Sửa nội quy kỳ họp: Tăng cường tính dân chủ, chuyên nghiệp cho hoạt động của Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, chiều 2-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá cao quá trình sửa đổi nội quy kỳ họp đã được tiến hành bài bản, kỹ lưỡng, khoa học, tham khảo ý kiến các chuyên gia; bày tỏ hy vọng những sửa đổi bổ sung này sẽ góp phần tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp cho hoạt động của Quốc hội.

Mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp cho hoạt động của Quốc hội

Bày tỏ nhất trí với mục tiêu, quan điểm sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng dự thảo lần này đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo là bảo đảm tính đầy đủ của các quy trình, thủ tục để tiến hành kỳ họp Quốc hội, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học hợp lý, hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế.

Toàn cảnh phiên họp chiều 2-11. Ảnh: VPQH

Toàn cảnh phiên họp chiều 2-11. Ảnh: VPQH

Đại biểu ghi nhận việc thiết kế nội dung các điều khoản trong dự thảo đã bảo đảm bám sát định hướng, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhất là về mở rộng quyền nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, cải tiến cách thức điều hành, chuyển biến hoạt động của Quốc hội từ tham luận sang thảo luận và tranh luận, áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng một Quốc hội điện tử trong tương lai.

Đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội

Nhấn mạnh việc sửa đổi nội quy kỳ họp vào thời điểm này là kịp thời, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, nếu kỳ họp là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, thì thảo luận là trung tâm trong hoạt động của kỳ họp. Cho rằng hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận, đại biểu cho rằng, đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận là thảo luận ở tổ, ở đoàn, bởi lẽ đây là những bước để sàng lọc vấn đề để khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau.

“Khi làm được điều này, sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở đoàn, ở tổ, để khi thảo luận tại hội trường sẽ hướng đến phân tích những vấn đề lớn, phức tạp hơn”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

 Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau): Thảo luận là trung tâm trong hoạt động của kỳ họp Quốc hội. Ảnh: VPQH

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau): Thảo luận là trung tâm trong hoạt động của kỳ họp Quốc hội. Ảnh: VPQH

Nhấn mạnh việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu cũng đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, bảo đảm phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, với những phiên họp có quá nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, cần rút ngắn thời lượng phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh tình huống rút ngắn thời gian của các đại biểu phát biểu sau, không bảo đảm tính bình đẳng trong tổ chức phiên họp.

Cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) kiến nghị, để nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù của Quốc hội, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và các vấn đề mang tính quan trọng, chiến lược khác do Quốc hội quyết định… thì nên xem xét, sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương): Nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương): Nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn. Ảnh: VPQH

Liên quan đến nội dung chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn như: Số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh được chất vấn, các vấn đề lựa chọn chất vấn có mối liên quan hệ trực tiếp với nhau, những vấn đề bức xúc nhất hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm…

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đề nghị Quốc hội sớm thiết kế cơ sở dữ liệu trực tuyến, định hướng rõ các vấn đề trọng tâm, quy trình, cách thức cho ý kiến và bố trí thời gian hợp lý để đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến. Đồng thời thống kê, đánh giá kết quả, tỷ lệ đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với từng vấn đề.

NGUYỄN THẢO - CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/sua-noi-quy-ky-hop-tang-cuong-tinh-dan-chu-chuyen-nghiep-cho-hoat-dong-cua-quoc-hoi-709844