Suýt nữa thế giới đã không có Wi-Fi

Thứ Hai tuần trước là ngày kỷ niệm 20 năm ra đời chuẩn Wi-Fi mà ngày nay giúp hàng tỉ thiết bị kết nối với mạng Internet. Ở nhà, lên cơ quan, ra quán cà phê, thậm chí lên một số chuyến bay, chúng ta đều xem là đương nhiên khả năng rút chiếc điện thoại di động thông minh ra, hỏi password để kết nối Wi-Fi và lướt web một cách dễ dàng.

Nhưng theo tờ Wired, suýt chút nữa chuẩn Wi-Fi không được ra đời và suýt chút nữa chúng ta đã phải dùng một chuẩn kết nối ở nhà, một chuẩn khác để kết nối ở cơ quan!

Wi-Fi chính thức ra mắt vào ngày 15-9-1999, không phải tại một buổi lễ hoành tráng gì cả. Chỉ có tám chuyên gia công nghệ giới thiệu chuẩn kết nối này cho một đám đông chừng 60 người tại trung tâm hội nghị Atlanta. Theo Wired, mùa hè năm đó công nghệ không dây vẫn như miền Tây hoang dã. Kết nối có dây trong các doanh nghiệp thì chuẩn Ethernet đã định hình, kết nối máy tính để bàn với mạng nội bộ, tốc độ lúc đó chỉ chừng 10 megabits/giây. Còn người dùng ở nhà, muốn gửi e-mail thì phải kết nối bằng modem, kêu kẽo kẹt một hồi rồi mới vào mạng với tốc độ nhanh nhất chỉ 56 Kb/giây. Riêng các sản phẩm không dây chủ yếu dùng cho doanh nghiệp thì kết nối bằng nhiều giải pháp khác nhau, tùy từng doanh nghiệp, đa phần nhanh chóng bị lỗi thời.

HomeRF là liên minh kết nối không dây lớn nhất lúc đó, chuẩn này do một nhóm các công ty công nghệ lớn phát triển, gồm Compaq, Hewlett-Packard, IBM, Intel và Microsoft. Song song đó, dân công nghệ ngồi lại bàn với nhau cần thống nhất một chuẩn kết nối không dây, gọi là IEEE 802.11 rồi đưa đặc điểm kỹ thuật này tích hợp vào các sản phẩm như con chip máy tính xách tay. Kết nối theo chuẩn này lúc đó chậm hơn kết nối bằng mạng có dây đến 5 lần; chi phí kết nối cũng cao hơn. Vì IEEE 802.11 còn nhiều điểm yếu kém, có vẻ như cộng đồng công nghệ muốn nghiêng về HomeRF, lúc đó đã có hơn 80 doanh nghiệp lớn ủng hộ. Khác với IEEE 802.11, sản phẩm dùng HomeRF có thể kết nối với nhau, chi phí thấp hơn, cái tên nghe cũng dễ chấp nhận hơn.

Đến lúc đó, thế hệ thứ nhì của chuẩn IEEE 802.11 ra đời; công ty 3Com, một doanh nghiệp hàng đầu trong kết nối mạng cho ra mắt các sản phẩm sử dụng chuẩn mới, tốc độ nhanh hơn, dự kiến sẽ đưa ra thị trường vào cuối năm 1999. 3Com cùng 5 doanh nghiệp hỗ trợ chuẩn IEEE 802.11b cùng thành lập một liên minh mới, đặt tên là WECA nhằm mục đích bảo đảm các sản phẩm dựa vào chuẩn này sẽ có những đặc điểm thống nhất để dễ dàng kết nối. Thoạt tiên họ chọn tên “FlankSpeed” nhưng sau đó đồng ý đăng ký bảo hộ cái tên “Wi-Fi”, một cách “ăn theo” chữ “hi-fi” quen thuộc của thời máy nghe nhạc stereo “chất lượng trung thực cao”. Họ cũng biên soạn các quy tắc để dựa vào đó sẽ cấp dấu “Wi-Fi Certified” cho sản phẩm đạt chuẩn. Khi Microsoft và Intel quay đầu theo phe Wi-Fi, hàng loạt doanh nghiệp lớn theo chân, chuẩn HomeRF chấm dứt sự tồn tại vào năm 2003.

Nay chúng ta đều biết Wi-Fi thắng thế nhưng vào lúc đó có rất nhiều khả năng HomeRF vẫn tồn tại như một chuẩn cạnh tranh. Cũng có thể những người đứng ra thành lập WECA lại muốn dùng chuẩn Wi-Fi cho doanh nghiệp mà thôi để khỏi đương đầu cạnh tranh với HomeRF và vẫn giữ nguyên cái tên FlankSpeed. Giả thử điều đó đã xảy ra, một người khi đi làm sẽ kết nối bằng FlankSpeed, khi về nhà sẽ kết nối bằng HomeRF, không lẽ mọi thiết bị sẽ phải tuân thủ cả hai chuẩn? Hay người ấy phải xài một máy tính xách tay ở sở làm và một máy tính xách tay khác khi về nhà? Thế còn khi ra quán cà phê hay ngồi ở một chốn công cộng như phòng chờ sân bay, không lẽ lúc đó sẽ có thêm một chuẩn thứ ba? Và các nhà sản xuất điện thoại, thấy phức tạp quá rất có thể không nghĩ đến chuyện kết nối không dây làm gì.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294512/suyt-nua-the-gioi-da-khong-co-wi-fi.html