Suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao, 10 trẻ thì có 2 trẻ mắc
Hiện tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta còn cao, nếu không tích cực triển khai các biện pháp can thiệp cả trong bệnh viện và cộng đồng, chúng ta sẽ khó đạt mục tiêu đã đặt ra là giảm từ 18,2 % năm 2023 xuống dưới 15% vào năm 2030.
PGS.TS Trần Minh Điển – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhấn mạnh những thông tin này tại Hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 với chủ đề "Từ khoa học tới chính sách và thực tiễn" diễn ra ở Huế từ ngày 1-2/11 với sự tham dự của hàng trăm chuyên gia hàng đầu về nhi khoa.
Cứ 10 trẻ thì có 2 trẻ suy dinh dưỡng thấp còi
Trong phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, ở nước ta, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ giảm mạnh, tuy nhiên suy dinh dưỡng thể thấp còi tỷ lệ còn cao. Bình quân khoảng 10 trẻ có 2 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ này đặc biệt còn rất cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến trí tuệ, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam"- ông Tuấn nói.
Liên quan đến vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, trong tham luận tại hội nghị, TS.BS Phan Hữu Phúc, Tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng đến năm 2020, lần lượt có 19,6% và 14,8% trẻ em độ tuổi < 5 và 5-19 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Cùng đó, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đang chậm lại, ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015.
TS Phúc cũng cho biết thêm chiều cao người trưởng thành Việt Nam vẫn đang nằm trong 30% các quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới, trung bình nam giới chưa được 1.7m, còn nữ giới chưa đạt 1m6.
Theo TS Phan Hữu Phúc, chiều cao của người trưởng thành phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tầm vóc những năm đầu đời. "Một trẻ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi thì chiều cao về sau sẽ kém"- ông Phúc nói.
Cũng theo TS Phúc, thực tế vấn đề dinh dưỡng cộng đồng và trong bệnh viện, đặc biệt là điều trị nội trú 'còn nhiều vấn đề'.
Ông dẫn chứng: Hiện nay, mỗi bệnh viện có form sàng lọc đánh giá về dinh dưỡng khác nhau, chưa thống nhất bộ công cụ sàng lọc, đánh giá. Đánh giá chủ yếu tập trung nhiều về suy dinh dưỡng cấp tính, thường bỏ sót sàng lọc/can thiệp trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi; chưa chú trọng đến nguy cơ suy dinh dưỡng và can thiệp đối với những trẻ bị bệnh và đang có nguy cơ suy dinh dưỡng.
Để cải thiện vấn đề suy dinh dưỡng của trẻ cũng như nâng tầm vóc cho trẻ, các chuyên gia đều chú ý đến thực phẩm sẵn có ở địa phương. Tuy nhiên rất cần vai trò sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng để can thiệp kịp thời.
Cảnh báo việc tin theo mạng và hội nhóm để bổ sung dinh dưỡng
PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, trong thời gian qua, Hội Nhi khoa Việt Nam đã có đồng thuận về sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi.
"Chúng tôi đã có những họp bàn để cùng xây dựng một phiên bản thống nhất liên quan đến sàng lọc, đánh giá và quy trình can thiệp dinh dưỡng cho trẻ em khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Từ đó các bệnh viện có thể triển khai, áp dụng đồng thuận này, để mỗi một trẻ khi đến các bệnh viện nhi đều được sàng lọc, đánh giá nhằm đưa ra các can thiệp cá thể hóa mỗi trẻ về vấn đề dinh dưỡng"- PGS Điển nói.
Đánh giá về vai trò của bác sĩ lâm sàng nhi khoa với vấn đề dinh dưỡng của trẻ, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, các bác sĩ nhi khoa là những người tiếp cận với trẻ từ khi sinh ra cho đến khi qua 15 tuổi, giúp đỡ các em bé có được sức khỏe về thể chất và tinh thần, thăm khám và điều trị bệnh tật.
Bác sĩ nhi khoa không chỉ khám về tình trạng bệnh lý thường gặp như ho, sốt, tiêu chảy… mà còn thăm khám cả tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em.
Do suy dinh dưỡng có liên quan rất nhiều đến kết quả điều trị các bệnh lý cấp và mãn tính ở trẻ, trở thành vòng xoắn bệnh lý, gây các gánh nặng về sức khỏe, bệnh tật, tử vong, gánh nặng kinh tế, xã hội. Hiểu được điều này, các bác sĩ nhi khoa sẽ phải đảm bảo cả điều trị bệnh lý hiện có, cả phải can thiệp dinh dưỡng cho trẻ trong quá trình nằm viện, như vậy các bệnh nhi sẽ mau khỏi bệnh hơn.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, một trách nhiệm khác của các bác sĩ nhi khoa là phải tạo nhận thức tốt nhất về dinh dưỡng đúng, dinh dưỡng đầy đủ cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ, cả khi trẻ ốm cũng như khi bình thường, giúp hồi phục dinh dưỡng cho trẻ sau giai đoạn ốm, duy trì dinh dưỡng tại nhà để trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.
Do các phụ huynh, người chăm sóc trẻ lưu ý để có dinh dưỡng đúng, dinh dưỡng đầy đủ với trẻ nhỏ thì cần nghe theo tư vấn từ các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ dinh dưỡng để tránh tình trạng hội nhóm qua mạng rồi thúc đẩy nhau sử dụng hình thức nào đó không phù hợp, không đủ dinh dưỡng.
Hiện nay có bà mẹ đưa ra các chế độ ăn thức uống không phù hợp, khiến trẻ có dinh dưỡng không đầy đủ hoặc lại sử dụng quá mức gây thiếu dinh dưỡng hoặc gây béo phì.
Cần thiết sàng lọc, đánh giá, can thiệp dinh dưỡng cho trẻ cả trong cộng đồng và bệnh viện
Hội Nhi khoa Việt Nam đưa ra 6 khuyến nghị, kêu gọi các bệnh viện triển khai trên hệ thống, đồng thời để các thầy thuốc nhi khoa thực hiện và chung tay đẩy lùi suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Trong đó, người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú được sàng lọc yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng. Người bệnh nội trú được sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chẩn đoán - chỉ định điều trị dinh dưỡng trong 36 giờ tính từ thời điểm nhập viện và được ghi vào hồ sơ bệnh án. Sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng cần được duy trì trong suốt quá trình điều trị và trước khi xuất viện
Một trong những vấn đề nhấn mạnh của TS Phúc là kế hoạch can thiệp dinh dưỡng nội trú và ngoại trú cho trẻ suy dinh dưỡng phải phù hợp và đảm bảo đủ thời gian.
"Giải pháp can thiệp dinh dưỡng cần điều chỉnh từng bước, cân nhắc độ nặng của bệnh cảnh và tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Sau bước tư vấn dinh dưỡng, nếu trẻ vẫn chưa tăng trưởng theo chuẩn cần cân nhắc can thiệp bằng thực phẩm dinh dưỡng bổ sung đường uống"- TS Phúc nói và dẫn thêm thông tin lợi ích của dinh dưỡng bổ sung đường uống là thực phẩm dinh dưỡng y học giúp giảm 14,8% số ngày nằm viện và 9,7% chi phí y tế.
Còn Vụ trưởng Vụ Bà mẹ và Trẻ em Đinh Anh Tuấn nhấn mạnh việc cần phải tiếp tục đầu tư hơn nữa các hoạt động can thiệp dinh dưỡng ở cộng đồng như là truyền thông giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; phải theo dõi và quản lý chặt chẽ tình trạng phát triển của trẻ; cùng đó tăng cường chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt là 1.000 ngày đầu đời, đặc biệt là nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung thức ăn hợp lý…
Cùng đó, tăng cường kết nối liên tục theo vòng đời và liên tục từ gia đình đến cơ sở y tế và ngược lại, đồng thời bổ sung vi chất dinh dưỡng quan trọng cho trẻ.