'Tác động vào núi rừng càng nhiều, con người gánh hậu quả sạt lở càng lớn'

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, các vụ sạt lở đất, đá trong những năm gần đây cho thấy khi con người tác động vào tự nhiên càng nhiều thì chính chúng ta phải gánh những hậu quả càng lớn, do tự nhiên phản ứng lại.

Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở đất, đá ở Tây Nguyên thời gian vừa qua và nêu giải pháp để phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất, đá liên tiếp xảy ra tại các tỉnh ở Tây Nguyên vừa qua?

Biến đổi khí hậu khiến thiên tai càng bất thường về thời gian và cường độ. Hằng năm mưa lũ, sạt lở đất đều xảy ra, nhưng năm nay rất bất thường, thậm chí tập trung ở một số nơi do ảnh hưởng của El Nino. Ví dụ như ở Tây Nguyên, mọi năm ở đây rất ít khi xảy ra sạt lở đất, thế nhưng năm nay sạt lở ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thực tế cho thấy, bất kể nơi nào có mưa to, gió lớn kéo dài, đều làm đất, đá trở nên bão hòa, dẫn đến giảm sức bền, tăng sức nặng trong lòng đất. Khi nước làm đất đá trở nên bão hòa, khiến độ ổn định ở các sườn dốc giảm đi rất nhiều, nguy cơ sạt lở đất rất cao.

Để có không gian cho phát triển, các hoạt động của con người như làm đường, nhà, hồ thủy lợi, thủy điện… khiến cho các sườn dốc đồi, núi bị mất chân. Khi đó, cấu trúc đất thay đổi, nếu mưa lớn, nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn. Việc sạt lở đất, đá ở Tây Nguyên những ngày vừa qua phản ánh rất rõ điều này.

Tất cả các yếu tố trên trực tiếp gây ra những sự cố thiên tai. Nếu mưa ít, không liên tục, đất, đá không bị bão hòa thì không sao. Nhưng nếu mưa lớn, dài ngày, nguy cơ sạt lở đất, đá ở đồi, núi rất cao.

PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. (Ảnh: Bảo Khánh)

PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. (Ảnh: Bảo Khánh)

Việc chuyển đổi mục đích đất rừng để trồng cây lấy gỗ hay cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, mít… có làm đất rừng Tây Nguyên bị sạt lở, sụt lún về mùa mưa hay không?

Rừng tự nhiên có lớp phủ thực vật rất dày, với nhiệm vụ giữ nước, giúp nước ngấm sâu xuống lòng đất. Ngoài ra, rừng tự nhiên khiến nước không chảy nhanh xuống hạ lưu và không tích lại thành lũ lụt dưới hạ lưu. Các bộ rễ cây lâu năm cũng làm tăng độ bền của đất.

Nhưng việc phá rừng tự nhiên để trồng cây lâu năm dẫn đến nhiều hệ quả như làm mất lớp phủ thực vật bảo vệ sườn dốc ở đồi, núi. Việc trồng cây công nghiệp, ăn quả không tạo được lớp phủ thực vật như rừng tự nhiên. Điều đó khiến hiện tượng rửa trôi, xói mòn, gây sạt trượt ở miền núi.

Như việc trồng cây sầu riêng ở đèo Bảo Lộc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố chính, vì vườn cây đấy có thời gian hình thành từ rất lâu (những năm 85, 90). Theo tôi yếu tố căn bản là do sườn dốc bị mất chân trong quá trình mở rộng đường.

Từ những vụ sạt lở đất, đá ở Tây Nguyên hiện nay khiến chúng ta nhớ lại thảm họa ở Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) xảy ra vào tháng 10/2020 làm 13 chiến sĩ hy sinh, cùng nhiều công nhân thiệt mạng. Theo ông, sạt lở đất, đá ở miền núi những năm gần đây có đặc điểm gì chung?

Các vụ sạt lở trong những năm gần đây đều bị ảnh hưởng do hoạt động dân sinh, kể cả vụ sạt lở ở Rào Trăng 3. Điều đó cho thấy, khi con người tác động vào tự nhiên càng nhiều thì chính chúng ta phải gánh những hậu quả càng lớn, do tự nhiên phản ứng lại.

Tất nhiên không thể nào không tác động vào tự nhiên, thế nhưng tác động một cách cẩn trọng, có ý thức, thì hậu quả sẽ được giảm bớt.

Tại các tỉnh ở Tây Nguyên liên tục xảy ra sạt lở, nứt lún đất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. (Ảnh: Xuân Ngọc).

Tại các tỉnh ở Tây Nguyên liên tục xảy ra sạt lở, nứt lún đất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. (Ảnh: Xuân Ngọc).

Theo ông, đâu là giải pháp để phòng, chống và giảm nhẹ các thiên tai trên?

Mỗi vụ việc sạt lở đất, đá xảy ra, Chính phủ và chính quyền địa phương vào cuộc rất kịp thời để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm tốt công tác cảnh báo sớm trước khi thiên tai xảy ra sẽ tốt hơn rất nhiều.

Để giảm nhẹ thiên tai, các đơn vị liên quan phải đi điều tra, khảo sát hiện trạng để đánh giá nguy cơ, phân vùng cảnh báo sạt lở đất, đá. Kết quả này phải chuyển cho địa phương để họ tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, làm đường sá, hồ nước… Các tỉnh thành cũng phải tìm sẵn những vị trí an toàn, nếu có trường hợp bất thường để có chỗ di dời dân.

Khi có kết quả đánh giá, phải điều chỉnh lại quy hoạch, tốt nhất là nên tránh, không nên xâm phạm vào những chỗ có nguy cơ sạt lở cao.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cảnh báo cũng phải thường xuyên, không để cho người dân tự phát chặt phá rừng tự nhiên để làm vườn, trang trại.

Tất cả những yếu tố đó phải làm trước mùa mưa bão và trước khi sạt lở xảy ra. Như các nhà khoa học nói, một đồng bỏ ra trước thiên tai giúp giảm được 10 đồng khắc phục sự cố.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tac-dong-vao-nui-rung-cang-nhieu-con-nguoi-ganh-hau-qua-sat-lo-cang-lon-2174243.html