Substack có phải là một giải pháp cho báo chí không?

Hai năm trước, chưa đến 300.000 độc giả trả phí đăng ký trên Substack. Bây giờ, hơn 1,5 triệu người đã chấp nhận trả tiền cho nền tảng tin tức này. Sự bùng nổ Substack được đánh giá mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Lý do vì nó có thể trả lời cho một số vấn đề thời đại của báo chí.

Substack, sức sống mới của báo chí

Một vấn đề là của các tổ chức tin tức: Làm thế nào để bạn phát hành các tác phẩm cho độc giả và được trả tiền để làm như vậy? Một vấn đề khác là của nhà báo: Làm thế nào để bạn gây dựng thêm lượng độc giả? Nếu không có lượng độc giả đáng tin cậy, mỗi tác phẩm bạn xuất bản đều có thể hoàn toàn không được đọc hoặc chỉ làm công cụ kiếm tiền cho kẻ khác.

 Nền tảng tin tức Substack vừa đề cao giá trị báo chí, vừa có thể mang lại những nguồn thu lớn cho báo chí. Ảnh: GI

Nền tảng tin tức Substack vừa đề cao giá trị báo chí, vừa có thể mang lại những nguồn thu lớn cho báo chí. Ảnh: GI

Việc tìm kiếm độc giả trong những năm gần đây đã khiến các nhà báo, hay các hãng tin thường gặp khó khăn, dẫn đến việc đổ xô đến các mạng xã hội (MXH) như Facebook, Twitter, Telegram và gần đây là TikTok để tìm lại độc giả đã mất hoặc tìm kiếm độc giả mới - những nơi mà người dùng thực ra hiếm khi có xu hướng rời khỏi các mạng này để hướng tới bất kỳ hoạt động báo chí thực tế nào, chứ đừng nói đến việc trả tiền cho các bài báo. Thực tế này đang ngày càng rõ ràng và theo chiều hướng “cực đoan” hơn.

Nhưng Substack đáp ứng được cả hai điều đó. Nó có thể hoạt động giống như một MXH, song là nơi chủ yếu lưu trữ các bài báo trả phí và gửi chúng đến danh sách người đăng ký. Hay nói cách khác, đó là một ngôi nhà dành riêng cho các hãng tin, các nhà báo và các độc giả thực sự của báo chí hay kể cả văn chương.

Nó là một nền tảng giúp các cây bút giữ chân độc giả và để các nhà xuất bản tin tức được trả tiền mà không cần phải in ra giấy hoặc phụ thuộc vào các nhà quảng cáo. Nó đang định hình lại thị trường chữ viết. Nó có thể giá trị và giàu ý nghĩa cho giới báo chí và truyền thông hơn nhiều so với Facebook, Twitter và đặc biệt TikTok.

Vào năm 2020, cây bút Bari Weiss đã quyết định rời tờ báo danh tiếng New York Times để đổi tên một kênh tin tức trên Substack của mình từ “Common Sense” thành “The Free Press”: một nỗ lực để tạo ra “tờ báo” của riêng mình dưới dạng bản tin. Cùng với việc hoạt động tích cực và giới thiệu kênh tin tức này trên Twitter, cô đã đưa độc giả của mình đến The Free Press: Hiện có 280.000 người đăng ký miễn phí, gồm ít nhất 10% trả phí đăng ký với giá từ 80 đến 96 đô la mỗi năm, qua đó mang lại cho kênh này khoản doanh thu tới 2,5 triệu đô la (khoảng 58 tỷ VNĐ).

Rất nhiều tiền đang được kiếm trên Substack bởi một số người nổi tiếng. Cây bút thành công nhất của nền tảng - nhà sử học Heather Cox Richardson, người viết Thư hàng ngày từ một email của Mỹ - có “hàng trăm nghìn” người đăng ký trả phí. Với mức giá 50 - 60 đô la một năm, điều này sẽ mang lại cho Richardson tối thiểu 5 triệu đô la hàng năm.

Các cây bút nổi tiếng khác của Substack bao gồm Matt Taibbi, Glenn Greenwald, Matthew Yglesias và Andrew Sullivan - tất cả, giống như Weiss, trước đây đã từng làm việc cho các hãng truyền thông lớn. Sullivan đang kiếm được hơn 1,1 triệu đô la. Yglesias đang thu về hơn 1 triệu đô la…

Tuy nhiên, bản thân nền tảng Substack lại không thu được nhiều. Họ được cho là đã kiếm được tổng cộng 9 triệu đô la doanh thu vào năm 2021. Công ty này được đồng sáng lập bởi cựu nhà báo Hamish McKenzie, nhà phát triển Jairaj Sethi và CEO công nghệ Chris Best tại Mỹ vào năm 2017. Họ sẽ nhận 10% doanh thu do các cây bút hoặc người sáng tạo kiếm được (Substack cũng cho phép phát hành podcast và video như các MXH khác).

Nơi báo chí nghiêm chỉnh và chu đáo hơn

Dù số lượng người dùng của Substack tương đối nhỏ, song tác động văn hóa của nó đã rất đáng kể. Farrah Storr, cựu biên tập viên của tạp chí Elle hiện là người đứng đầu bộ phận hợp tác các cây bút của Substack tại Vương quốc Anh cho biết: “Substack đang cung cấp một nơi thay thế, chu đáo hơn để viết”.

 Substack đang được ví như một giải pháp giải cứu báo chí nói chung, các nhà báo và các cây bút nói riêng, về cả giá trị nghề nghiệp lẫn vấn đề tài chính. Ảnh: TNS

Substack đang được ví như một giải pháp giải cứu báo chí nói chung, các nhà báo và các cây bút nói riêng, về cả giá trị nghề nghiệp lẫn vấn đề tài chính. Ảnh: TNS

Storr cho biết, việc đổ xô làm báo miễn phí để kiếm quảng cáo trong kỷ nguyên số trong những năm 2010 đã làm báo chí trở nên tồi tệ hơn, khi họ bị cuốn vào guồng quay lượng truy cập, dẫn đến nhưng bài báo chỉ ngày càng giảm chất lượng, thậm chí chỉ mong “câu view”. Substack lại có một cách tiếp cận khác và cho phép các nhà báo được trả tiền trực tiếp cho công việc của họ.

Trong khi đó, Facebook hay Twitter đang làm mất giá trị của các nhà báo một cách thảm hại, đơn giản nó cổ xúy cho các đoạn tút “giật gân”, dễ “lan truyền” để thu quảng cáo hơn là những bài viết sâu sắc.

Một cây bút nổi tiếng trên Substack cho biết: “Tôi thích nó hơn bất cứ điều gì khác mà tôi làm. Bạn không ngừng xây dựng ý tưởng của mình và xây dựng một nhóm độc giả hiểu thế giới quan của bạn”. Ông trích dẫn một bài báo dài dài tới 3.000 từ gần đây về Brexit và dư luận của mình, và được độc giả rất đón nhận và trả tiền để đọc.

Eleanor Halls, biên tập viên âm nhạc của Telegraph, người cũng viết mục văn hóa đại chúng PassTheAux trên Substack, giải thích sức hấp dẫn của lượng độc giả tương tác cao: “Độc giả của bạn ở đó vì họ rất quan tâm đến những gì bạn viết, hoặc cụ thể là những gì bạn nghĩ". Nhà báo Ian Leslie, người viết bản tin The Ruffian, cũng đồng ý: “Họ ở đây vì bạn, và do đó càng có nhiều 'bạn' thì càng tốt".

Theo các cây bút, Substack cung cấp “kho vũ khí biểu đạt lớn hơn” so với bản in hoặc kể cả các giao diện báo điện tử hàng đầu. Bên cạnh bài viết, bạn có thể đăng liên kết, video, tweet, hình ảnh, biểu đồ; định dạng có thể được thực hiện để phù hợp với lập luận của bạn.

Tại sao các nhà báo phải viết miễn phí cho MXH?

Nhưng Substack còn hơn cả một nền tảng viết blog khác. Sự đổi mới quan trọng của nó và lợi thế, là cách nó cho phép các cây bút giành lại độc giả, tiếp cận họ qua email.

Substack có thể giúp báo chí cạnh tranh được với các MXH không? Helen Lewis, một cây bút thành công trên nền tảng này cho rằng là có thể. Bởi vì “nó mang lại cho người viết rất nhiều thứ họ muốn” từ việc trao đổi, cụ thể là kết nối trực tiếp với độc giả. Jonn Elledge, người có mục tin có gần 5.000 độc giả, cho biết những người đăng ký đã “chọn đầu tư trực tiếp vào tôi với tư cách là một cây bút”.

Như vậy, Substack là một gợi ý tốt để khắc phục cuộc khủng hoảng báo chí hiện nay, giúp các nhà báo lấy lại niềm tin từ độc giả, cũng như có thể kiếm tiền từ những bài viết của mình.

Đến lúc này, những người nổi tiếng, những nhà báo, những cây bút xuất sắc hay các tổ chức báo chí đang hoạt động “tích cực” trên Facebook, TikTok, Twitter hay YouTube có thể sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta phải hạ thấp mình để làm không công hoặc với thù lao bèo bọt cho các MXH?

Hoàng Hải (theo Substack, TNS)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/substack-co-phai-la-mot-giai-phap-cho-bao-chi-khong-post246769.html