Sức sống Trường Sa: Bài cuối - Ngôi nhà lớn trên Biển Đông
Nằm cách Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 254 hải lý, thị trấn Trường Sa được mọi người yêu mến gọi là 'Thủ đô' của quần đảo Trường Sa.
Thị trấn Trường Sa nói riêng, các đảo trên quần đảo Trường Sa nói chung là “ngôi nhà chung”, là chỗ dựa tin cậy để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
“Hậu phương” của ngư dân
Trạm xá trên đảo Trường Sa được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, giúp các bác sĩ có thể thực hiện được các ca phẫu thuật phức tạp. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Những ngày tháng 5 khi chúng tôi tới thăm Trường Sa, một số đảo có những ca cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân Lê Văn Tuyên (35 tuổi) được bác sĩ ở đảo Sinh Tồn chẩn đoán bị tai biến lặn. Những người cùng đánh cá đưa anh Tuyên vào đảo cấp cứu với triệu chứng đau mỏi cơ, khó thở.
Anh Tuyên cho biết: Ngoài việc tin tưởng, trông cậy lực lượng Hải quân hỗ trợ điều trị sức khỏe khi không may trái gió, trở trời, ngư dân còn được lãnh đạo các đảo hướng dẫn chấp hành, tuân thủ pháp luật trên biển, hỗ trợ thức ăn, nước uống trong những tình huống khó khăn.
Tại quần đảo Trường Sa, nước còn quý hơn vàng. Vào mùa khô, nắng chói chang suốt ngày nên nước ngọt càng khan hiếm, đặc biệt ở các đảo nhỏ và đảo chìm. Thế nhưng, ở tất cả các đảo, cán bộ, chiến sĩ đều dành nước ngọt, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho ngư dân. Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh cho biết: Cán bộ, chiến sĩ trên đảo làm tốt công tác dân vận, tiếp đón ngư dân vào đảo với tinh thần thân thiết, mến khách, ân cần, chu đáo.
Đảo thực sự là chỗ dựa cho ngư dân ra đánh bắt hải sản ở khu vực, giúp họ yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời nắm bắt những thông tin kịp thời trên thực địa do ngư dân cung cấp. 6 tháng đầu năm 2017, đảo đã xác nhận cho 23 lượt ngư dân ra đánh bắt hải sản; khám chữa bệnh, cấp, phát thuốc cho 31 lượt ngư dân; cấp nước ngọt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm khi ngư dân gặp khó khăn vào đảo.
Các y bác sĩ trên đảo đã cấp cứu cho nhiều ca bệnh nặng như viêm tụy cấp, viêm gan cấp, viêm ruột thừa cấp đã vỡ, nối gân tay… trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Công tác cứu hộ, cứu nạn cũng được thực hiện tốt tại tất cả các đảo. Khi có gió bão, tàu ngư dân chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, song trong một số điều kiện bất trắc, vẫn có những tàu mắc kẹt giữa những cơn bão lớn. Chủ tịch thị trấn Trường Sa Đỗ Thế Tuyến cho biết, trong năm 2016, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của thị trấn Trường Sa đã cứu hộ cho 4 tàu cá, trong đó có tàu đánh cá của Khánh Hòa bị chìm cách thị trấn 7 hải lý.
Dù sóng biển dữ dội nhưng đội cứu hộ, cứu nạn của thị trấn Trường Sa vẫn dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên, cứu sống 6 thuyền viên trên tàu cá của Khánh Hòa. Chỉ 6 phút sau khi ngư dân sang tàu cứu hộ an toàn, tàu đánh cá đã bị nhấn chìm.
Cuộc sống đời thường giữa biển
Dẫu nắng gió khắc nghiệt nhưng người lính biển nơi đây vẫn lạc quan, yêu đời. Tại đảo Nam Yết, các chiến sĩ cầu kỳ uốn những tán cây nhỏ thành bóng cây có hình trái tim. Đảo Phan Vinh rực rỡ màu hoa giấy. Ở bất kỳ đảo nào cũng có tủ sách Hồ Chí Minh.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trên đường đến lớp học. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Sau những giờ tập luyện sẵn sàng chiến đấu, các anh quây quần bên nhau, hát cho nhau nghe, chia sẻ những giấc mơ về ngày mai. Khi ấy sẽ vẫn có những người lính trẻ tiếp tục ở lại trong Quân đội nhưng cũng có những người sẽ rời quân ngũ, trở về xây dựng gia đình, xây dựng sự nghiệp riêng.
Khi chúng tôi tới Trường Sa, trẻ con ríu rít nói cười, đạp xe. Bé nào cũng chào chú, chào cô, chào bác. Thị trấn Trường Sa có hệ thống đường sá rộng lớn, những ngôi nhà khang trang của các cặp vợ chồng trẻ. Vợ chồng anh, chị Nguyễn Thành Hưng, Lê Thị Thu Hà cùng hai con gái Nguyễn Hoàng Liên Quân, Nguyễn Lê Thục Quân đón chúng tôi trong căn nhà ấm áp. Hai bé đều học tại thị trấn.
Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, các hộ dân ở đây tự trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản. Các hộ có bể chứa để tích trữ nước mưa làm nước ngọt. Một phần điện sinh hoạt do hệ thống pin năng lượng mặt trời và điện sức gió cung ứng.
Ngoài đảo Trường Sa, một số đảo khác như Phan Vinh, Nam Yết, Sơn Ca, nhà giàn DK1 đều có hệ thống điện sức gió và pin năng lượng mặt trời hoạt động khá hiệu quả, góp phần cung cấp điện năng, phục vụ sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo.
Sau 10 ngày lênh đênh trên tàu, tới thăm các đảo, các thành viên của đoàn công tác trở về với cuộc sống đời thường. Tạm biệt Trường Sa, các chiến sĩ Hải quân và đoàn công tác đã trao đổi số điện thoại, phương thức liên lạc. Họ hẹn sẽ gặp nhau ở đất liền, mong thêm một lần cùng thăm lại Trường Sa thiêng liêng, sâu lắng, một phần máu thịt của Tổ quốc.