Sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai: Phát huy sức dân gắn với tăng cường trách nhiệm

'Cần có cơ chế để huy động sức dân trong việc phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên đi cùng với đó phải quy định rõ trách nhiệm của người dân trong công tác này', đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 18-11.

Xây dựng quỹ do xã hội đóng góp cho công tác phòng, chống thiên tai

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, “từng người dân cần có ý thức trách nhiệm trong những ngày bình thường yên ả để hạn chế rủi ro thiên tai chứ không phải đợi đến lúc thiên tai xảy ra rồi mới lo khắc phục. Công tác cứu trợ, hỗ trợ, khắc phục là công tác về sau”.

“Có những lúc hậu quả của thiên tai 5 nhưng do con người làm cho hậu quả nặng hơn thành 10. Cần làm sao để người dân nhận thức được nhiều hành vi của mình như khai thác cát, đốt lửa, vứt tàn thuốc lá bừa bãi… đã làm tăng thêm nguy cơ xảy ra thiên tai”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Đại biểu Nghĩa cũng nhấn mạnh, “có nhiều trường hợp người dân biết mà vẫn vi phạm như đốt lửa, vứt tàn thuốc lá bừa bãi”. Do đó theo đại biểu, “không nên đưa cháy rừng một cách chung chung vào thiên tai mà cần phân biệt rõ trường hợp nào là cháy rừng do thiên tai, trường hợp nào cháy rừng do con người gây ra vì thực tế cháy rừng do nguyên nhân tự nhiên thì ít thôi”.

Bên cạnh việc đề xuất tăng cường trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai, ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, “cần có cơ chế huy động sức dân trong công tác này”. “Có những đoạn đường lở, xói không ai làm gì để đến lúc nát bét không đi được nữa mới bắt đầu kêu lên, báo chí đưa tin trong khi nếu huy động sức dân được thì những ổ gà nho nhỏ, những cống rãnh tắc không thoát nước chỉ cần huy động 5-10 người dân với 1 buổi lao động là khắc phục được.

Rồi các đóng góp sau khi thiên tai xảy ra thì huy động rất lớn nhưng các loại quỹ phòng, chống thiên tai thì chưa nhiều. Mỗi người góp một tay chứ không thể dựa hết vào ngân sách. Có thể nghiên cứu thiết kế các quỹ do xã hội đóng góp cho công tác phòng, chống thiên tai”, Đại biểu nói.

Ủng hộ việc thành lập quỹ phòng, chống thiên tai, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, cần sử dụng quỹ này nhằm thực hiện ngay các công trình phòng chống thiên tai. “Qua thông tin phản ánh của báo chí thì có những trường hợp tàu, thuyền cập bến tránh bão nhưng khu vực tránh bão lại không đảm bảo an toàn. Do đó việc đầu tư cho công tác dự báo, cho các thiết bị cảnh báo, khu vực tránh bão là rất cần thiết để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do thiên tai”.

Về việc quản lý quỹ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề xuất nên giao các địa phương quản lý để chỉ đạo trực tiếp khi có vấn đề cấp bách xảy ra. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng của địa phương sẽ trên cơ sở công khai, minh bạch và có sự giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ. Ảnh tư liệu

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ. Ảnh tư liệu

Đề xuất rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng

Cũng trong phiên thảo luận tại tổ hôm qua, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), việc sửa đổi Luật Xây dựng cần đồng bộ với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... thì thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh nhất là thủ tục hành chính trong xây dựng của chúng ta mới tiến gần, bắt kịp nước bạn. Chứ thực tế thủ tục hành chính hiện nay rất khó khăn.

“Vừa rồi tiếp xúc Hiệp hội Bất động sản TP HCM thì Hiệp hội có phản ánh thời gian chờ đợi làm thủ tục đến khi công trình được triển khai xây dựng quá dài. Đơn cử như: Để làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phòng mặt bằng mất ít nhất 3 năm…Để làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư ( thủ tục chuẩn bị đầu tư bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư, quyết định thu hồi đất, giao đất dự án chủ đầu tư,)… mất 2 năm”, đại biểu thông tin.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc sửa đổi Luật Xây dựng lần này cần làm sao giải quyết bài toán rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng. “Môt số khâu có thể gộp vào được như thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng có thể thẩm định cùng một lúc và cấp phép xây dựng thay vì làm từng khâu một như hiện nay”. Ý kiến đại biểu cũng đề nghị ở khoản 5 Điều 78, khoản 3 Điều 82, khoản 4 Điều 91 Luật Xây dựng 2014 nên tích hợp quy định cấp phép xây dựng đồng thời với công tác thẩm định thiết kế cơ sở, phân cấp và giao quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng cho các công trình xây dựng trên địa bàn…

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sua-doi-bo-sung-luat-phong-chong-thien-tai-phat-huy-suc-dan-gan-voi-tang-cuong-trach-nhiem-170462.html