nắng chiều le lói. Khi tôi rời căn nhà nhỏ cũng là lúc trời nhập nhoạng tối.

Chú chó nhỏ áng chừng nghe lời cô chủ, đã lẵng đẵng theo tôi cả một đoạn đường dài. Khi tôi rời khỏi thung lũng, ngoảnh lại vẫn thấy bóng chú chó vàng đứng như tượng trên bờ ruộng tranh tối tranh sáng dõi theo.

Những giờ khắc ngắn ngủi ở ngôi nhà nhỏ bên thửa ruộng đầy nước trong thung lũng ấy, là những giây phút bình yên hiếm hoi mà những thị dân như tôi luôn mong ước và kiếm tìm.

Trần Thùy Linh / NXB Văn học liên kết công ty Sống

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-than-thien-cua-nguoi-vung-cao-post1128230.html