Tác động từ việc Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới New START
Ngày 21/2, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Động thái này được cho là đã đưa mối quan hệ của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Động thái đầy bất ngờ của Nga
Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Mỹ.
“Phương Tây muốn gây thất bại chiến lược cho chúng tôi và đòi len lỏi vào các cơ sở hạt nhân của chúng tôi. Về vấn đề này, hôm nay, tôi buộc phải tuyên bố rằng Nga sẽ tạm ngừng tham gia hiệp ước vũ khí tấn công chiến lược”, ông Putin tuyên bố.
Song bất chấp quyết định đình chỉ tham gia New START, Bộ Ngoại giao Nga sau đó cho biết Moskva vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế do hiệp ước này quy định về số lượng đầu đạn mà nước này có thể triển khai. Bộ này cho biết những quyết định trên được đưa ra nhằm “duy trì mức độ vừa đủ về khả năng dự đoán và sự ổn định trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân”.
Đáng chú ý, trong Thông điệp Liên bang lần này, Tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom nên “sẵn sàng thực hiện các vụ thử hạt nhân nếu cần thiết”.
Các nguồn tin của TASS cho biết trước yêu cầu của Tổng thống Putin, Bộ Quốc phòng Nga và Rosatom có thể sẽ thực hiện nhiệm vụ này tại bãi thử hạt nhân Novaya Zemlya - vốn đang trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Bãi thử hạt nhân Novaya Zemlya hiện do Tổng cục 12 của Bộ Quốc phòng Nga quản lý. Trong thời gian từ năm 1955 đến 1990, Novaya Zemlya là nơi Quân đội Liên Xô thực hiện 130 vụ thử hạt nhân, trong đó có 88 thử nghiệm trên không, ba cuộc thử nghiệm dưới nước và 39 thử nghiệm trong lòng đất.
Hiệp ước New START là gì?
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Năm 2010, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev đã ký kết New START – hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Washington và Nga có thể triển khai. Nga và Mỹ hiện nay vẫn sở hữu khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của toàn thế giới.
Theo thỏa thuận, Moskva và Washington cam kết triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và tối đa 700 tên lửa tầm xa và máy bay ném bom.
Hiệp ước này cũng quy định việc giám sát chung kho vũ khí hạt nhân được triển khai của mỗi bên, cũng như điều phối thông qua một ủy ban tư vấn song phương. Theo đó, mỗi bên có thể tiến hành tới 18 cuộc thanh sát các địa điểm vũ khí hạt nhân chiến lược mỗi năm để đảm bảo bên kia không vi phạm các giới hạn của hiệp ước.
Hiệp ước có hiệu lực từ năm 2011. Đầu năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước New START thêm 5 năm, tới năm 2026.
Tuy nhiên, tháng 3/2020, các cuộc thanh sát theo thỏa thuận trong New START đã phải tạm dừng vì đại dịch COVID-19. Các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington về việc nối lại các cuộc thanh sát dự kiến diễn ra vào tháng 11/2022 tại Ai Cập, nhưng đã bị Nga hoãn lại. Điện Kremlin cho biết họ không thể đàm phán trong trường hợp Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga. Cho đến nay, chưa có bên nào ấn định thời điểm đàm phán mới..
Tác động từ việc Nga đình chỉ Hiệp ước New START
Mặc dù Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế của New START, nhưng việc đình chỉ hiệp ước này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ khó giám sát việc tuân thủ hiệp ước hơn.
Cụ thể, việc đình chỉ New START về mặt lý thuyết sẽ cho phép Nga chấm dứt tuân thủ các giới hạn về vũ khí hạt nhân được triển khai và cũng sẽ ngừng các cuộc họp của Ủy ban tư vấn song phương -cơ quan giám sát thực thi hiệp ước này. Các chuyên gia cho rằng nếu Tổng thống Putin có những động thái quyết liệt hơn, ngừng báo cáo và trao đổi dữ liệu thường lệ về các hoạt động vũ khí hạt nhân và các diễn biến liên quan khác, đây sẽ là đòn giáng nghiêm trọng hơn nữa.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, ông John Erath, Giám đốc chính sách cấp cao của Trung tâm Kiểm soát vũ trang và không phổ biến vũ khí hạt nhân có trụ sở tại Washington, nhận định động thái đình chỉ Hiệp ước New START của Nga “hoàn toàn mang tính biểu tượng”. Thực chất, việc kiểm tra nhằm đảm bảo sự tuân thủ hiệp ước này đã không được tiến hành từ nhiều năm qua.
Ông tin rằng Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố này để gây áp lực lên người đồng cấp phía Mỹ Biden về cách tiếp cận Nga trong vấn đề chấm dứt xung đột, để Nga có thể đưa ra các điều khoản nếu điều đó xảy ra.
Ông Andrey Baklitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình vũ khí chiến lược khác tại Viện Nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, cho rằng việc đình chỉ hiệp ước New START là “vấn đề nghiêm trọng”.
“Việc Nga đình chỉ hiệp ước New START không đồng nghĩa với việc nước này rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó có thể trở thành hiện thực theo thời gian”, ông lập luận.
Theo nhà nghiên cứu Baklitskiy, hiện tại, Nga có thể vẫn tuân thủ các hạn chế của New START, nhưng Mỹ sẽ khó giám sát quá trình tuân thủ hơn, nếu chỉ sử dụng các phương tiện kỹ thuật quốc gia. Ông cho rằng Mỹ cũng sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của nước này trong hiệp ước .
Ông Baklitskiy nhận định: “Song điều may mắn là quyết định của Nga mang tính chính trị và có thể dễ dàng đảo ngược nếu quan hệ chính trị tổng thể thay đổi. Ngoài ra, vì hiệp ước vẫn tồn tại, nên quay trở lại thực thi sẽ rất đơn giản. Tất nhiên, vấn đề là không có sự thay đổi nào trong quan hệ chính trị trước mắt”, ông nói thêm.
Quyết định có thể đảo ngược?
Không chỉ ông Baklitskiy, nhiều chuyên gia khác cũng nhận định Nga có thể đảo ngược quyết định đình chỉ tham gia New START.
Hãng Interfax ngày 22/2 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: “Quyết định đình chỉ START có thể đảo ngược. Song để điều đó diễn ra, Mỹ phải thể hiện ý chí chính trị, nỗ lực hết sức vì mục đích giảm leo thang căng thẳng chung và tạo điều kiện nối lại việc thực thi đầy đủ nội dung của hiệp ước”.
Theo bộ này, New START có tiềm năng đóng góp vào việc củng cố an ninh quốc tế và ổn định chiến lược. Tuy nhiên, tiềm năng đó chỉ mở ra khi hai bên cùng thực hiện hiệp ước một cách cân xứng, bình đẳng và triệt để.
Nga cũng khẳng định họ sẽ theo dõi chặt chẽ các bước đi tiếp theo của Mỹ và đồng minh, nhất là trong lĩnh vực vũ khí tấn công chiến lược, để có kế sách hành động phù hợp.
Phản ứng của Mỹ và phương Tây
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo động thái của Nga có thể đánh dấu sự kết thúc của cấu trúc kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh Lạnh.
“Tôi lấy làm tiếc về quyết định hôm nay của Nga”, ông Stoltenberg nói tại cuộc họp báo với người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 21/2. “Trong những năm qua, Nga đã vi phạm và từ bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng. Với quyết định về New START, toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí đã bị phá bỏ”.
Tổng thư ký NATO kêu gọi Nga xem xét lại quyết định này, bởi đây là”hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng mà chúng ta có”.
Còn ông Borrell lên tiếng cảnh báo quyết định của Tổng thống tiềm ẩn mối đe dọa. Ông nói: “Việc Nga đình chỉ hiệp ước New START là bằng chứng nữa cho thấy những gì Moskva đang làm chỉ là phá hủy hệ thống an ninh được xây dựng hậu Chiến tranh Lạnh. Một thế giới có nhiều vũ khí hạt nhân hơn cùng ít biện pháp kiểm soát hơn sẽ trở nên nguy hiểm hơn”.
Về phần mình, phát biểu trong cuộc họp báo tại Athens, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết quyết định của Nga là “vô trách nhiệm” và Mỹ sẽ dõi theo xem Moskva thực sự muốn gì.
“Điều đó chỉ càng thể hiện sự thiếu trách nhiệm của Nga”, ông Blinken nói thêm.
Ông cho biết Mỹ vẫn sẵn sàng thảo luận về các hạn chế vũ khí chiến lược với Nga bất cứ lúc nào, bất chấp những diễn biến ở Ukraine.