Sức mạnh cảm hóa trên hành trình cải tạo, hoàn lương: Bài 3: Vị trung tá giáo dục phạm nhân bằng trách nhiệm, tình cảm chân thành

Để cảm hóa phạm nhân, không chỉ bằng chính sách nhân đạo nhân văn của Đảng và Nhà nước, không chỉ bằng xây dựng môi trường giáo dục của hệ thống trại tạm giam, mà còn bằng sự tận tình của từng quản giáo, cán bộ chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ quản lý phạm nhân.

Trung tá Chấn bồi hồi nhớ lại thời điểm đầu khi phụ trách Đội phạm nhân (Ảnh: Ngọc Nga)

Trung tá Chấn bồi hồi nhớ lại thời điểm đầu khi phụ trách Đội phạm nhân (Ảnh: Ngọc Nga)

Như với Trung tá Đinh Văn Chấn (Trưởng phân trại số 1, Trại giam Yên Hạ, đóng tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), luôn quan niệm công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là quản lý, giam giữ phạm nhân; mà nhiệm vụ quan trọng hơn đó là giáo dục, cảm hóa, làm thức tỉnh lương tâm, giúp phạm nhân tìm lại được những suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động tốt để họ sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Trung tá Chấn đã phải mất nhiều đêm để trăn trở, suy nghĩ để tìm ra được “lối thoát” cho từng phạm nhân. Mỗi một phạm nhân, mỗi một hoàn cảnh, anh đều xem như một “ca bệnh” để “bốc” những “bài thuốc” phù hợp.

Đánh thức lương tâm, giúp tìm lại những suy nghĩ tích cực

Trung tá Đinh Văn Chấn SN 1979 ở xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Gia đình có 3 anh em, anh là con cả trong nhà, bên dưới là hai cô em gái.

Năm 8 tuổi, anh theo cha mẹ về tiểu khu 4, thị trấn Phù Yên để thuận tiện cho công việc của cha anh nguyên là Phó Giám thị Trại giam Yên Hạ. “Ngay từ nhỏ, khi tôi thấy bố mặc quân phục đi làm tôi đã rất ngưỡng mộ. Sau đó lại được nghe cha tôi kể chuyện về nghề, tôi đã coi bố như thần tượng, là tấm gương sáng để học tập và noi theo. Ước mơ của tôi sau này lớn lên sẽ trở thành một chiến sỹ công an như bố”, Trung tá Chấn kể.

Tháng 3/1997, anh Chấn đi nghĩa vụ sau đó thi đỗ vào trường Trung cấp Cảnh sát. Năm 2001, anh ra trường và được tạo điều kiện về Trại giam Yên Hạ công tác.

Đội phạm nhân mà Trung tá Chấn quản lý thời điểm mới vào nghề có những phạm nhân phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, một số là “đại ca”, “đại bàng” ở ngoài xã hội, đã có nhiều tiền án tiền sự trước khi vào trại. Trung tá Chấn khi đó đã phải mất nhiều đêm để trăn trở, suy nghĩ tìm ra được “lối thoát” cho từng phạm nhân bằng cách nắm bắt hồ sơ, lý lịch phạm nhân cùng những kinh nghiệm mà anh học được từ người cha của mình.

Với những phạm nhân có hành vi quậy phá, chống đối, có thái độ bất cần do án dài, Trung tá Chấn có cách xử lý riêng. Anh cho biết với những phạm nhân này, người quản giáo phải luôn dành cho họ những lời khuyên chân tình, dùng tình người để cảm hóa, thu phục. Với những phạm nhân mặc cảm, ban đầu tiếp xúc rụt rè né tránh; thì cần phải gần gũi niềm nở, họ sẽ mở lòng chia sẻ; sau đó động viên, khích lệ họ để tạo cho họ một niềm tin giữa con người với con người; rồi cho họ động lực để yên tâm cải tạo tốt.

Theo Trung tá Chấn, công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là quản lý, giam giữ phạm nhân. Mà nhiệm vụ quan trọng hơn đó là giáo dục, cảm hóa, làm thức tỉnh lương tâm, giúp phạm nhân tìm lại được những suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động tốt để họ sớm được trở về với gia đình và xã hội.

“Để thắp sáng niềm tin cho các phạm nhân, khơi dậy trong họ cái thiện là một việc làm không hề đơn giản của nghề quản giáo, việc này đòi hỏi không chỉ có tinh thần trách nhiệm mà còn cả lòng nhân ái, bao dung. Bởi lẽ, chỉ có tình người mới có thể cảm hóa và đánh thức lòng lương thiện trong tâm mỗi phạm nhân, những người đã từng một thời lầm lỗi”, Trung tá Chấn đúc kết kinh nghiệm.

Coi bố là thần tượng nên từ nhỏ Trung tá Chấn đã thích được mặc sắc phục Công an Nhân dân.

Coi bố là thần tượng nên từ nhỏ Trung tá Chấn đã thích được mặc sắc phục Công an Nhân dân.

Linh hoạt các biện pháp quản lý, giáo dục khác nhau

Gần 30 năm trong nghề, theo Trung tá Chấn, tùy từng đối tượng mà các cán bộ sử dụng linh hoạt các biện pháp quản lý, giáo dục khác nhau. Có lúc cần phải cứng rắn răn đe, có lúc lại phải nhẹ nhàng khuyên bảo, hay phải thân tình chuyện trò khơi gợi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân, trên cơ sở đó thì mới đưa ra hướng giáo dục cải tạo tốt cho họ.

Giáo dục theo các quy định của luật pháp thôi chưa đủ, nhiều khi thứ mà phạm nhân cần lại là ân tình, là sự quan tâm, tin tưởng, khích lệ của cán bộ quản giáo. Bởi lẽ đó mà nhiều phạm nhân sau khi ra tù đã viết thư cảm ơn Trung tá Chấn đã giúp họ làm lại cuộc đời. Điển hình là một phạm nhân quê ở Sơn La từng chấp hành án vận chuyển trái phép chất ma túy.

Phạm nhân này là người dân tộc Thái, gia cảnh rất khó khăn nên mới phải đi vận chuyển trái phép chất ma túy để có tiền trang trải cuộc sống. Sau khi bị kết án 7 năm tù, gia đình không có điều kiện thăm nuôi nên phạm nhân này khi mới vào đã rất ương bướng và phá phách, không chịu cải tạo.

Nắm bắt hồ sơ và tư tưởng phạm nhân, Trung tá Chấn nhiều đêm phân tích diễn biến tâm lý phạm nhân này sau đó theo dõi sát tình hình, vừa kiên trì, gần gũi thuyết phục, động viên, nên phạm nhân đã ổn định tâm lý.

Chỉ sau vài tháng được cảm hóa, giáo dục, phạm nhân này đã chuyển đổi nhận thức và cải tạo tốt nên nhanh chóng được cán bộ xây dựng làm Đội trưởng đội phạm nhân.

Theo Trung tá Chấn, sau khi mãn hạn tù được một năm, người này mang 2 chai mật ong làm quà đi xe máy từ Sốp Cộp tới trại giam nói lời cảm ơn và “báo cáo” rằng bây giờ đã tu chí làm ăn, làm người lương thiện.

“Phía sau song sắt, mỗi người là một câu chuyện, người phạm tội do vô ý vô tình, người thì do nông cạn thiếu hiểu biết, người thì từng lưu manh xảo quyệt. Khi vào trại, có người thì sợ hãi, rụt rè, kẻ thì lại bất cần, chống đối. Vì vậy, CBCS trại giam không chỉ là người thầy truyền tải kiến thức, kĩ năng sống; mà còn là người bạn chia sẻ, lắng nghe”, Trung tá Chấn nói.

Bố vợ Trung tá Chấn cũng là nguyên Bệnh xá trưởng của Trại giam Yên Hạ, trong một lần vợ anh là chị Đinh Thị Nghĩa vào trong trại cùng cha thì anh tình cờ gặp và lưu luyến. Sau 5 năm theo đuổi cô giáo tiểu học, hai anh chị về chung một nhà và có hai người con trai thông minh, khỏe mạnh. Hiện tại, con trai anh Chấn cũng đang học tại Học viện Cảnh sát nhân dân (T02) Bộ Công an.

Sau nhiều năm công tác, Trung tá Chấn được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; 4 năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Tháng 12/2012, Trung tá Chấn nghỉ công tác quản giáo và nhận nhiệm vụ tại Tổ Giáo dục phạm nhân của Phân trại số 01. Năm 2013, do có nhiều thành tích nên anh được cân nhắc lên làm Phó trưởng Phân trại số 01 và lên Trưởng phân trại từ năm 2016 cho đến nay.

Nguyên Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/suc-manh-cam-hoa-tren-hanh-trinh-cai-tao-hoan-luong-bai-3-vi-trung-ta-giao-duc-pham-nhan-bang-trach-nhiem-tinh-cam-chan-tinh-post512338.html