Sức bật từ triển khai đồng bộ các chính sách

BHG - Ngày 27.4.2022 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 25 chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, các địa phương chủ động bố trí đầy đủ trang thiết bị cần thiết để triển khai dự án, xây dựng chế độ chính sách phù hợp với từng địa phương. Phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình. Mặt khác, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát những công trình, dự án triển khai. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân tộc các cấp bảo đảm đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong tình hình mới, xây dựng cơ chế điều hành phù hợp gắn với vai trò của cơ quan làm công tác dân tộc nhằm triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG.

Người dân xã Xín Mần (Xín Mần) trồng củ cải xuất khẩu, nâng cao thu nhập.

Người dân xã Xín Mần (Xín Mần) trồng củ cải xuất khẩu, nâng cao thu nhập.

Với vai trò cơ quan Thường trực, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo để triển khai các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và các nhóm phụ trách. Cùng với đó, tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện từng dự án và tiểu dự án. Các cấp, các ngành thường xuyên công khai thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để phổ biến nội dung chế độ chính sách đến cơ sở. Qua đó, nhận thức của Nhân dân ngày càng được nâng lên, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tuân thủ pháp luật. Đội ngũ cán bộ thôn, người có uy tín phát huy cao vai trò, trách nhiệm tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục còn tồn tại trong đồng bào DTTS.

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách T.Ư thực hiện Chương trình MTQG cho các địa phương, hằng năm Ban Dân tộc tỉnh xây dựng phương án tham mưu với UBND tỉnh phân bổ vốn trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết giao kế hoạch vốn. Nhìn chung các cơ quan, địa phương triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách, chỉ đạo các địa phương triển khai kịp thời đồng bộ, khẩn trương phân bổ nguồn vốn T.Ư giao cho tỉnh, đồng thời bố trí đầy đủ nguồn vốn đối ứng của tỉnh đảm bảo tỷ lệ giao. Đối với nguồn vốn lồng ghép, tỉnh tập trung tuyên truyền đến Nhân dân, doanh nghiệp đóng góp sức người, sức của hòa chung vào nguồn vốn để thực hiện chương trình hiệu quả. Ban Dân tộc tỉnh tham mưu ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện các chương trình do T.Ư quy định cho cấp tỉnh ban hành. Đến nay, đã ban hành đầy đủ: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG; quy định về cơ chế lồng ghép các nguồn vốn; quy định về cơ chế huy động các nguồn lực khác thực hiện Chương trình MTQG. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các Chương trình MTQG, đề án, dự án, chính sách đầu tư, tín dụng, chính sách xã hội, hỗ trợ phát triển KT - XH đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Mô hình trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ).

Mô hình trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ).

Chương trình MTQG được triển khai trên địa bàn 2.063 thôn, tổ dân phố, qua đó đã tác động rất lớn đến phát triển KT - XH toàn tỉnh nói chung và đối với các xã khu vực III, khu vực II, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS nói riêng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm bình quân 5,99%; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm. Tỷ lệ 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 93% đồng bào DTTS được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt trên 99,7%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt trên 99,23%. Duy trì 100% cơ sở y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế... Giải quyết việc làm cho hơn 66 nghìn lao động, trong đó làm việc tại địa phương là gần 20 nghìn người, đi làm việc ngoài tỉnh hơn 46 nghìn người và xuất khẩu lao động hơn 400 người. Thông qua các hoạt động, đã từng bước tạo việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao thu nhập ổn định, góp phần thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Văn Long

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202410/suc-bat-tu-trien-khai-dong-bo-cac-chinh-sach-21e0299/