Tác động của thỏa thuận điều chỉnh biên giới biển Ai Cập - Saudi Arabia
Tuần báo The Arab Weekly số ra mới đây đăng bài viết nhận định Ai Cập và Saudi Arabia đang nỗ lực tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, sau khi Cairo ký thỏa thuận điều chỉnh biên giới biển gây tranh cãi với Riyadh, theo đó Ai Cập sẽ chuyển giao 2 hòn đảo Tiran và Sanafir ở phía Nam vịnh Aqaba trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia.
Khởi đầu cho một liên minh Ai Cập - Saudi Arabia?
Thỏa thuận phân định biên giới biển đã được Quốc hội Ai Cập chính thức thông qua ngày 14-6 vừa qua và được Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi phê chuẩn 10 ngày sau đó. Văn kiện này được chính phủ 2 nước ký hồi tháng 4-2016 nhân chuyến thăm Cairo của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud. Chính phủ Ai Cập khẳng định 2 hòn đảo Tiran và Sanafir thuộc chủ quyền của Saudi Arabia, và do Ai Cập kiểm soát vì Riyadh đã đề nghị Cairo bảo vệ chúng trong những năm 50 của thế kỷ trước.
Nằm ở cửa ngõ Vịnh Aqaba giữa bán đảo Sinai của Ai Cập và khu vực phía Tây Saudi Arabia, 2 đảo trên có vị trí quan trọng trong việc kiểm soát toàn bộ vịnh này, đồng thời là lối ra Biển Đỏ duy nhất của Israel và Jordan. Giới quan sát cho rằng việc trao trả 2 đảo cho Saudi Arabia sẽ đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy quan hệ vốn đã “nguội lạnh” trong những tháng gần đây giữa Cairo và Riyadh. Giáo sư chính trị học Tarek Fahmy thuộc Đại học Cairo nhận định “cánh cửa đang mở rộng” cho sự hợp tác sâu rộng giữa 2 nước ở tất cả các cấp độ.
Saudi Arabia đang thực hiện chương trình phát triển đầy tham vọng “Tầm nhìn Kinh tế 2030”, do đó quốc gia này coi 2 đảo trên là bộ phận không thể thiếu trong kế hoạch cải tổ kinh tế quy mô lớn này. Một trong những trọng tâm của kế hoạch là dự án xây dựng một cây cầu qua Biển Đỏ nối 2 bán đảo ở Vịnh Aqaba là bán đảo Sinai của Ai Cập với vùng đất phía Tây của Saudi Arabia. Với kinh phí lên tới 4 tỷ USD, tuyến đường được xây dựng gần khu vực 2 đảo Tiran và Sanafir sẽ giúp giảm đáng kể thời gian đi lại giữa bán đảo Sinai và miền Tây Saudi Arabia. Cây cầu sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa 2 nước. Ai Cập ước tính giá trị trao đổi hàng hóa được vận chuyển qua con đường này có thể lên tới 15 tỷ USD/năm. Ngoài ra, tuyến giao thông đường sắt và đường bộ này cũng sẽ cho phép Saudi Arabia tiếp cận nhiều hơn các thị trường ở khắp châu Phi.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, yếu tố khiến Tổng thống El-Sisi hết sức nhiệt tình với thỏa thuận điều chỉnh biên giới biển giữa Cairo và Riyadh có thể là những dự báo về trữ lượng tài nguyên khoáng sản khổng lồ ở ngoài khơi Biển Đỏ của Ai Cập. Ông El-Sisi cho rằng Ai Cập khó có thể thăm dò được các nguồn khoáng sản tại khu vực ngoài khơi Biển Đỏ cho tới khi các đường biên giới trên biển giữa nước này và Saudi Arabia được xác định rõ ràng.
Năm 2015, Ai Cập cũng đã ký thỏa thuận phân chia ranh giới trên biển với Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus. Một năm sau, tập đoàn năng lượng ENI của Italy hoạt động nhượng quyền thăm dò tại một khu vực ngoài khơi Địa Trung Hải của Ai Cập thông báo phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất tại khu vực này. Theo Bộ Dầu mỏ Ai Cập, mỏ khí có trữ lượng lên tới 850 tỷ m3, có khả năng đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của Ai Cập trong nhiều thập kỷ tới.
Bên cạnh mối quan hệ về kinh tế, Ai Cập và Saudi Arabia cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ chính trị song phương, trong bối cảnh 2 nước đang phối hợp hành động trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar. Theo giới phân tích, một liên minh giữa Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và hầu hết thế giới Hồi giáo là những nhân tố không thể thiếu được, nếu người Arab muốn đẩy lùi ảnh hưởng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi nước họ.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Ai Cập Mustafa al-Fiqi nêu rõ cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng Qatar như một cửa ngõ để tiến vào khu vực, đồng thời ủng hộ Doha để đạt được “giấc mơ” thống trị Trung Đông. Đây là lý do tại sao một liên minh do Ai Cập và Saudi Arabia dẫn đầu là cần thiết nếu không muốn khu vực này rơi vào tay người Ba Tư và người Ottoman.
Israel - Ngư ông đắc lợi?
Đánh giá về những tác động của việc Ai Cập trao trả 2 hòn đảo cho Saudi Arabia đối với tình hình khu vực, nhiều ý kiến cho rằng Israel sẽ được hưởng lợi nhờ thỏa thuận này. Hai hòn đảo không có người ở Tiran và Sanafir nằm trên Vịnh Aqaba giữa Ai Cập và Saudi Arabia chính là cửa ngõ ra vào duy nhất của cảng Eilat ở miền Nam Israel và là tuyến đường thương mại quan trọng ở Biển Đỏ.
Các tàu ra vào cảng Eilat của Israel đều phải tuân thủ Hiệp ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập được ký năm 1979. Giờ đây, trên thực tế Saudi Arabia sẽ trở thành quốc gia chịu trách nhiệm thực thi các điều khoản của Hiệp ước liên quan tới hoạt động giao thông vận tải của Israel tại eo biển Tiran. Không giống như Cairo, Riyadh chưa bao giờ ký bất kỳ một thỏa thuận hòa bình nào với Israel và không có quan hệ ngoại giao với nước này ít nhất là về mặt công khai. Theo truyền thống, cả hai bên đều coi nhau là kẻ thù trong khu vực.
Tuy nhiên, sự thù hận này xem ra đã lỗi thời và Israel có lẽ sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc chuyển nhượng 2 hòn đảo trên Biển Đỏ, từ việc bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia, cho tới khả năng thành lập một mặt trận ngoại giao và quân sự với các nước Arab để chống lại một “kẻ thù chung” là Iran.
Theo giới phân tích, hầu hết các nước Arab giờ đây tập trung vào Iran chứ không phải vấn đề Palestine, vốn đang bị coi là một trở ngại đối với chiến lược khu vực của các nước Arab. Như vậy, chính quyền Tel Aviv có thể ủng hộ thỏa thuận giữa Ai Cập và Saudi Arabia để đổi lấy sự hậu thuẫn của khu vực đối với vấn đề Palestine.