Sức sống của một ca khúc Mặt trận

'Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta' chỉ vỏn vẹn 88 ca từ nhưng đã tóm lược được gần như tất cả các hoạt động của tổ chức Mặt trận. Giờ đây, sau hơn hai thập kỷ, ca khúc này lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Song, xung quanh câu chuyện khai sinh đứa con tinh thần, đến nay, ít người biết tới.

Trung tá Nguyễn Minh Lạc hồi tưởng lại lần hát ca khúc “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” 22 năm về trước. Ảnh: Điền Bắc.

Trung tá Nguyễn Minh Lạc hồi tưởng lại lần hát ca khúc “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” 22 năm về trước. Ảnh: Điền Bắc.

Ra đời năm 2002

“Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” của tác giả Quang Vượng là bài hát quen thuộc với những người làm công tác Mặt trận trong cả nước.

Vậy, cha đẻ của ca khúc này đang ở đâu, bài hát ra đời vào thời điểm nào, vì sao lại có sức sống, sự lan tỏa sâu, rộng đến vậy nhưng ít người biết tới? Đó là câu chuyện khiến chúng tôi tò mò. Sau một thời gian tìm hiểu, mới hay rằng, nhạc sĩ Quang Vượng, năm nay 82 tuổi đời, sinh sống tại TP Vinh chính là tác giả của bài hát này. Nhạc sĩ Quang Vượng nhớ lại: “Vào khoảng đầu năm 2002, một vị lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An có đặt vấn đề: “Anh Vượng nghiên cứu, sáng tác một ca khúc về hoạt động Mặt trận được không”.

“Trăn trở với lời đề nghị, cộng với việc tôi có hiểu biết về chức năng của Mặt trận và rồi bài hát ra đời trong hoàn cảnh đó. Tôi viết lời xong thì cùng đoàn đi tham quan Đồng Nai. Tại buổi giao lưu với đội ngũ cán bộ Mặt trận TP Biên Hòa, lần đầu tiên ca khúc này được cất thành tiếng hát. Vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Biên Hòa khi đó có đặt vấn đề mua lại bản quyền. Tôi nói, bây giờ nó mới ở dạng bản thảo và cũng không có ý định chuyển nhượng cho ai cả” - nhạc sĩ Quang Vượng nói.

Tiếp đó, bài hát “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta”, lần đầu tiên chính thức được biểu diễn trong chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam (18/11/2002) của tỉnh Nghệ An. Trung tá Nguyễn Minh Lạc - Đội trưởng Đội hát Đoàn văn công Quân khu IV 1998 - 2003 kể rằng: “Khi đó, tôi, vợ tôi (ca sĩ Lệ Thanh) và một số ca sĩ khác trong CLB âm nhạc TP Vinh trình diễn bài hát này. Tôi còn nhớ như in, lần đầu tiên hát một ca khúc viết về Mặt trận mà trong lòng vô cùng rạo rực. Tôi cảm nhận, chủ đề rõ ý, sâu sắc, thông qua lời bài hát đã động viên được mọi lực lượng chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển đất nước. Ai ai cũng thấy có gương mặt của mình trong đó. Ca khúc này giống như một lời hiệu triệu về tinh thần đoàn kết”.

Nhạc sĩ Quang Vượng rất tâm đắc với ca khu “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” do ông sáng tác.

Nhạc sĩ Quang Vượng rất tâm đắc với ca khu “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” do ông sáng tác.

Có sức sống và lan tỏa

Ông Hồ Hồng Tuyến - Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An cho biết: Vào năm 2002, khi đó ông đang giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn cơ quan nên nhớ rất rõ, ca khúc “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” của nhạc sĩ Quang Vượng đã được in trong Bản tin Mặt trận và sau này có tái in một số lần nữa. Ông Tuyến nói: “Về xứ Nghệ, giờ đây, hầu hết các hội đoàn từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh đều thuộc lời bài hát nói trên. Nó được trình diễn từ các chương trình văn nghệ của tổ dân phố, xóm làng, tới huyện, thị, thành phố và được ví như một tác phẩm âm nhạc thuộc dạng “Mặt trận ca””.

Từ sự khởi đầu suôn sẻ, sau khi bài hát “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” ra đời đã khích lệ tinh thần đối với nghệ sĩ Quang Vượng. Năm 2005, ông ghi âm cassette gửi cho Chủ tịch Phạm Thế Duyệt. Nhận được tác phẩm này, ngày 6/9/2005, ông Phạm Thế Duyệt đã gửi thư cho nhạc sĩ Quang Vượng với nội dung là sự cảm nhận: “Tôi rất cảm ơn Anh đã gửi cho tôi bài hát “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta”. Tôi không hiểu nhạc nhưng lời thì rất hay, Đảng, Bác, Nhân dân quyện lại thành sự nghiệp Đại đoàn kết và thắng lợi! Tôi sẽ cho anh em nghiên cứu sử dụng trong hệ thống MTTQ các cấp”.

Nhạc sĩ Quang Vượng tâm sự: “Khi viết ca khúc này, tôi nghĩ chỉ mang tính chất cổ động, không ngờ đứa con tinh thần của mình lại có sức sống mạnh mẽ, tạo được sự lan tỏa sâu, rộng đến vậy. Sự lan tỏa đó không chỉ dừng lại trong cộng đồng người dân xứ Nghệ. Tới nay, ca khúc “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” được nhiều đơn vị dàn dựng công phu, trình diễn ở những sự kiện chính trị quan trọng trên cả nước. Đó là niềm hạnh phúc vô cùng to lớn đối với cá nhân tôi”.

Song, nhạc sĩ Quang Vượng cũng có sự trăn trở. Theo ông, đa phần các nhóm nhạc, các hội đoàn khi dàn dựng đều ghi chính xác tên tác giả. Nhưng cũng có nhóm nhạc ghi tên tác giả chưa chính xác. Cụ thể như nhóm nhạc Lạc Việt đã đăng tải video bài hát này lên Youtube ngày 14/7/2019, ghi tên tác giả Trúc Phương là chưa chính xác. Nghệ sĩ Quang Vượng khẳng định: “Trúc Phương là ca sĩ thuộc Đoàn ca múa Nghệ An. Trúc Phương cùng Quế Thương là những ca sĩ đầu tiên hát bài “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” của tôi. Tôi cho rằng, nhóm nhạc ghi sai tên tác giả, chỉ là sự vô tình. Bởi với họ, nó không quan trọng, mình là tác giả mới thấy giá trị của tác phẩm”.

Tận hiến cho âm nhạc

Nhạc sĩ Quang Vượng dường như đã dành cả cuộc đời để sáng tác âm nhạc. Đến thời điểm hiện tại, ông viết tổng thể 193 bản nhạc, đang lưu hành rộng rãi. Trong số đó, nhiều bài ca có sức sống bền bỉ, in sâu trong tâm trí những người yêu thích. Chính vì vậy, bạn bè thường gọi ông là nhạc sĩ của tầng lớp lao động. Ông có nhiều cống hiến cho các phong trào công nhân, công đoàn. Theo ông tự đánh giá, đó là nơi ông được nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo từ buổi đầu làm người thợ. Đặc biệt, sau khi đi thực tập tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật quốc tế Sofia, Bulgaria trở về vào năm 1984, Quang Vượng càng thăng hoa hơn trong các sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Quang Vượng tự hào: “Tôi thường hay viết cho các tổ chức xã hội, trong đó, bài hát “Tổ ấm công đoàn”, “Niềm vui trên đồng cỏ”… sau khi ra đời vào năm 1966 đã nhanh chóng nổi tiếng. Bài “Niềm vui trên đồng cỏ” ngay lập tức đoạt giải A tại hội thi do Bộ Nông trường tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội cùng năm đó. Các tác phẩm âm nhạc của tôi còn sống được với thời gian chủ yếu là nhờ hữu xạ tự nhiên hương. Và ca khúc “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta” cũng là một trong số những tác phẩm được sử dụng rộng rãi mà tôi may mắn là người khai sinh ra nó”.

Kết thúc cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Quang Vượng nhắn nhủ với tôi rằng: Đối với ông, việc sáng tác âm nhạc chủ yếu là tinh thần tự nguyện, cảm xúc thăng hoa và trách nhiệm, không có ai đặt hàng cả. Nhiều bài hát do ông sáng tác còn sống mãi với thời gian, đó là sự cống hiến cho xã hội. Tác phẩm “Vinh quang Mặt trận tổ quốc ta”, đến nay đã ăn sâu vào tâm thức của những người làm công tác Mặt trận, trở thành bài hát được dàn dựng, trình diễn ở hầu khắp các sự kiện do Mặt trận tổ chức.

Nhạc sĩ Quang Vượng nói: “Tôi có một mong ước cuối cuộc đời, đó là được tổ chức Mặt trận ghi nhận, vinh danh để xác lập dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, tạc vào lịch sử”.

Nhạc sĩ Quang Vượng tên thật là Nguyễn Quang Vượng, sinh năm 1943, hiện sống tại xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An). Ông từng làm công nhân Nông trường Bãi Phủ, sau đó kinh qua nhiều vị trí công tác tại ngành văn hóa, tổ chức công đoàn. Đến năm 1990, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin TP Vinh và nghỉ hưu vào năm 2003. Ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, nhiều giải thưởng về âm nhạc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin...

NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suc-song-cua-mot-ca-khuc-mat-tran-10292240.html