Sự thật về ốc 'lạ' khiến ngư dân Thanh Hóa tử vong

Ốc 'lạ' khiến 3 ngư dân Thanh Hóa tử vong đang khiến nhiều người tò mò về danh tính của mình.

Ngày 5/1, 3 ngư dân Thanh Hóa là ông Trần Văn Thức (45 tuổi), anh Trần Văn Dương (29 tuổi) và anh Dương Văn Tình (22 tuổi) đã tử vong sau khi ăn ốc trên thuyền, khi đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển Lộc Hà (Hà Tĩnh). Sau sự việc đáng tiếc này, nhiều người đã không khỏi băn khoăn và tìm kiếm thông tin về loài ốc "lạ" này. Vậy sự thực loài ốc này là gì, chứa độc tố ra sao mà có thể khiến con người mất mạng? (Ảnh do Bộ đội biên phòng cung cấp).

Theo thông tin từ Viện Hải dương học, loài ốc "lạ" này có tên khoa học là Nassarius (Alectrion) glans glans (Linnaeus, 1758) hay còn được những ngư dân quen gọi là ốc bùn bóng.

Đây là một trong những loài ốc có tiền sử gây ngộ độc ở Việt Nam. Vụ thiệt mạng vì ăn phải loài ốc này mới nhất trước khi xảy ra bi kịch 3 người chết ở Thanh Hóa là ở Khánh Hòa, nạn nhân là anh Lê Văn Dít.

Nguyên nhân khiến loài ốc bùn bóng này trở thành kẻ sát thủ bởi vì nó có chứa độc tố tetrodotoxin trong cơ thể. Đây là loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt (bền nhiệt, bền pH) nên không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao. Độc tố vẫn tồn tại và gây độc trong thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay đóng hộp và đông lạnh.

Chất độc này giống như chất độc có trong cá nóc, mực đốm xanh hay con so biển và nó không phải do ốc bùn bóng tiết ra mà do một số loài vi khuẩn như Shewanella spp. và Vibrio spp. cộng sinh, sinh ra trong một số loài sinh vật biển. Thông thường sau khi ăn phải thực phẩm biển có chứa độc tố tetrodotoxin, triệu chứng ngộ độc xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ.

Nếu không may ăn phải loại ốc bùn bóng này, nạn nhân sẽ có cảm giác tê rần, rát bỏng môi, lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, có thể kèm đau đầu, đau bụng, đau chân tay, mất thăng bằng vận động (đi đứng loạng choạng), nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, sùi bọt mép, hôn mê, suy hô hấp tê liệt... và có thể tử vong sau 30 phút đến 8 tiếng sau khi ăn nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hiện nay không có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố tetrodotoxin. Nếu phát hiện ngộ độc do ăn phải ốc bùn bóng hoặc các loài ốc lạ khác cần kích thích cho nạn nhân nôn, nôn càng nhiều càng tốt và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Đinh Ngân (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kham-pha/su-that-ve-oc-la-khien-ngu-dan-thanh-hoa-tu-vong-442241.html