Sự thiếu minh bạch đẩy doanh nghiệp vào vòng rủi ro
'Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, 'doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà' là điều đang diễn ra. Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ?' - đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương sáng nay.
Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc “đội lốt” nhái hàng Việt và phòng vệ của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) lưu ý Bộ trưởng chưa trả lời được có một lỗ hổng rất lớn về pháp lý, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình.
"Đặc biệt sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào" - đại biểu Sinh nhấn mạnh.
Theo đại biểu của Hòa Bình, chính sự thiếu minh bạch đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không, đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. "Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không, đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề này" - đại biểu Sinh đặt vấn đề.
Nêu thực tế kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, “doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà” là điều đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh hỏi người đứng đầu ngành công thương: "Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hóa của họ trong giai đoạn hiện nay?".
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo Nghị định 43, doanh nghiệp tự kê khai, ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa nên mới xuất hiện những câu chuyện như Khaisilk hay Asanzo.
"Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất xây dựng Thông tư quy định về thế nào là hàng "made in Vietnam". Văn bản này đang lấy ý kiến và có nhiều quy định cần nghiên cứu thêm, chẳng hạn, phạm vi điều chỉnh Thông tư cần tránh ảnh hưởng lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế" - Bộ trưởng thông tin.
Theo Bộ trưởng, Thông tư này và Thông tư hướng dẫn Nghị định 31 trước đây đều xây dựng chung trên nền bộ quy tắc xuất xứ của WTO, hải quan. Nếu tổ chức nước ngoài căn cứ vào các văn bản này để siết chặt, gây khó khăn chứng nhận ưu đãi với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam thì cần nghiên cứu thêm.
Phản ánh vụ việc cụ thể về việc phát hiện lượng lớn nhôm Trung Quốc nghi xuất đi Mỹ mới đây, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, vướng mắc hiện nay là không có quy định thời gian hàng hóa gửi tại kho ngoại quan và hàng nhập khẩu vào khu chế xuất không phải chịu thuế.
Hàng nước ngoài gửi vào Việt Nam trong một thời gian bằng nhiều cách sẽ được chuyển hóa thành hàng xuất xứ Việt Nam. Từ thực tế này, đại biểu Diến hỏi: "Trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao và giải pháp khắc phục điều này?".
Làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết qua thông tin phản ánh quốc tế, đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016.
Doanh nghiệp do người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu và nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu. Thời điểm đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác chưa có gì đột biến.
Sau khi doanh nghiệp có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Do đó, xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc không đáng kể và không gây ra những vướng mắc đến vấn đề trong quan hệ thương mại quốc tế với Mỹ.
Trước câu hỏi liệu doanh nghiệp có lợi dụng chuyển lô nhôm thành hàng hóa tiêu thụ trong nước hay không, người đứng đầu ngành công thương khẳng định cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước.
Tranh luận lại với Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng cử tri có quyền đặt câu hỏi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc mua bán, tàng trữ hàng hóa, gian lận về xuất xứ, làm giả về chất lượng và về thương hiệu, buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng.
“Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?” - ông Diến nêu câu hỏi.
Trước dư luận cho rằng việc các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam để vi phạm dẫn đến nhiều hệ lụy, đại biểu Diến lo ngại Việt Nam sẽ là nạn nhân, bị các nước điều tra áp thuế, chống phá giá, đặc biệt gây thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.
Đề cập đến cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đại biểu Mai Sỹ Diến bức xúc khi cho rằng các doanh nghiệp đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, làm giả thương hiệu và xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng.
Đại biểu mong Bộ trưởng và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi lại về vấn đề phát triển bền vững cũng như nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.