Suýt mất mạng vì ăn cua lạ
Trong thịt và vỏ của cua mặt quỷ có một lượng lớn chất kịch độc cho hệ thần kinh như Tetrodotoxin và Saxitoxin, có thể gây tử vong cho con người nếu không may ăn phải dù chỉ là liều cực thấp, chỉ khoảng 0,5 gam thịt cua.
Sáng 11.5, Bs.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: các bác sĩ vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân nguy kịch do ngộ độc cua lạ được chuyển đến từ Trung tâm Y tế (TTYT) Quân dân y Côn Đảo.
Trước đó, vào sáng 8.5, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận điện thoại từ TTYT Quân dân y Côn Đảo về việc chuẩn bị chuyển viện bệnh nhân Lê Văn M. (SN 1986, ngụ xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) bị ngộ độc cua lạ trong tình trạng nguy kịch, hôn mê. Anh này được chuyển về bằng đường hàng không, dự kiến sẽ hạ cánh vào lúc 12 giờ tại sân bay Cần Thơ.
Sau khi tiếp nhận thông tin, bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành thông báo các khoa có liên quan chuẩn bị cấp cứu bệnh nhân. Bệnh nhân được xe cấp cứu đón từ sân bay, chuyển thẳng đến bệnh viện, nhập viện vào khoảng 13 giờ cùng ngày trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê sâu, đồng tử 2 bên 4 mm, liệt tứ chi. Nhận định ban đầu là ngộ độc thức ăn vào giờ thứ 16, tiên lượng rất nặng.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đang làm việc tại Côn Đảo, sau khi ăn 2 càng cua lạ được 10 phút thì xuất hiện cảm giác tê đầu lưỡi, tê 2 tay lan xuống chân, khó thở, nên đã chủ động nôn thức ăn ra và đến ngay TTYT Quân dân y Côn Đảo cấp cứu. Sau đó bệnh nhân hôn mê và được xử trí đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, rửa dạ dày...
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định thở máy và được nhanh chóng chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị. Sau 2 giờ cấp cứu và điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ chống độc của bệnh viện, bệnh nhân bắt đầu có phản xạ đáp ứng kích thích và tỉnh táo dần dù vẫn còn suy hô hấp cần hỗ trợ thở máy.
Đến sáng 10.5, bệnh nhân đã ngưng thở máy, sinh tồn ổn định. Sáng 11.5, tình trạng bệnh nhân có tiến triển tốt, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, vận động tứ chi bình thường. Theo hình ảnh được chụp lại của người thân bệnh nhân, loài cua lạ mà bệnh nhân ăn có tên khoa học là Zosimus Aeneus (tên thường gọi là cua mặt quỷ).
Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo - Ảnh: Phong Phạm
Cua mặt quỷ thường sinh sống tại các rặng san hô từ khu vực Nam Phi đến đảo Hawaii. Tại Việt Nam, loài cua này thường được tìm thấy tại vùng biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc điểm dễ nhận diện nhất của loài cua này là màu sắc sặc sỡ, đặc trưng bằng các nốt nâu trên nền nhạt ở vỏ. Đặc biệt, trong thịt và vỏ của cua mặt quỷ có một lượng lớn chất kịch độc cho hệ thần kinh như Tetrodotoxin và Saxitoxin, có thể gây tử vong cho con người nếu không may ăn phải dù chỉ là liều cực thấp, chỉ khoảng 0,5 gam thịt cua.
Theo Bs.CK2 Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ): “Trong vỏ và thịt loài cua này đều có chứa độc tố thần kinh gồm Tetrodoxin và Saxitoxin. Cả 2 chất này đều được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa trong vòng 5-15 phút, nồng độ đỉnh đạt sau 20 phút và được thải hầu hết qua nước tiểu. Chỉ cần ăn phải 0,5 gam thịt loài cua này có thể khiến 1 người trưởng thành tử vong”.
Triệu chứng hay gặp nhất của ngộ độc cua mặt quỷ là các dấu hiệu của hệ thần kinh như tay chân tê cứng, tê lưỡi, buồn nôn. Người bị ngộ độc sẽ nhanh chóng tiến triển các triệu chứng toàn thân nặng dần, liệt cơ hô hấp gây suy hô hấp và tử vong. Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho độc tố Saxitonin trong cua mặt quỷ.
Cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc cua mặt quỷ là không ăn những loài cua lạ, không rõ độc tính. Trong trường hợp nghi ngờ đã ăn phải cua mặt quỷ, cần nhanh chóng gọi cấp cứu, đồng thời tìm mọi cách để nôn hết thức ăn vừa ăn ra ngoài.
Khi đến bệnh viện, người ngộ độc sẽ được uống than hoạt tính để hút hết chất độc còn sót lại trong đường ruột và có thể được xem xét rửa dạ dày. Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành điều trị nâng đỡ nếu người ngộ độc có các triệu chứng của hệ thần kinh và suy hô hấp.