Suối Cái lại 'nhiễm bệnh'!

PTĐT - Chỉ sau một thời gian rất ngắn không bị ô nhiễm, thì đến thời điểm này (bắt đầu từ tháng 2-2021) suối Cái, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn lại bắt đầu 'nhiễm bệnh' khi dòng nước liên tục chuyển mầu nâu đỏ, đục và ngầu bọt, khiến cho đời sống của người dân dọc suối bị ảnh hưởng...

Nước suối Cái ngầu bọt trắng (ảnh chụp ngày 11-5-2021)

Nước suối Cái ngầu bọt trắng (ảnh chụp ngày 11-5-2021)

>>> Suối Cái lại...hấp hối!>>> UBND huyện Thanh Sơn báo cáo Sở TN- MT đề nghị có biện pháp xử lý dứt điểmPTĐT - Chỉ sau một thời gian rất ngắn không bị ô nhiễm, thì đến thời điểm này (bắt đầu từ tháng 2-2021) suối Cái, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn lại bắt đầu "nhiễm bệnh" khi dòng nước liên tục chuyển mầu nâu đỏ, đục và ngầu bọt, khiến cho đời sống của người dân dọc suối bị ảnh hưởng...Lấp giếng đào, ăn nước nguồn!Nhớ lại thời dòng suối còn chưa bị ô nhiễm, ông Đinh Xuân Cương - người đã hơn 10 năm làm trưởng khu Soi Trại - nơi có dòng suối chảy qua, thông tin: Trước đây, người dân khu Soi Trại chúng tôi còn nuôi cả cá lồng và lấy nước suối để sinh hoạt. Nào thì tắm giặt, nước ăn, chăm tưới cây trồng, đánh bắt cá cải thiện đời sống. Nhưng mấy năm gần đây thì nước suối không sử dụng được vì bị ô nhiễm. Thậm chí hàng chục hộ dân gần suối đào giếng lấy nước ăn đành phải lấp bỏ, mua ống nước dẫn từ trên nguồn về dùng. Có nhà phải mua mấy trăm mét ống nhựa mới có nước sinh hoạt.

Ngày 11-5, trước thông tin suối Cái lại tiếp tục "nhiễm bệnh", trao đổi với phóng viên Báo Phú Thọ, ông Đinh Văn Năng - Chủ tịch UBND xã Yên Lương, Thanh Sơn cho biết: Lâu nay, suối Cái vẫn còn tình trạng nước có mầu đỏ, đục, có bọt... và diễn ra chủ yếu ở khu Soi Trại (khu đập tràn). Và hiện vẫn đang có tình trạng này.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Yên Lương, thì hiện tượng nước suối có mầu lạ vẫn diễn ra, nhưng không thường xuyên. Theo tìm hiểu của địa phương từ thông tin về các cuộc làm việc của nhiều cơ quan chức năng trong những năm qua, sở dĩ có tình trạng ô nhiễm kéo dài có nguyên nhân do nhà máy giấy Thuận Phát, xã Hào Lý, huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình - phía thượng nguồn (giáp Thanh Sơn) xả thải không đảm bảo ra nguồn nước nên gây đổi mầu nước và ô nhiễm kéo dài...Cũng theo ông Năng, các cơ quan liên quan của tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay cả huyện Thanh Sơn đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, giám sát. Thậm chí, có thời kỳ nhà máy giấy còn bị đình chỉ hoạt động, xử phạt do vi phạm các quy định về xả thải ra môi trường; người dân cũng nhiều lần có ý kiến về việc này nhưng đến nay câu chuyện ô nhiễm dòng suối Cái đâu lại... hoàn đấy!

Khu vực giao nhau giữa suối Cái và suối Quất 2 mầu nước khác hẳn nhau ( ảnh chụp ngày 11-5-2021)

Khu vực giao nhau giữa suối Cái và suối Quất 2 mầu nước khác hẳn nhau ( ảnh chụp ngày 11-5-2021)

Ô nhiễm từ thượng nguồn! Sau gần 1 tiếng vừa đi bộ, đi thuyền và lội suối, chúng tôi tiếp cận khu vực đầu nguồn suối Cái (giáp ranh giữa suối Cái và suối Quất). Chỉ tay xuống dòng nước bọt trắng nổi lều bều, nước thì có mầu nâu đỏ, ông Cương - Trưởng khu Soi Trại thông tin thêm: Trước suối này nhiều cá lắm nhưng từ khi bị ô nhiễm, nhiều loại cá ngon cứ hiếm dần. Từ tháng 2 đến nay không biết tại sao dòng suối lại liên tục ngầu bọt như thế này (?)! Do bị ô nhiễm nguồn nước nên hiện có tới 70-80 hộ dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dân kêu nhiều ở các cuộc họp... nhưng hình như mức độ ô nhiễm nguồn nước thì vẫn chưa được cải thiện!

Đứng tại thác Đái Bò, suối Quất nước xanh ngắt còn bên này suối Cái ngầu bọt, chảy về xuôi.

Do ô nhiễm nguồn nước, rất nhiều hộ dân ở khu Soi Trại đã phải đầu tư ống nước dẫn nước sạch từ khe núi về dung làm nước sinh hoạt

Do ô nhiễm nguồn nước, rất nhiều hộ dân ở khu Soi Trại đã phải đầu tư ống nước dẫn nước sạch từ khe núi về dung làm nước sinh hoạt

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Lập, Bí thư Chi bộ Soi Trại cho biết thêm: Tình trạng ô nhiễm suối Cái đã diễn ra nhiều năm nay, người dân rất bức xúc nhưng vẫn không được xử lý triệt để. Ngày mưa còn đỡ, ngày nắng nước bốc mùi rất khó chịu...Kiến nghị về việc này, Chủ tịch UBND xã Yên Lương nêu: UBND xã mong muốn các cấp, các ngành liên quan cần có động thái cương quyết với các đơn vị sản xuất ở phía thượng nguồn, can thiệp mạnh hơn để trả lại sự trong lành nguồn nước suối Cái, cho người dân địa phương an tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nhà máy giấy Thuận Phát ở đầu nguồn cần nghiêm túc tuân thủ các quy định về xả thải để đảm bảo không tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và phải được giám sát chặt quá trình xả thải để đảm bảo các tiêu chí khi xả thải ra môi trường!

Quốc Hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202105/suoi-cai-lai-nhiem-benh-176951