Sự thích ứng cần thiết

Trong 'nguy' có 'cơ', nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã nhanh nhạy, tận dụng triệt để cơ hội để chuyển đổi sang sản xuất những mặt hàng đáp ứng nhu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Thực phẩm chế biến, thực phẩm sử dụng ngay, khẩu trang, thiết bị y tế... Sự thay đổi này không chỉ đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống dịch bệnh mà còn bảo đảm việc làm cho người lao động, doanh thu cho doanh nghiệp, góp phần vào sự tăng trưởng của thành phố trong quý I-2020 và thời gian tới.

Với doanh nghiệp, việc chuyển đổi hình thức sản xuất từ những mặt hàng truyền thống sang làm khẩu trang, thiết bị y tế thể hiện tư duy nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường; đồng thời cũng là sự khẳng định bản lĩnh, năng lực quản trị để thích ứng với hoàn cảnh khó khăn của mỗi cơ sở.

Nhìn toàn diện hơn, dịch Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị nắm bắt, tích lũy kinh nghiệm cho chặng đường dài phía trước. Có thể trong ngắn hạn, đây chỉ là chiến thuật mang tính tình thế, nhưng về dài hạn, rõ ràng lợi ích đạt được rất lớn. Trong đó phải kể đến là tầm nhìn, sự phản ứng, chuyển đổi của doanh nghiệp trước những vấn đề đặt ra trong đời sống, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến xã hội luôn thay đổi, vận động không ngừng như hiện nay.

Giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những điểm sáng của nền kinh tế này cần được phát huy để vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh đang rất cấp bách, vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế.

Muốn vậy, trước hết, bản thân mỗi doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực dệt may, thiết bị y tế… cần tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, đầu tư dây chuyền thiết bị, công nghệ sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế. Cùng với đó là nâng cao năng lực quản trị; cập nhật nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế để tăng cường xúc tiến thương mại, từ đó có thêm nhiều đơn hàng, bảo đảm đầu ra cho sản xuất.

Trong điều kiện nước ta đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp muốn hướng đến xuất khẩu thì phải hiểu rõ tính chất, quy định pháp luật của từng thị trường để có giải pháp thích ứng phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, thực hiện đúng cam kết về chất lượng, tiến độ giao hàng.

Với các địa phương và ngành chức năng, cần làm tốt công tác kết nối cung cầu. Nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, cập nhật liên tục thông tin thị trường khẩu trang, thiết bị y tế để có định hướng cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, làm sao phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước trước khi chuyển sang xuất khẩu; đồng thời không để xảy ra tình trạng làm theo phong trào, dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung.

Cùng với đó là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để các đơn vị có thể nhanh chóng nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất khẩu để doanh nghiệp không bỏ lỡ thời cơ. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể xem xét miễn, giảm lãi suất hoặc giãn nợ…

Một vấn đề đáng phải quan tâm khác, đó là các sở, ngành cần đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể theo đúng yêu cầu của ngành Y tế và đơn vị liên quan về điều kiện để tổ chức sản xuất mà vẫn bảo đảm sức khỏe của công nhân, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh; cũng như xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng của mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị y tế…

Dù là trong hoàn cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, hay về lâu dài, sự thích ứng của mỗi doanh nghiệp trước sự vận động không ngừng của xã hội thay vì ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết, là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/963955/su-thich-ung-can-thiet