Sức khỏe ông Trump và toan tính của Lầu Năm Góc
Việc Tổng thống Donald Trump và phu nhân bị mắc COVID-19 đang được cả thế giới chú ý. Ngoài những ảnh hưởng tốt - xấu tới cuộc bầu cử Mỹ, việc nguyên thủ cường quốc số 1 thế giới mắc bệnh dịch có thể nguy hại tới tính mạng đang kéo theo đồn đoán về những âm mưu, trong đó có cả khả năng quân đội Mỹ sẽ giành quyền điều hành đất nước.
Tổng thống Trump mắc Covid, ai lợi?
Một "quả bom" bầu cử đã phát nổ trong đêm 1-10 ở Hoa Kỳ: Tổng thống và cũng là ứng cử viên Donald Trump, cùng phu nhân Melania, đã dương tính với COVID-19, đúng 32 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Sự việc của ông Trump có thể vừa là tồi tệ nhất vừa là tin tốt nhất đối với Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, nếu xét theo góc độ cuộc bầu cử ngày 3-11 tới.
Tất nhiên, đối với một số người không ưa, ông Donald Trump dường như đang phải trả giá cho những sai lầm của chính mình. Theo một cuộc thăm dò của ABC/Ipsos được công bố vào giữa tháng 9, 65% dư luận Mỹ cho rằng cách quản lý của Tổng thống đối với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay có vấn đề. Một số người Mỹ còn cho rằng đây là "nghiệp chướng" hay "quả báo" của ông Trump sau nhiều ngày coi thường mức độ nguy hiểm của COVID-19.
Tuy nhiên, trong một cuộc bầu cử vốn vẫn chưa có gì mang tính quyết định, cần phải thận trọng "xem xét để biết ai được lợi từ sự việc này", Olivier Piton, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, tác giả của cuốn sách “Les Transgressifs au pouvoir” (NXB Éd. Plon, 2017), nhận định với Sputnik. Bởi vì, tùy theo mức độ bệnh tình của ông Trump mà hậu quả của việc này có thể hoàn toàn khác nhau.
“Hiện tại, Tổng thống và phu nhân đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Ông đã xuất viện. Họ ở lại Nhà Trắng trong thời gian hồi phục. Tôi hy vọng Tổng thống sẽ tiếp tục tại vị mà không bị gián đoạn”, Sean Conley, bác sĩ riêng của ông nói. Nhưng, không có gì đảm bảo rằng sức khỏe của ông Trump sẽ không xấu đi trong những ngày tới.
Luật sư Piton nhắc nhở rằng ông Donald Trump đã 74 tuổi, thừa cân và bị căng thẳng đáng kể do đang trong giai đoạn nước rút của chiến dịch tranh cử. Từng quen coi mình là trung tâm của sự chú ý tại các cuộc họp lớn, với hàng nghìn người tham dự cổ vũ ông như một ngôi sao, ông Trump sẽ không thể có được những điều này trong ít nhất 14 ngày. Một điều tối kỵ trong một giai đoạn tranh cử. Và hình ảnh của ông có thể bị ảnh hưởng, Olivier Piot khẳng định.
“Ông ấy đã luôn thể hiện là một người mạnh mẽ, ăn to nói lớn... Việc ông ấy ốm là một điểm yếu, một điểm xấu cho ông ta. Ông ấy không còn là biểu tượng của một người đàn ông quan trọng, nam tính và hiếu thắng như 24 giờ trước nữa. Suy cho cùng, phản xạ là tránh xa người bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem bản năng này của mọi người sẽ biểu hiện như thế nào trong kỳ bầu cử này”, luật sư Piot phân tích.
Đảng Dân chủ có tận dụng được cơ hội?
Trong cái rủi nhiều khi có cái may. Việc ông Trump mắc bệnh cũng có thể là tin tốt cho chiến dịch tranh cử của ông. Olivier Piton nói: “Những gì xảy ra với ông ấy có thể khơi dậy một làn sóng cảm thông, có thể có lợi cho ông ấy về mặt bầu cử”. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tối 3-10 đã gửi lời chúc sức khỏe đến vợ chồng Tổng thống Donald Trump sau khi họ dương tính với COVID-19. Trên Twitter, ông Biden viết: "Jill và tôi mong Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump nhanh chóng hồi phục. Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho sức khỏe và sự an toàn của ông cũng như gia đình".
Dòng tweet nói trên là bằng chứng chính thức về điều này. Và sự bộc phát cảm thông này có thể giáng một đòn mạnh vào chiến lược tranh cử của ông Joe Biden. “Một trong những khẩu hiệu tranh cử của ông Joe Biden là đánh vào kẻ xấu Trump. Bây giờ ông ấy bị ốm, rất khó để tấn công ông ấy vì điều đó sẽ bị coi là hành động rất xấu”, Olivier Piton phân tích.
Bệnh tật không phải lúc nào cũng bất lợi cho các chính trị gia. Lịch sử chính trị Mỹ cho thấy điều này qua các trường hợp của Ulysses S. Grant (1868), Theodore Rooosevelt (1901), Lyndon Johnson (1964)... Gần đây hơn, tại Brazil, ứng cử viên Jair Bolsonaro bị đâm dao trong khi vận động tranh cử, vẫn được bầu sau đó - mặc dù chỉ riêng vụ ám sát này không thể giải thích cho kết quả bầu cử của ông.
Các đảng viên Dân chủ cảm nhận được mối nguy hiểm này và nhiều người trên mạng xã hội đã đi xa đến mức tuyên bố rằng đây là một thủ thuật tranh cử, không phải là một thực tế. Bằng chứng là cuộc thăm dò trên Twitter gần đây, được đưa ra bởi một người ủng hộ ứng cử viên Biden, hỏi ý kiến của hơn 200.000 người dùng Twitter về tính xác thực của thông tin này. Kết quả đáng ngạc nhiên: 52,9% người được hỏi tin vợ chồng ông Trump mắc COVID-19, 47,1% còn lại cho đây là chiêu trò tranh cử.
Ý đồ của Lầu Năm Góc
Vào tháng 3-2020, ngay sau khi bùng phát đại dịch COVID-19, tạp chí Newsweek của Mỹ tiết lộ rằng lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc đã nhận được lệnh bí mật chuẩn bị đảm nhận "vai trò của chính phủ", nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 tạo ra các tình huống ngăn cản các cơ quan dân sự thực thi nhiệm vụ của họ và đảm bảo an ninh nội địa.
Theo tiết lộ của Newsweek, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 1-2 đã ký chỉ thị bí mật ra lệnh cho Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ (NORTHCOM) "chuẩn bị triển khai" để hỗ trợ "các nhiệm vụ bất thường tiềm năng" có thể gây ra đại dịch bằng cách vô hiệu hóa cơ quan hành pháp, Quốc hội và Tòa án Tối cao. Do đó, Lầu Năm Góc đã chuẩn bị các kế hoạch này cho nhiều kịch bản khác nhau, bao gồm cả khả năng Tổng thống Trump mắc COVID-19.
Các kế hoạch của Lầu Năm Góc cũng bao gồm việc sơ tán khẩn cấp Washington và chuyển giao quyền lực cho các quan chức cấp thấp hơn, được quân đội tập hợp tại các địa điểm bí mật, được kiểm dịch. Những kế hoạch này cũng bao gồm "khả năng về một số hình thức thiết quân luật" trong đó các chỉ huy quân sự sẽ được trao quyền hành pháp trên toàn nước Mỹ.
Các kế hoạch khẩn cấp “tuyệt mật” này mang mật danh Octagon, Freejack và Zodiac được Lầu Năm Góc thực hiện. Theo Newsweek, một trong những mục tiêu của các kế hoạch này là chuyển giao quyền lực cho quân đội và biện minh cho các hành động ngoài hiến pháp của họ.
Vào ngày 30-9, một ngày trước khi tin tức Tổng thống Trump dương tính với SARS-CoV-2 được công bố, nhật báo Washington Times đưa tin rằng sự ngờ vực giữa ông Trump và các tướng lĩnh Lầu Năm Góc đã lên đến mức chưa từng có, các nhà phân tích nhận định quan hệ hai bên càng đáng ngại khi ngày bầu cử đến gần.
Tờ nhật báo viết: “Khi Tổng thống Trump công khai tố cáo các quan chức quốc phòng trong quá khứ và hiện tại và coi họ là công cụ của tổ hợp công nghiệp - quân sự, các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đang phải cố gắng tránh xa vấn đề chính trị ngày càng khó khăn và để đảm bảo rằng họ không bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc xung đột bầu cử nào giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden".
Các chuyên gia nhận định, những diễn biến này dường như đã làm dấy lên căng thẳng và hoài nghi giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hiếm thấy trước đây. Ví dụ rõ ràng nhất, theo Washington Times, là mối quan hệ giữa ông Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, đặc biệt là sau một loạt các vụ đụng độ cấp cao về các vấn đề chính trị nóng bỏng như vai trò của quân đội trong việc kiểm soát tình trạng bất ổn dân sự. Jim Townsend, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách châu Âu và NATO dưới thời chính quyền Obama, cho biết: “Ông Esper có lẽ lo lắng về những gì Nhà Trắng có thể yêu cầu ông ta làm".
Theo các lời đồn ở Washington, Tổng thống Trump suýt nữa thì sa thải Mark Esper vì ông này đã công khai từ chối kế hoạch triển khai quân đội để dập tắt bạo loạn ở các thành phố của Mỹ vào mùa hè này. Nhưng, cuối cùng, ông Trump đã từ bỏ kế hoạch này và Mark Esper vẫn giữ được chức vụ, mặc dù có vẻ như Tổng thống sẽ chọn một nhà lãnh đạo mới cho Lầu Năm Góc nếu ông thắng cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Washington Times cho biết thêm: “Tương lai không chắc chắn của ông Mark Esper là một trong những yếu tố góp phần vào tình hình căng thẳng này. Một nguyên nhân khác là nỗi lo sợ ngày càng tăng của các quan chức quân đội về khả năng họ sẽ bị thao túng cho các mục đích bầu cử và thậm chí để dập tắt các cuộc biểu tình sau bầu cử". Trong số các mối bận tâm của các nhà chức trách Bộ Quốc phòng, quan trọng nhất là liệu ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ kiêm Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, có ra lệnh cho họ bước vào tình trạng bất ổn có thể xảy ra sau cuộc bầu cử tiếp theo hay không?
Theo The New York Times, hồi cuối tháng 9, ông Trump đã khiến các nhà chức trách Lầu Năm Góc không yên tâm và một lần nữa từ chối chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trong trường hợp thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ chấp nhận kết quả nếu cuộc bầu cử được tổ chức mà không có gian lận.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc hiện tại khẳng định họ không có ý định can thiệp vào chính trị. Tuy nhiên, một số cựu quan chức được Tổng thống Trump bổ nhiệm giờ đây đã trở thành những người chỉ trích ông gay gắt nhất. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có lẽ là ví dụ điển hình nhất. Tướng không quân về hưu Paul Selva, người được chính ông Trump bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Bộ Tham mưu Liên quân khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, là một trong số 500 quan chức an ninh quốc gia đã ký một lá thư gần đây ủng hộ ứng cử viên Joe Biden.
Bầu cử tổng thống Mỹ có bị hoãn?
Chỉ còn gần một tháng nữa, ngày quan trọng nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ đến (3-11). Việc đương kim Tổng thống và là ứng viên của đảng Cộng hòa mắc COVID-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc bỏ phiếu. Theo Đài ABC, chỉ Quốc hội Mỹ (gồm Thượng viện và Hạ viện) mới có thể thông qua một luật thay đổi ngày bầu cử. Hiện nay đảng Dân chủ đang nắm Hạ viện nên đây là khả năng khó xảy ra.
ABC cho biết trường hợp na ná như hiện nay từng xuất hiện hồi cuối tháng 7, khi ông Trump lên Twitter viết về việc hoãn bầu cử do đại dịch. Quốc hội Mỹ khi ấy, kể cả phe Cộng hòa, vốn thường đoàn kết ủng hộ ông Trump, cũng nói rõ đây là chuyện không thể.
Thực tế xét tới yếu tố luật pháp, luật ban hành năm 1948 đã nói rõ ngày bầu cử là "ngày Thứ ba gần nhất ngay sau ngày Thứ hai đầu tiên của tháng 11, trong mỗi 4 năm". Năm 2020 này, ngày Thứ hai đầu tiên của tháng 11 là ngày 2-11, nên thời gian bầu cử chính xác là ngày 3-11.
Thêm vào đó, kể cả khi ngày bầu cử bị hoãn thì thời gian tại vị của một Tổng thống Mỹ cũng đã được quy định rõ ràng trong hiến pháp nước này, cụ thể là thời gian tại nhiệm của tổng thống "sẽ chấm dứt vào giữa trưa 20-1". Điều này đồng nghĩa có hoãn bầu cử thì nước Mỹ cũng phải tìm cách giải quyết thật sớm để đúng thời gian chuyển giao quyền lực một cách tự nhiên.