Sức sống Chỉ thị 40 của Đảng về tín dụng chính sách

PTĐT - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Chỉ thị 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã thực sự phát huy hiệu quả. Không chỉ quy mô, chất lượng tín dụng đều tăng mà hơn thế, sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng được tăng cường và khẳng định.

Cán bộ ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.

Cán bộ ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.

Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện, theo đó, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, giúp Ngân hàng CSXH thực hiện tốt vai trò chủ thể. Từ huyện đến các xã, thị trấn đều quan tâm, tạo điều kiện cho ngân hàng CSXH trong việc bổ sung nguồn vốn, bố trí địa điểm, thời gian làm việc tại điểm giao dịch. Hiện mỗi xã, thị trấn đã bố trí 1 điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng vào một ngày cố định trong tháng.Đặc biệt, thực hiện chủ trương chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hàng năm, UBND tỉnh và các huyện, thành thị trên địa bàn đều dành một phần ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn. Từ đó, giúp Ngân hàng CSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, từ khi Chỉ thị được ban hành, đến nay, nguồn ngân sách địa phương chuyển sang ngân hàng CSXH gần 21 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh gần 14 tỷ đồng, ngân sách các huyện, thành, thị trên 7 tỷ đồng. Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ông Nguyễn Thanh Tĩnh-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh nhận định: Chỉ thị 40-CT/TƯ đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn tỉnh; tạo sức mạnh tổng hợp, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cán bộ và nhân dân. Quan điểm đột phá này của Đảng đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; tạo nên một luồng gió mới trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách là điểm tựa giúp cho nhiều hộ dân trong tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguồn vốn tín dụng chính sách là điểm tựa giúp cho nhiều hộ dân trong tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nguồn vốn, Ngân hàng CSXH đã chủ động tham mưu UBND các cấp trong việc kiện toàn hoạt động của Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện, đảm bảo đủ số lượng và đúng thành phần. Việc đưa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện, đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở trong việc chỉ đạo, quản lý ở tất cả các khâu từ bình xét, cho vay, sử dụng vốn đến thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, hoạt động tín dụng chính sách bám sát được các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đầu tư vốn một cách có hiệu quả.Bên cạnh đó, ngân hàng CSXH phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể trong quản lý vốn tín dụng chính sách; thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác; thay đổi phương pháp tập huấn, phân tích, đánh giá những khâu còn yếu để cán bộ làm ủy thác rút kinh nghiệm. Mặt khác, ngân hàng còn đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật cùng với giải ngân nguồn vốn vay, giúp hộ vay biết cách đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp.Đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt trên 4.060 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 4.045 tỷ đồng với trên 125.000 khách hàng còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 32,3 triệu đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ.Thanh Ba là một trong những địa phương đưa Chỉ thị 40 vào cuộc sống hiệu quả. Với 13 chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để bố trí đủ vốn cho các hộ có nhu cầu vay; phối hợp, triển khai rà soát, xác định đối tượng vay, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn thuận lợi. Do đó, các đối tượng trong diện thụ hưởng trên địa bàn được đáp ứng vốn kịp thời để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của đơn vị đạt gần 380 tỷ đồng, tổng dư nợ của 13 chương trình gần 340 tỷ đồng với trên 9.900 khách hàng còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn giảm, không phát sinh nợ quá hạn mới. Ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng chính sách huyện khẳng định: Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động tín dụng chính sách; việc kịp thời ban hành đồng bộ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã giúp, ngân hàng xây dựng, tổ chức thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đến thăm gia đình ông Trương Công Sự ở khu 2, xã Sơn Cương, trong căn nhà xây kiên cố, qua chia sẻ của ông, chúng tôi được biết, sau 5 năm được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và trồng rừng, gia đình ông đã có cuộc sống đủ đầy hơn; con cái học hành, có công ăn việc làm ổn định. Ông Sự phấn khởi nói: “Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và ngân hàng chính sách, những hộ nghèo như gia đình tôi có cơ hội vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tránh được tình trạng đi vay nặng lãi. Có vốn, các thành viên trong gia đình tôi đã cố gắng tập trung chăm sóc vật nuôi, cây trồng để không những bảo toàn được vốn, mà phải có lãi để tái đầu tư. Hiện nay gia đình đã đủ ăn và thoát nghèo”.Với mạng lưới phục vụ sâu rộng, kịp thời, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được phủ đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Kể từ ngày Chỉ thị ban hành, tín dụng chính sách đã giúp trên 209 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; gần 24 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; trên 10 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; gần 54 nghìn công trình nước sạch và 52 nghìn công trình vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; trên 2.500 hộ nghèo và đối tượng chính sách xây được nhà kiên cố... Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40 là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống người dân, tạo ra một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống. Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi nhận thức, hành động trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân; từ đó, tạo chuyển biến căn bản trên tất cả các mặt đời sống của người dân địa phương. Trao đổi về những nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Phạm Trường Giang-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho rằng, cần tiếp tục duy trì và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách; thường xuyên coi trọng công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT các cấp. Phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, tạo việc làm thông qua kênh hội, đoàn thể các cấp. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách từ tỉnh đến cơ sở, nhất là giám sát người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn. Hằng năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị; kịp thời khen thưởng động viên nhân tố tích cực, khắc phục những tồn tại để tổ chức thực hiện Chỉ thị tốt hơn cho những năm tiếp theo.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201908/suc-song-chi-thi-40-cua-dang-ve-tin-dung-chinh-sach-166233