T&T Group và đối tác Hàn Quốc khởi công dự án điện khí 2,3 tỷ USD tại Quảng Trị

Ngày 15/01/2022, Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) chính thức khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 1 - 1.500MW, với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2,3 tỷ USD).

Với sự chứng kiến của lãnh đạo một số Bộ, ngành TW, UBND tỉnh Quảng Trị và tổ hợp nhà đầu tư gồm: Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) chính thức khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 1 - 1.500MW, với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2,3 tỷ USD). Đây là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị hiện nay.

Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tại địa bàn xã Hải An và xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; do tổ hợp nhà đầu tư gồm: Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc: HANWHA - KOSPO - KOGAS làm chủ đầu tư.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS).

Với quy mô diện tích đất sử dụng hơn 120ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm Điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500MW. Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.

Theo ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, với việc áp dụng công nghệ tua bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao đang được sử dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trung tâm Điện khí Hải Lăng sau khi vận hành sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm; có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt đặt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết. Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.

Đánh giá về vai trò, tầm vóc của dự án, ông Võ Văn Hưng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh là công nghiệp năng lượng. Việc thực hiện dự án sẽ từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.
Với sự có mặt của tổ hợp nhà thầu Việt Nam - Hàn Quốc tại lễ khởi công này chứng tỏ, đây là dự án của liên kết - hội tụ và phát triển. Đặc biệt, trên địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các dự án lớn đang được mở ra, cùng với việc khởi công dự án năng lượng trọng điểm này, dự án xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đang được khởi động, khi Thủ tướng Chính phủ vừa có chủ trương cho đầu tư.
Đây là những dự án tạo tiền đề, cơ sở quan trọng để xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại và hiệu quả, có tầm cỡ trong khu vực Trung Bộ, quốc gia và khu vực ASEAN; là một cửa ngõ giao lưu quốc tế về phía biển Đông của Việt Nam.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc T&T Group cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Park Noh – Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, việc doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc cùng hợp tác đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Quảng Trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

“Đây là dự án đặc biệt vì là dự án đầu tiên được diễn ra trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây cũng là dự án đầu tiên trong khuôn khổ ứng phó biến đổi khí hậu nằm trong hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Do đó, chính phủ Hàn Quốc coi đây là một trong những chương trình dự án trọng điểm thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc” - ông Park Noh – Wan nhấn mạnh.

Thay mặt tổ hợp các nhà đầu tư, ông Shin Byung Chul - Phó Chủ tịch cấp cao Công ty cổ phần năng lượng Hanwha khẳng định: “Chúng tôi tin rằng phía tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc với rất nhiều kinh nghiệm sẽ chuyển giao kinh nghiệm cũng như chuyển giao công nghệ cho đối tác Việt Nam khi cùng triển khai dự án này tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc và Tập đoàn T&T sẽ là đơn vị dẫn đầu trên thế giới triển khai dự án LNG lớn tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chúng tôi xin phép thực hiện cam kết giữa nhà đầu tư Hàn Quốc và Tập đoàn T&T nhất trí là đi cùng nhau và cam kết triển khai dự án này theo đúng tiến độ”.

Ông Shin Byung Chul - Phó Chủ tịch cấp cao Công ty cổ phần năng lượng Hanwha thay mặt tổ hợp nhà đầu tư phát biểu.

Tại lễ khởi công, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) thực hiện đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp, tổng vốn đầu tư của dự án là 53.668 tỷ đồng, tương đương 2,32 tỷ đô-la Mỹ, trong đó vốn góp của Tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là 13.416 tỷ đồng; trong đó: Tập đoàn T&T Group góp 40%, mỗi nhà đầu tư: HANWHA, KOSPO, KOGAS góp 20%.

Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung giai đoạn 1 của dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy mô công suất 1.500 MW, tiến độ vận hành năm 2026 - 2027; các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Phối cảnh dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tỉnh Quảng Trị có quy mô 120 ha, với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, việc triển khai nhiều dự án điện khí LNG đã mở ra cơ hội lớn cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000 - 19.000 MW. Đồng thời, trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021 - 2025, tăng lên 6 đến 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Tập đoàn T&T Group là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, hoạt động trên 7 lĩnh vực gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Ở lĩnh vực năng lượng, T&T Group đã có sự chuẩn bị kỹ càng các nguồn lực trong suốt 10 năm qua, với mục tiêu đến năm 2030, dự kiến tổng công suất các nguồn điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) sẽ đạt khoảng 10.000 MW - 11.000 MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam. Trong đó, T&T Group đặt mục tiêu phát triển các tổ hợp điện khí LNG có công suất lên tới 6.000 MW tại nhiều địa phương trên cả nước.

Công ty Cổ phần Năng lượng HANWHA (HANWHA) là một doanh nghiệp năng lượng toàn diện thuộc Tập đoàn Hanwha - Top 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc và Top 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới. Hanwha Energy có danh mục đầu tư đa dạng gồm các nhà máy đồng phát, nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện pin nhiên liệu hydro lớn nhất thế giới. Hanwha Energy hiện có mặt tại nhiều quốc gia châu Á, châu Mỹ, châu Úc và châu Âu. Ngoài ra Hanwha Energy cũng là nhà sản xuất điện độc lập, cung cấp các dịch vụ vận hành và bảo trì, đồng thời đang phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng mới và các giải pháp quản lý năng lượng thông minh trên toàn cầu.

Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) là đơn vị điều hành nhà máy điện khí lớn nhất Hàn Quốc, với sản lượng điện cung ứng nội địa chiếm 9,1% tổng công suất tiêu thụ. Hiện KOSPO đang nỗ lực mở rộng hoạt động sản xuất năng lượng sạch bao gồm điện khí LNG và điện tái tạo; tổng công suất cung ứng trên 2.000 MW điện LNG, trên 7.000 MW điện tái tạo tại các quốc gia phát triển như Mỹ, UAEA, Qutar, Indonesia, Ấn Độ & Việt Nam.

Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) là doanh nghiệp vận hành cảng LNG và nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới và là đơn vị cung ứng khí gas tự nhiên hàng đầu của Hàn Quốc trong suốt 37 năm qua. KOGAS giữ kỷ lục về việc xây dựng bồn chứa LNG có dung tích chứa lớn nhất thế giới. KOGAS hiện đang tham gia vào các dự án E&P, nhà máy sản xuất LNG và khâu hạ nguồn phân phối khí tại một số nước trên thế giới như Canada, Úc, Indonesia, Qatar & các nước châu Phi.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tt-group-va-doi-tac-han-quoc-khoi-cong-du-an-dien-khi-23-ty-usd-tai-quang-tri-post177448.html