Suy tư tháng sáu

Ảnh minh họa

Tháng sáu về bắt đầu bằng những cơn mưa ngoi Nam lách tách rơi trên mái ngói khi trời về sáng. Tháng sáu, tháng của bao suy tư, trăn trở chuyện đời, chuyện nghề của những người cầm bút.

Nhớ những ngày còn miệt mài chạy đua với các môn học của ngành Báo chí, tôi vẫn luôn mộng mơ lúc ra trường sẽ… mở một tiệm cà phê nho nhỏ với hoa, với cây và một không gian sách. Đơn giản, tôi chọn ngành Báo chí vì niềm vui viết lách hơn là vì những dấn thân, trải nghiệm với nghề mà đến tận sau này tôi mới hiểu. Cũng chính vì thế mà sau khi ra trường, tôi bắt đầu vào nghề báo bằng những vụng về của tuổi trẻ, bằng những lý thuyết rất tròn trịa trên giảng đường và bằng những hững hờ, nghi ngại về con đường mình đã chọn. Thế nhưng, như sự sắp đặt của số phận, những nhân vật đời thường qua từng bài viết, vô tình hay hữu ý, lại gắn kết tôi với nghề như đã định.

Đó là cụ già Tân nơi làng Phú Hội, dải đất trù phú đã từng đi vào ca dao với “khoai lang Suối Mít đậu phụng Hòn Dung/ Chàng đào thiếp mót bỏ chung một gùi”. Dù ngoài đời cụ chỉ là một lão nông bình thường, chân chất nhưng với tôi, tôi luôn dành sự kính trọng cho cụ - một con người đáng quý. Một con người mà trong bất cứ trang viết nào có liên quan đến làng quê nơi này tôi đều tìm đến. Và bằng những câu chuyện chân chất, bằng sự quan sát và yêu quý quê hương, cụ khơi nguồn cho tôi đi vào từng ngõ ngách của làng.

Đó là ánh mắt rất trong và làn da chắc như màu nắng, mái đầu hung vàng bắt nắng của những em bé ở xã vùng cao Phú Mỡ, nơi mà những trò chơi giải trí cho trẻ em còn quá xa lại. Ngoài giờ học, những đứa lớn hơn theo cha mẹ đi làm việc đồng còn tụi nhỏ hơn thì quanh quẩn chơi cát ở chân nhà sàn. Nơi mà trẻ con không được cha mẹ đưa đón đến trường. Giờ tan lớp, nắng chói chang, phía chân núi mây bay như khói, tụi nhỏ đi bộ tỏa về các làng. Đứa đội mũ, đứa đầu trần và thậm chí có đứa còn cất đôi dép nhựa trong cặp, dẫm những đôi chân nhỏ nhoi trên con đường buổi trưa chang chang nắng.

Đó là những mí già răng đen màu trầu thuốc, cổ đeo vòng kiềng bằng đồng sáng lóa ở làng Suối Mây. Sau ngày gùi củi bên những chân rẫy về nhà, lại ngồi bên liếp nhà sàn tự tay ủ những ché rượu cần men lá cho ngày cúng đổ đầu năm cũ.

Đôi khi đó chỉ là một người tôi chưa kịp biết tên biết tuổi, cần mẫn kết bè tre trôi xuôi về hạ lưu trên dòng sông Cái dưới chân cầu sắt La Hai thơ mộng. Là những dáng nhỏ xíu với bóng nón trắng in trên sóng cỏ dập dồn của những người cắt cỏ lác dưới bãi bồi như tranh thủy mặc. Họ cắt thoăn thoắt, chuyển lên những xe bò cũ kỹ kéo qua bãi cát dọc dòng sông Kỳ Lộ, để lại những vệt dài trên nền cát trắng. Đó là những người nông dân cần mẫn, miệt mài với lúa khoai để cho con thong dong bước vào giảng đường đại học. Bàn tay họ chai sạn nhưng nụ cười luôn thường trực. Họ thường đọc cho tôi nghe những câu thành ngữ gắn với thời tiết, vụ mùa “quạ kêu trời nắng, ó cắn trời mưa”, “cây rù rì ra lá, con cua đá đùn hang, con gà rừng gáy vang, là trời đã hết lụt”. Sự cần mẫn ruộng vườn cộng với những kinh nghiệm làm thước đo cho quá trình cấy cày trồng trọt đã cho ra bao nhiêu mùa cây xanh trái ngọt.

Những thân thương gắn kết tôi với nghề có khi chỉ là bàn tay của một vị bác sĩ đã nắm tay tôi trấn an trong lúc tinh thần hoản loạn trên bàn mổ. Chính sự động viên và đồng hành của người bác sĩ ấy đã cho tôi nghị lực và cảm giác an toàn, đủ để tôi vượt qua đau đớn của mình. Để sau này, cho dù gặp bất cứ sự việc gì, dẫu trong đời thường hay từng trang viết, tôi luôn nhớ về bàn tay trấn an rất chặt năm nào để sống chậm hơn, biết yêu thương hơn và có cái nhìn thấu đáo hơn.

Hơn 10 năm với nghề là hơn 10 năm miệt mài con chữ. Đôi lúc giữa vòng xoay công việc với những lo toan cận kề, tôi hay nghĩ về những yêu thương giản đơn mà trên đường đời đã gặp. Tôi soi mình vào ánh mắt trong veo ngơ ngác bóng mây bay như khói của những đứa trẻ nơi làng Đồng, làng Bè, làng Hội, để nhìn thấu hết những thiện lương và ước mơ thơ trẻ. Tôi sẽ còn về làng Phú Hội, nơi từng có cây xoài cổ thụ tỏa bóng xanh tốt một khoảng trời dẫu cụ già Tân, chứng nhân xưa của làng giờ đã là người “muôn năm cũ”. Và tôi luôn tin rằng, những câu chuyện về làng quê của cụ vẫn còn, để trong những cuộc hội hè đình đám, lại được truyền tai nhau qua bao thế hệ. Rồi tôi sẽ về thăm bà mí Suối Mây, sẽ đeo vòng kiềng đồng sáng lấp lánh và mặc những chiếc váy thổ cẩm để múa điệu arap trong lễ hội cúng Kủai plảy. Để tiếng leng keng của vòng tay hòa vào nhịp bước chân và cả tiếng cồng ba chinh năm vang vọng.

Tháng sáu, tháng suy tư nhiều hơn về nghề cầm bút. Những cơn mưa ngoi Nam vẫn thường rơi tí tách qua mái ngói của bao đêm về sáng. Rồi ngày mới lại bắt đầu, rồi tôi lại miệt mài với hành trình con chữ trên “đồng ruộng” của riêng mình. Tôi lại đi đến những nơi như đã định, để gặp gỡ những con người rất riêng trong bao cái chung thường nhật. Tôi sẽ viết về họ, về những dung dị đời thường, về những yêu thương và chia sẻ. Tôi viết về họ để biết rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cái đẹp và sự thiện lương luôn hiện hữu.

NGUYÊN HẬU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/222368/suy-tu-thang-sau.html