Sửa Luật Bảo hiểm y tế: Ủy ban Xã hội nêu 'vấn đề bức xúc nhất'

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ.

Vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là do không thống nhất khi áp dụng phác đồ điều trị theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh, về chuyên môn y tế giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội, theo Thường trực Ủy ban Xã hội.

Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.

Bộ trưởng nêu rõ, Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua. Gồm, điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan. Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn. Điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu các nội dung sửa đổi mới mang tính cấp bách đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ.

Như, bổ sung quy định chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế để đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thào cũng quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.

Điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ đầu năm (kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tăng từ 90% lên 91%, chi phí quản lý tối đa giảm từ 5% còn là 4%), tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí, bà Lan cho biết.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Xã hội nêu, quy định bổ sung đối tượng “người tham gia bảo hiểm y tế thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định.

Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, báo cáo tổng kết thi hành Luật không chỉ ra những vướng mắc khi thực hiện quy định liên quan đến đối tượng này. Hơn nữa, việc đưa đối tượng là cán bộ cấp cao vào diện cùng với những đối tượng yếu thế khác để được hưởng chính sách này là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị làm rõ căn cứ, sự cấp bách phải quy định nội dung này.

Về thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là do không thống nhất khi áp dụng phác đồ điều trị theo hướng dẫn chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh, về chuyên môn y tế giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Một trong các nguyên nhân là do Luật Bảo hiểm y tế hiện hành giao trách nhiệm cho cơ quan bảo hiểm xã hội giám định, trong đó có đánh giá tính hợp lý của việc chỉ định điều trị bệnh. Thực tiễn cho thấy, cơ quan bảo hiểm xã hội không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ này vì liên quan đến chuyên môn y tế (Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn khẳng định vấn đề này).

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi quy định về nội dung giám định bảo hiểm y tế trong đó phân định rõ nhiệm vụ của bảo hiểm xã hội và của ngành y tế trong giám định bảo hiểm y tế, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, hiện nay Chính phủ chưa đánh giá tác động và làm rõ được vai trò của ngành y tế trong giám định bảo hiểm y tế, hơn nữa, vấn đề này cần phải xem xét theo nhiều góc độ, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của bảo hiểm y tế hơn 30 năm qua (từ trực thuộc Bộ Y tế chuyển sang Bảo hiểm xã hội), do đó, đề nghị chưa sửa đổi nội dung về giám định bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật và xem xét đưa vào khi sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng khi chưa có sự thống nhất về chuyên môn giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sua-luat-bao-hiem-y-te-uy-ban-xa-hoi-neu-van-de-buc-xuc-nhat-d225783.html