Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Đề xuất chuyển từ cơ chế 'tự nguyện' sang 'bắt buộc'

Nhiều ý kiến cho rằng cần có những chế tài mang tính quy định bắt buộc trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua tháng 6/2010, có hiệu lực từ 1/1/2011, qua gần 14 năm đi vào thực tiễn, Luật đã tạo dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ các lĩnh vực, tạo điều kiện triển khai đồng bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả bền vững của đất nước.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có những chế tài mang tính quy định bắt buộc trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Nhiều ý kiến cho rằng cần có những chế tài mang tính quy định bắt buộc trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai và cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật đã bộc lộ những hạn chế. Đặc biệt với cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) thì nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các chế tài mang tính bắt buộc, chuyển từ cơ chế “khuyến khích” sang “bắt buộc.

Theo ông Hoàng Việt Dũng – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, nhiều nội dung quy định trong Luật còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định tại Luật còn khoảng trống. Hoạt động kiểm toán năng lượng có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng kiểm toán năng lượng còn thấp. “Do đó, cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc, làm rõ các cơ chế ưu đãi, khuyến khích”, ông Hoàng Việt Dũng nói.

Làm rõ thêm vấn đề này, ông Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, dựa trên báo cáo tình hình tuân thủ Luật của các Sở Công Thương, có tới 89,4% cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên toàn quốc không báo cáo định mức tiêu hao năng lượng. Điều này cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không có thói quen, không tuân thủ việc báo cáo định mức tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá trực tiếp các doanh nghiệp trong ngành nhựa về mức độ tuân thủ quy định định mức tiêu hao năng lượng cho thấy chỉ có 22,47% doanh nghiệp có kế hoạch cải thiện suất tiêu hao năng lượng.

Theo ông Kiên, việc doanh nghiệp còn “hờ hững, làm ngơ” trước các quy định tuân thủ về báo cáo định mức tiêu hao năng lượng có nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó có một nguyên nhân lớn đó là luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thông tư về định mức tiêu hao năng lượng đã được ban hành, tuy nhiên, không có bất kỳ cơ chế nào để thúc đẩy sự tuân thủ. “Các doanh nghiệp chỉ được khuyến khích tuân thủ thông tư, mà không có cơ chế xử phạt nếu họ không tuân thủ”, ông Dương Trung Kiên chỉ ra.

Đại diện EVN đề xuất có thể áp dụng các cơ chế bắt buộc tuân thủ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với một số ngành hàng, nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm

Đại diện EVN đề xuất có thể áp dụng các cơ chế bắt buộc tuân thủ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với một số ngành hàng, nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm

Đồng tình với quan điểm cần có chế tài, quy định mang tính bắt buộc trong tuân thủ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đồng tình với việc đề xuất sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với 5 nhóm chính sách quan trọng. Tuy nhiên, đại diện EVN nhấn mạnh và đề xuất nội dung sửa luật theo hướng chuyển từ cơ chế “tự nguyện” sang “bắt buộc” tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang thiên về khuyến khích động viên. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất nên chuyển sang chế tài bắt buộc. Có thể không áp dụng với tất cả các khách hàng, nhóm ngành hàng, mà chúng ta sẽ áp dụng với một số nhóm khách hàng, ngành hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và hướng tới đạt các cam kết, mục tiêu về tiết kiệm điện, giảm phát thải”, ông Trần Viết Nguyên đề xuất.

Đề xuất 5 nhóm nội dung chính trong sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nhóm 1: Quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng. Trong đó, tăng cường chế tài để đảm bảo tuân thủ việc cung cấp thông tin, số liệu tiêu thụ năng lượng và số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp cho cơ quan chức năng.

Nhóm 2: Nhóm các quy định quản lý đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nhóm 3: Nhóm chính sách, quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó sẽ bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Nhóm 4: Nhóm chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Trong đó, đáng chú ý sẽ bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng cho nhóm vật liệu xây dựng.

Nhóm 5: Tổ chức triển khai thực hiện và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, nghiên cứu, bổ sung việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm công, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế thi hành Luật.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-doi-luat-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-hieu-qua-de-xuat-chuyen-tu-co-che-tu-nguyen-sang-bat-buoc-347380.html