Sửa luật về đầu tư để khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư và Luật Đấu thầu, được kỳ vọng sẽ khơi thông các 'điểm nghẽn' đối với hoạt động đầu tư hiện nay.
Tăng phân cấp, phân quyền để giảm thời gian làm thủ tục dự án đầu tư
Đề cập đến những điểm mới trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dự thảo tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn.
Cụ thể, nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước.
Các nhóm chính sách lớn tiếp theo là thúc đẩy thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động đầu tư công nhằm phát huy hơn nữa sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương;
Theo quy định hiện hành, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm giữa các bộ, ngành, địa phương là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 5-6 tháng để thực hiện 6 bước), chưa đáp ứng được nhu cầu, tính cấp bách của việc điều chỉnh trong một số trường hợp/dự án.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đề xuất phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các bộ, ngành, địa phương cho Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, sẽ cắt giảm trình tự, thủ tục (rút ngắn 3 bước, giảm thời gian 2-3 tháng), tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều hành, về phía các bộ, ngành, địa phương có căn cứ để thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Chính phủ cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương, các khoản vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay vì thuộc thầm quyền của Quốc hội như hiện nay, nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong việc sử dụng các khoản vốn này.
Vì theo quy định hiện hành, thời gian để thực hiện quy trình báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định sẽ mất từ 6-8 tháng, đồng thời phải đến kỳ họp Quốc hội mới có thể báo cáo.
Đáng lưu ý, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành (tương ứng với sự thay đổi quy mô GDP) để phản ánh thực tiễn vận động của nền kinh tế và phù hợp với yêu cầu phát triển đặt ra trong giai đoạn tới.
Đề xuất “luồng xanh” để thu hút dự án đầu tư chiến lược
Đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật), Chính phủ đề xuất tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Liên quan đến Luật Đầu tư, dự thảo 1 luật sửa 4 luật đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định dự án hạ tầng khu công nghiệp; được quyết định dự án xây bến cảng từ 2.300 tỷ đồng; có thể chủ động thực hiện dự án thuộc phạm vi khu vực I và II di tích quốc gia.
Hiệu quả của chính sách này có thể được lượng hóa rất rõ qua công tác quản lý của ngành văn hóa: Cả nước hiện có hơn 41.000 di tích, danh lam thắng cảnh. Cấp có thẩm quyền đã xếp hạng hơn 11.000 di tích cấp tỉnh; 3.630 di tích tích cấp quốc gia; 133 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới (Quần thể di tích Cố đô Huế; Khu phố cổ Hội An; Khu đền tháp Mỹ Sơn; Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội; Thành Nhà Hồ; Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà; Vườn Phong Nha-Kẻ Bàng; Quần thể danh thắng Tràng An).
Như vậy, nếu thực hiện phân cấp như đề xuất của dự thảo luật, với số lượng các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới như trên, hồ sơ dự án đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ sẽ giảm xuống.
Nếu tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, đưa nguồn lực vào phát triển kinh tế xã hội, đồng thời không tạo sự chủ động cho các địa phương…
Đáng lưu ý, cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất hai nội dung mới liên quan đến Luật Đầu tư, gồm quy định việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ các nguồn hợp pháp để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Đồng thời bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Lý giải về các nội dung đề xuất mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay, Việt Nam cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư để tạo đột phá, có chọn lọc trong thu hút đầu tư, bảo đảm vị thế cạnh tranh; giữ chân và thu hút các Tập đoàn với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng và tác động lan tỏa lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Cũng theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án có tính chất chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết và cấp bách.
Đây chính là “luồng xanh” để thu hút đại bàng đến làm tổ ở Việt Nam.