Sửa đổi Luật bảo vệ môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu

Để ứng phó với những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về biến đổi khí hậu trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết, theo ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 Đề xuất sửa Luật bảo vệ môi trường 2014 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong ảnh là triều cường gây ngập quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Trung Chánh

Đề xuất sửa Luật bảo vệ môi trường 2014 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong ảnh là triều cường gây ngập quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu khai mạc hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức ngày 7-10 tại Thành phố Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, địa phương này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, mà cụ thể là thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường xảy ra nhiều hơn. “Cùng với đó, triều cường, sạt lở bờ sông đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân”, ông cho biết.

Theo ông Dũng, các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu cơ bản đã được ban hành, song quá trình thực hiện còn lúng túng, bị động do biến đổi khí hậu tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội. “Công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu chưa cao, chưa huy động được nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức trong, ngoài nước”, ông cho biết.

Ông Marcel Reymond, Trưởng bộ phận phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam dẫn ra các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, thiệt hại trực tiếp trong ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long là khá lớn, vào khoảng 130 đến 190 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Còn nếu tính cả những thiệt hại gián tiếp, thì con số này lên đến khoảng 650 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

“Vậy làm thế nào để có thể giải quyết được những tác động của biến đổi khí hậu thông qua các chính sách của Việt Nam?”, ông Marcel Reymond đặt câu hỏi và gợi ý cần đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện các khung luật pháp, chính sách.

Bà Anna Pia Schreyoegg, Cố vấn trưởng thuộc Chương trình hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris cho biết, Việt Nam là một trong 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo bà, trong 50 năm qua, nhiệt độ ở Việt Nam đã tăng gấp đôi so với mức tăng trung bình toàn cầu; mực nước biển dâng 20 cm; tần suất và cường độ của hiện tượng thời tiết cực đoan cũng tăng mạnh. “Thiệt hại về kinh tế hàng năm do thiên tai ước tính gần bằng 1% GDP của Việt Nam”, bà nói.

Ông Trí của Cục biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2014 Luật Bảo vệ môi trường đã được thông qua. “Đây là lần đầu tiên chúng ta luật hóa những quy định về ứng phó biến đổi khí hậu”, ông Trí cho biết và thông tin Chương IV của luật nói về ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, để ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như để phù hợp với tình hình mới, theo ông Trí, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 là cần thiết.

Cụ thể, tại Điều 39 của luật này, ông Trí đề xuất bổ sung 2 khoản mới, đó là ứng phó biến đổi khí hậu gồm các hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội.

Tại Điều 40, ông Trí đề xuất sửa Khoản 1, từ "ứng phó biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội"… thành “nội dung ứng phó biển đổi khí hậu phải được lồng ghép trong hệ thống chiến lược, quy hoạch thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của luật này và pháp luật liên quan”.

Ngoài ra, tại điều này ông cũng đề xuất bổ sung hai điều khoản mới, gồm ứng phó biến đổi khí hậu là mục tiêu dài hạn của hệ thống chiến lược quy hoạch; việc thẩm định lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoach được thực hiện đồng thời trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Tại Điều 41, ông Trí đề xuất bổ sung một điểm mới trong Khoản 1, đó là phát triển cơ chế tài chính, phương thức hợp tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của luật pháp và điều ước quốc tế.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295034/sua-doi-luat-bao-ve-moi-truong-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau.html