Sửa Luật xử lý vi phạm hành chính: Phạt thật nặng để tăng tính răn đe!

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên căn cứ vào thu nhập trung bình của người dân để xây dựng mức phạt hành chính, mà cần phạt thật nặng để tăng tính răn đe, khiến người ta không dám vi phạm.

Ngày 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 42, kéo dài trong 2 ngày 10 và 11-2.

* UBTVQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hành động quyết liệt, kịp thời trong phòng chống dịch Corona của Chính phủ

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, năm 2020 là năm rất có ý nghĩa với nước ta-là năm có nhiều sự kiện trọng đại, cũng là năm tất cả các cấp, các ngành, trong đó có Quốc hội, phải triển khai nhiều nhiệm vụ rất nặng nề.

Ngay từ đầu năm, nước ta đã phải đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. “Nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chúng ta sẽ phát huy hơn nữa mặt tích cực của năm trước, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp (ảnh: QH)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp (ảnh: QH)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong những ngày qua, Chính phủ đã và đang rất khẩn trương, chủ động, ứng phó kịp thời cùng với sự quyết tâm cao trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

UBTVQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy cũng như những hành động quyết liệt, kịp thời đó của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, UBTVQH luôn sẵn sàng đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch này để chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến các dịch bệnh (trong đó có dịch cúm A-H5N1) và có biện pháp xử lý hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Nâng mức phạt để đảm bảo răn đe

Trong phiên làm việc buổi sáng, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Đáng quan tâm, về đề nghị tăng mức xử phạt tối đa với 10 lĩnh vực và bổ sung mức phạt tối đa với 6 lĩnh vực, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị rà soát lại từng lĩnh vực cụ thể, phân loại theo nhóm và chỉ tăng mức xử phạt tối đa theo nhóm, không tăng mức xử phạt tối đa với mọi loại hành vi vi phạm trong tất cả lĩnh vực đó.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp (ảnh QH)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp (ảnh QH)

Các ý kiến cũng thống nhất cao rằng không nhất thiết xử phạt hành chính phải luôn thấp hơn mức tối thiểu của hình phạt bằng tiền tối thiểu quy định trong Bộ luật Hình sự, bởi vì hậu quả pháp lý của xử lý hình sự bao giờ cũng nghiêm trọng hơn hậu quả pháp lý của xử lý hành chính, do còn liên quan đến án tích, nhân thân của người bị xử lý.

Các đại biểu cho rằng, không nên căn cứ vào thu nhập trung bình của người dân để xây dựng mức phạt hành chính, mà cần phạt thật nặng để tăng tính răn đe, khiến người ta không dám vi phạm. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng có quy định xử phạt hành chính có thể cao hơn xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình cần sửa đổi Luật và nâng mức xử phạt cao hơn để đảm bảo răn đe. Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu chở quá số lượng hành khách, phạt tăng thêm 1 hành khách là 1 triệu đồng, cứ thế cộng lên thì việc nhồi nhét hành khách sẽ giảm ngay.

Ví dụ được các đại biểu nhắc tới là tại Trung Quốc, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch nCoV, biện pháp xử phạt hành chính có thể lên tới 10 tỷ đồng tiền Việt Nam. Tại Việt Nam, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt nặng hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã có tác dụng ngay lập tức.

Do bị xử phạt nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của bản thân và gia đình, nên người ta phải cân nhắc rất kỹ khi sử dụng rượu bia mà sau đó có thể phải điều khiển phương tiện giao thông. Nhờ vậy, tỷ lệ tai nạn giao thông giảm mạnh.

Từ thực tế này, một số ý kiến đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi quy định để tăng mức phạt tiền với các hành vi quấy rối tình dục, dâm ô, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chức năng tiếp thu các ý kiến của các ủy viên UBTVQH, tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể các chính sách, đánh giá số liệu từng năm, từng lĩnh vực, so sánh luật này và các luật khác liên quan, trong đó có Bộ luật Hình sự. Về nâng mức xử phạt, các ủy viên UBTVQH tán thành cần nghiên cứu để nâng mức phạt tiền cao hơn trong 10 lĩnh vực và bổ sung mức phạt tối đa trong 6 lĩnh vực, nhưng cần rà soát trong các nhóm lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh không nhất thiết xử phạt hành chính phải luôn luôn thấp hơn mức xử phạt tối thiểu của hình sự. Về nguyên tắc, bao giờ hình sự cũng nghiêm trọng hơn hành chính, nhưng không có nghĩa rằng mức phạt tiền trong hình sự bao giờ cũng thấp hơn mức tối đa trong hành chính./.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sua-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-phat-that-nang-de-tang-tinh-ran-de-179414.html