Sức hút của mô hình cộng đồng học ngoại ngữ

Bốn buổi một tuần, Hoàng Quốc Thụy (sinh viên K7, chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) đều đặn "lên lớp". Nhưng lớp học Thụy tham gia này không giống như những lớp học truyền thống gắn liền với phấn trắng, bảng đen và những dãy bàn ngăn nắp mà em đang theo học. Thay vào đó là không gian học tập cộng đồng rất “mở”, đôi khi thực hiện ngay ở một góc sân trường tấp nập. Tại đó, các thành viên trao đổi, giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng Anh về một chủ đề nào đó thông qua hình ảnh, hành động. Thay cho việc ghi chép, học thiên về ngữ pháp, cấu trúc như ở trên lớp, tại đây, các thành viên được giao tiếp và tương tác bằng tiếng Anh nhiều hơn, chủ động và sáng tạo hơn. Đó là những lớp học cộng đồng của Câu lạc bộ English For You (CLB E4U) (tạm dịch: Tiếng Anh cho bạn) do Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thành lập từ tháng 9-2015.

Thành phần Ban chủ nhiệm CLB là những giảng viên trẻ, nhiệt huyết và luôn sáng tạo trong công việc. Ngoài ra, CLB E4U có hai trưởng nhóm, Hoàng Quốc Thụy phụ trách cơ sở của Trường ĐH Công nghiệp tại Hà Nội và một bạn khác phụ trách cơ sở ở tỉnh Hà Nam. Đội ngũ nòng cốt là các bạn sinh viên giỏi, tiêu biểu của một số khoa trong trường tham gia. Đến nay, CLB đã có gần 2.000 thành viên, trở thành CLB lớn nhất của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Mỗi thành viên Ban chủ nhiệm phụ trách một nhóm nhỏ khoảng từ 20 đến 25 thành viên. Tại Hà Nội, CLB duy trì đều đặn bốn buổi trong tuần, gồm ba buổi sáng và một buổi tối. Tại cơ sở ở tỉnh Hà Nam, CLB duy trì học tập cộng đồng tối thứ ba hằng tuần cho hơn 1.000 sinh viên năm thứ nhất. Tất cả các khung giờ học tập cộng đồng đều được nghiên cứu để phù hợp và thuận tiện cho các thành viên tham gia đầy đủ.

Thực tế cho thấy, cộng đồng học ngoại ngữ đã tạo nên một sự bổ sung cần thiết bên cạnh hình thức tổ chức dạy học trong môi trường lớp học truyền thống (lớp học đông, giáo viên nói, học sinh/sinh viên ghi chép), góp phần chuyển mạnh từ việc dạy học để biết ngoại ngữ sang hình thành các kỹ năng hiểu và sử dụng ngoại ngữ của người dạy, người học. Nhờ các lớp học này, học viên đã tự tin, chủ động hơn trong giao tiếp bằng ngoại ngữ, bớt tâm lý e ngại với môn học.

Nhưng để giữ chân được số thành viên đông đảo như vậy là điều không hề đơn giản. Hoàng Quốc Thụy cho biết, ban chủ nhiệm và đội ngũ các trưởng nhóm "vô cùng vất vả" khi đi vận động học tập. Tự ti với học ngoại ngữ, nhất là trong giao tiếp là tâm lý chung của phần lớn sinh viên. Vượt qua sức ỳ này là một thách thức lớn dành cho các thành viên CLB. Đã có những thời điểm hoạt động, CLB phải thay đổi định hướng học tập, thay vì ban chủ nhiệm soạn nội dung học tập thì nay chỉ định hướng còn đội ngũ nhóm trưởng và các thành viên sẽ bổ sung nội dung. Cách làm này được đánh giá có nhiều đổi mới và phù hợp thực tiễn, trong đó hội tụ đủ nội dung sinh viên cần và cả nội dung định hướng của giáo viên.

TS Hoàng Ngọc Tuệ, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận định: "Việc xây dựng và phát triển những mô hình cộng đồng học ngoại ngữ phải thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp đặc điểm của giảng viên, học sinh, sinh viên từng trường, từng ngành học. Không còn những bài giảng khô khan bởi học tiếng Anh theo mô hình cộng đồng đã giúp các em yêu thích hơn, bớt e ngại khi phải giao tiếp bằng ngoại ngữ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả học tập, nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên. Tôi nghĩ mô hình này cần được nhân rộng".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31753102-suc-hut-cua-mo-hinh-cong-dong-hoc-ngoai-ngu.html