Sự trái ngược về quan điểm môi trường và biến đổi khí hậu giữa ông Trump và bà Harris
Với đường lối đối ngược, hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ - bà Kamala Harris và Đảng Cộng hòa - ông Donald Trump đã có những quan điểm, lập trường khác nhau về chính sách biến đổi khí hậu nếu đắc cử vị trí Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ mới.
Chưa bao giờ các vấn đề về khí hậu lại được quan tâm như những năm trở lại đây, khi nhiệt độ Trái đất tăng cao ở mức kỷ lục, kéo theo những thảm họa thiên nhiên thảm khốc. Như một điều hiển nhiên, biến đổi khí hậu cũng là mối quan tâm sâu sắc của toàn cầu nói chung và cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Các vấn đề về khí hậu và môi trường
Có thể nói, bà Harris đã có thành tích lâu dài trong việc ủng hộ các chính sách về biến đổi khí hậu và môi trường. Với quan điểm hướng tới một thế giới xanh và sạch, bà Harris đã nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức môi trường lớn, cũng như hơn 80 nhà khoa học, chuyên gia đạt giải Nobel làm việc trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, kinh tế và y học.
Kể từ khi đảm nhận chức vụ Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Dân chủ, bà Harris vẫn coi trọng các chính sách về môi trường trong chương trình nghị sự. Bà khẳng định, biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu với công dân toàn cầu.
Trong thời kỳ đảm nhận vị trí Bộ trưởng Tư pháp bang California từ năm 2011 - 2017, bà Harris luôn bảo vệ các chính sách về biến đổi khí hậu. Một số thành tựu nổi bật của bà Harris trong công cuộc bảo vệ khí hậu và môi trường phải kể tới vụ điều tra tập đoàn dầu khí đa quốc gia của ExxonMobil của Mỹ về đã đánh lừa công chúng về những rủi ro liên quan tới biến đổi khí hậu; vụ truy tố công ty vận chuyển và tiếp thị dầu mỏ Plains All-American Pipeline về vụ việc làm tràn dầu năm 2015 gây ảnh hưởng tới bờ biển California; hay như cáo buộc hãng xe Volkswagen vì đã gian lận trong kiểm nghiệm khí thải diesel và giành được khoản bồi thường 86 triệu USD.
Trái ngược với quan điểm của bà Harris, ông Trump liên tiếp phủ nhận mức độ rủi ro và mối đe dọa từ tình trạng nóng lên của Trái đất và biến đổi khí hậu do con người gây ra. Mặc cho các chuyên gia và nhà khoa học trên thế giới vẫn khẳng định lâu nay, ông Trump coi biến đổi khí hậu là một “trò lừa bịp”. Thậm chí, trong bài phát biểu vào năm 2023, ông còn đưa ra thông tin sai lệch rằng mực nước biển sẽ giảm 0,01 inch (khoảng 0,25 mm) trong vòng 400 năm tới. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA) vẫn đưa ra cảnh báo, mức nước biển toàn cầu đang dâng cao ở mức báo động tới 0,125 inch (khoảng 3,2 mm) mỗi năm. Đặc biệt với các cộng đồng ven biển của Mỹ, mức nước biển có thể tăng từ 10 - 12 inch (254 - 305mm) trong thời kỳ từ năm 2020 - 2050.
Trong thời gian đắc cử ở nhiệm kỳ 2017 - 2021, ông Trump đã cắt giảm các chính sách chính về biến đổi khí hậu, đồng thời bãi bỏ hơn 100 quy định về môi trường bao gồm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất độc hại và khí thải carbon. Cũng trong thời gian này, với tư cách là Tổng thống, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris, hiệp ước quốc tế được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua vào năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên của Trái đất.
Ông Trump cho rằng, Hiệp định Khí hậu Paris chỉ là một trong các ví dụ mới nhất về việc các nhà lãnh đạo tại Washington tham gia vào các thỏa thuận gây bất lợi cho Mỹ, để mang lại lợi ích độc quyền cho các quốc gia khác. Theo ông, điều này sẽ trực tiếp khiến người lao động ở Mỹ, người nộp thuế phải gánh chịu chi phí về một loạt những rủi ro như mất công ăn việc làm, cắt giảm tiền lương, nhà máy đóng cửa và sản lượng kinh tế giảm mạnh.
Đạo luật Giảm Lạm phát - khoản tài trợ hào phóng dành cho môi trường
Trong thời gian giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, bà Harris kiên quyết ủng hộ Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act - IRA) ra đời năm 2022 của Tổng thống Joe Biden. Đây là một dự luật toàn diện về khí hậu bao gồm các điều khoản ưu tiên cho việc giảm phát thải khí nhà kính và đầu tư công nghệ năng lượng sạch với trị giá 369 tỷ USD (khoảng 9,335 triệu tỷ đồng). Đạo luật mang tính bước ngoặt này đã trở thành luật chi tiêu liên bang lớn nhất về khí hậu trong lịch sử Mỹ. Theo ước tính của chuyên gia, việc thực hiện Đạo luật Giảm Lạm phát IRA có thể giảm lượng khí thải nhà kính từ 43 - 48% so với mức năm 2005 vào năm 2035.
Với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, bà Harris đã vận động cử tri nhận thức được lợi thế của Đạo luật Giảm Lạm phát IRA, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy các sáng kiến về năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu tại hội nghị biến đổi khí hậu COP28 ở Dubai. Cũng nhờ đó, bà đã kêu gọi được 20 tỷ USD (khoảng 507,7 nghìn tỷ đồng) cho Quỹ Giảm khí thải nhà kính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency - EPA)
Trái ngược lại, với tư tưởng bài xích mạnh mẽ việc chống biến đổi khí hậu, ông Trump tuyên bố sẽ bãi bỏ một số phần của Đạo luật Giảm Lạm phát IRA. Ông cam kết sẽ lấy lại bất kỳ khoản tiền nào chưa chi theo luật khí hậu nếu ông thắng cử trong năm nay.
Mặc dù không nêu rõ phần nào sẽ bị bãi bỏ nhưng ông Trump và các đảng viên Đảng Cộng hòa khác vẫn chỉ trích đạo luật này đã tăng thuế và các khoản chi tiêu. Trước đó, một số đại diện của Đảng tại Hạ viện Hoa Kỳ đã đề xuất các nhà lãnh đạo không cắt giảm phần miễn thuế cho ngành năng lượng sạch.
Theo các cố vấn, ông Trump cam kết sẽ đảo ngược các khoản đầu tư của Tổng thống Biden vào công nghệ xanh và ô tô điện, song song với đó mở rộng phát triển dầu, khí đốt và than. Ngoài ra, các lệnh bắt buộc về xe điện sẽ được bãi bỏ và thắt chặt giám sát về môi trường. Trong nhiệm kỳ mới, một lần nữa ông Trump cũng sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris một lần nữa.