Sức ép suy giảm kinh tế của Trung Quốc có thể lớn hơn dự kiến

Tại Trung Quốc, chiến lược hoạch định chính sách kinh tế cân bằng giữa ổn định và phát triển trong quý IV/2021 và làm thế nào để ngăn chặn kiểm soát vĩ mô không hiệu quả là vấn đề đang được quan tâm.

Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu kinh tế quý III/2021 được Trung Quốc công bố ngày 18/10 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đã khiến thị trường cảm thấy bất an. Bên cạnh yếu tố dịch bệnh cùng sự đan xen của những sự kiện ngoài dự liệu như mưa lũ và giá năng lượng toàn cầu tăng vọt, những tác động tiêu cực của việc cắt giảm phát thải theo kiểu phong trào cũng bắt đầu thể hiện rõ.

Do đó, một kế hoạch hoạch định chính sách kinh tế cân bằng giữa ổn định và phát triển trong quý IV/2021 và làm thế nào để ngăn chặn kiểm soát vĩ mô không hiệu quả là vấn đề đang được quan tâm.

Tại Trung Quốc, các bộ ngành đều đã nỗ lực hết sức để ổn định kinh tế, nhưng họ dường như đang xem nhẹ những tác động của việc này đối với nền kinh tế thực.

Một chuyên gia không muốn tiết lộ danh tính đã nhấn mạnh trong một cuộc hội thảo nội bộ rằng: “Hiện nay là thời đại rủi ro cao và xóa bỏ rủi ro là điều không thực tế, vì vậy các chính sách vĩ mô nên tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ mức độ cao hơn. Đối với các mục tiêu trung và dài hạn, chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến rủi ro chiến lược và rủi ro dài hạn”.

Vẫn theo chuyên gia này, quản lý giám sát là điều cần thiết, nhưng nên sử dụng biện pháp quản lý giám sát như thế nào là điều đáng bàn. Kết quả mang lại từ những chính sách theo kiểu phong trào là sự bất ổn lớn hơn, vấn đề này được thể hiện đặc biệt rõ nét trong năm nay. Nguồn gốc của việc ổn định kỳ vọng thị trường vẫn là kỳ vọng về mặt chính sách phải ổn định.

Cắt giảm phát thải là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III/2021 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Chịu ảnh hưởng từ tình trạng thiếu điện sản xuất, dịch bệnh và mưa lũ…, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2021 của nước này với cùng kỳ đã rơi xuống dưới ngưỡng 5%, là mức thấp nhất trong bốn quý trở lại đây.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính và kinh tế Quốc hội Trung Quốc Hạ Khanh dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP trong quý IV/2021 của nước này thậm chí có thể giảm xuống dưới ngưỡng 4%, bởi động lực cơ bản của tăng trưởng kinh tế là tiêu dùng cư dân rất khó phục hồi. Năm 2022, tình hình có thể sẽ khó khăn hơn. Do đó, nếu không được kiểm soát tốt, lạm phát đình trệ có thể sẽ xuất hiện.

Cuối tháng 9/2021 vừa qua, diễn đàn 50 nhà quản lý tài sản Trung Quốc đã tổ chức hội nghị báo cáo chuyên đề “Tình hình kinh tế vĩ mô quý III/2021 và cảm nhận của các chủ thể vi mô”. Tại đó, các chủ thể vi mô tham gia hội nghị đã phản ánh rằng chính sách kiểm soát kép tiêu thụ năng lượng đã gây ra những ảnh hưởng tương đối lớn.

Ngành điện lực phản ánh áp lực thua lỗ rất lớn trên diện rộng, trong khi ngành xi măng và kim loại màu cũng phải “gánh” môi trường giá hàng hóa và chi phí tăng cao, ngành hóa dầu đối diện với thách thức nghiêm trọng và ngành vận tải biển không thể giao hàng do ảnh hưởng của việc thiếu điện.

Đồng thời, các chủ thể vi mô tham dự hội nghị cũng phản ánh sự suy giảm nhanh chóng của ngành bất động sản trong thời gian gần đây. Thị trường bất động sản đối diện với nhiều nhân tố rủi ro, trong đó có rủi ro tài chính ngành nghề và khu vực do một công ty đơn lẻ gây nên.

Sức ép suy giảm kinh tế có thể lớn hơn dự đoán

Mặc dù Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến các yếu tố như chuyển đổi cơ cấu, duy trì chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch liên tục tái xuất hiện, mưa lũ đột biến, môi trường bên ngoài tiềm ẩn nhiều bất ổn và giá năng lượng toàn cầu tăng cao, khoảng cách giữa Chỉ số giá sản xuất (PPI) và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tiếp tục mở rộng.

Chênh lệch giữa PPI và CPI tại Trung Quốc trong tháng Chín tăng lên đến 10 điểm phần trăm, cao nhất trong lịch sử. Điều này cho thấy những vấn đề mang tính kết cấu của kinh tế Trung Quốc là tương đối nổi cộm.

Các báo cáo cho rằng do ảnh hưởng của các nhân tố như thắt chặt kiểm soát bất động sản và kiểm soát kép tiêu thụ năng lượng, cán cân cung và cầu của nền kinh tế bị thu hẹp đồng thời. Mặc dù việc mở rộng tín dụng tiền tệ có tác dụng hỗ trợ nhất định đối với nhu cầu nội địa của Trung Quốc trong thời gian tới, xuất khẩu dự kiến sẽ suy giảm đáng kể. Với mức độ thu hẹp cung cầu lần này và những khó khăn trong việc mở rộng tín dụng, sức ép suy giảm kinh tế nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2022.

La Chí Hằng, Giám đốc bộ phận phân tích vĩ mô của Công ty chứng khoán Yuekai, cũng cho rằng lạm phát đình trệ (khái niệm chỉ lạm phát cao nhưng tăng trưởng kinh tế yếu) đến từ tác động cộng hưởng của nhu cầu suy yếu và cú sốc cung cầu, vừa có nhân tố khách quan, vừa có sự thúc đẩy của chính sách.

Sức sống và kỳ vọng của các chủ thể vi mô suy giảm, cư dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương có xu hướng né tránh rủi ro, khiến độ khó của việc ổn định kỳ vọng gia tăng. Xét từ góc độ vận động của chu kỳ kinh tế, sau lạm phát đình trệ sẽ là suy thoái.

Đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu, Giám đốc La Chí Hằng cho rằng cần triển khai kiểm soát kép tiêu thụ năng lượng một cách thực tế, tránh ngắn hạn hóa các mục tiêu trung và dài hạn. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần điều chỉnh cơ chế giá điện, tăng cường nguồn cung trong nước và nhập khẩu quốc tế đối với tham đá, tránh cú sốc thiếu điện đối với nền kinh tế.

Giám đốc La Chí Hằng nhấn mạnh rằng kết cấu năng lượng Trung Quốc đã quyết định việc thực hiện và trung hòa carbon là một quá trình tương đối dài, không thể đốt cháy giai đoạn, không thể ngắn hạn hóa các mục tiêu trung và dài hạn. Trong đó, việc hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia, đặc biệt là hiện đại hóa quản trị địa phương vẫn là một chặng đường dài phía trước.

Tác dụng của chính sách tài khóa tích cực không thể chỉ đáp ứng việc bình ổn biến động kinh tế, mà phải tập trung vào nâng cao nội lực phát triển, thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng và cải thiện năng suất nhân tố tổng hợp. Điều này đòi hỏi các chính sách tài khóa liên quan phải phòng ngừa rủi ro công hiệu quả để hạ thấp chi phí phát triển. Chỉ có như vậy, chính sách tài khóa tích cực mới có thể mang lại sự chắc chắn một cách hiệu quả, thúc đẩy việc xây dựng cục diện phát triển mới.

Chính sách cũng phải tính toán chi phí

Mặc dù Trung Quốc là quốc gia phục hồi đầu tiên trong dịch bệnh, và chính phủ, cũng như các chuyên gia, đều đưa ra những phân tích về số liệu kinh tế quý III/2021 thấp hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, đối diện với giai đoạn vượt chướng ngại vật của thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế, Trung Quốc muốn tìm sự cân bằng trong ổn định kinh tế và phát triển xã hội để thực hiện mục tiêu trung dài hạn thịnh vượng chung, thì trong các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, chính sách điều tiết xuyên chu kỳ cũng nên tính toán chi phí chính sách, đồng thời ngăn chặn sự bó hẹp của chính sách vĩ mô.

Một chuyên gia thuộc một cơ quan nghiên cứu thuộc Ủy ban cải cách và phát triển (NDRC) nhấn mạnh, Trung Quốc nên thực hiện một số hạch toán kinh tế. Chi phí cao có nhân tố bên ngoài, nhưng cũng có nhân tố mang tính thể chế, chẳng hạn như thị trường hóa ngành sản xuất, song lại không thị trường hóa các yếu tố liên quan, cải cách không toàn diện không đồng bộ, cải cách năng lượng, tài chính và đất đai không triệt để, chi phí thể chế rất cao.

Chuyên gia này cho rằng đã đến lúc Trung Quốc cải cách thể chế, trong đó việc cải cách và ban hành chính sách đều phải chú trọng đến chi tiết. Mặc dù tư duy chính sách lớn là đúng, nhưng triển khai thực hiện như thế nào là điều đáng bàn.

Hiện nay, thông thường là chính sách đúng đắn, nhưng lại bị cơ sở triển khai chệch hướng. Điều này có thể nhìn thấy từ các biện pháp quản lý giám sát tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường và trên nhiều lĩnh vực. Do đó, Trung Quốc cũng cần phải cụ thể hóa chính sách, chẳng hạn làm thế nào để thực hiện thịnh vượng chung?

Lấy việc giảm thuế hạ phí làm ví dụ, đây là biện pháp hiệu quả nhất để Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế thực. Tuy nhiên, rõ ràng không phải giảm càng nhiều càng tốt. Chính sách vĩ mô nên ổn định và điều tiết vận hành nền kinh tế dưới tiền đề không cản trở chức năng cơ bản của thị trường, tránh “làn sóng phá sản” quy mô lớn, chứ không phải khiến cho tất cả doanh nghiệp đều có cảm giác bình đẳng.

Dưới góc nhìn của Viện trưởng viện khoa học tài chính Trung Quốc Lưu Thượng Hy, giảm thuế hạ phí với tư cách là đòn bẩy quan trọng để đi sâu cải cách kết cấu trọng cung, cũng nên tuân thủ quy tắc đào thải của kinh tế thị trường.

Đã hướng đến cạnh tranh thị trường, thì chắc chắn sẽ có một số doanh nghiệp giành chiến thắng và một số doanh nghiệp bị đào thải. Nếu để cho các doanh nghiệp sắp bị đào thải hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong một thời gian dài, có thể sẽ đi ngược với cơ chế vận hành cạnh tranh thị trường để tồn tại, từ đó cản trở việc phát huy tác dụng mang tính quyết định của thị trường trong phân bổ nguồn lực.

Viện trưởng Lưu Thượng Hy nhấn mạnh cần triển khai đánh giá đối với chính sách giảm thuế hạ phí, không nên giảm nợ càng nhiều càng tốt và bao phủ càng rộng càng tốt, mà nên quan tâm đến tính chính xác và tính bền vững vĩ mô của chính sách, chú ý đánh giá toàn diện đối với hiệu quả chính sách từ phương diện vĩ mô, tổng thể và xuyên chu kỳ, không thể đưa ra kết luận dựa trên việc chỉ điều tra đối với một giai đoạn nhất định, ngành nghề nhất định.

Tại buổi họp báo sau khi công bố số liệu kinh tế quý III/2021, người phát ngôn Cục thống kê Trung Quốc nhấn mạnh sức bền và tiềm năng của nền kinh tế Trung Quốc là rất lớn, có khả năng và điều kiện để hoàn thành mục tiêu kinh tế của cả năm.

Tuy nhiên, trong quý IV/2021 nước rút, nên tính toán làm thế nào để ổn định kỳ vọng thị trường, song song với việc thực hiện tốt điều tiết xuyên chu kỳ, bên cạnh việc ngăn cản chính sách vĩ mô xuất hiện sự bó hẹp, từ đó triệt tiêu hiệu quả chính sách và làm tổn hại nền kinh tế./.

Thạch Bình (TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/suc-ep-suy-giam-kinh-te-cua-trung-quoc-co-the-lon-hon-du-kien/218152.html