Tác giả chia sẻ chuyện làm sách giáo khoa Âm nhạc chương trình mới

Trong bộ sách giáo khoa Âm nhạc mới, học sinh được học chuyên sâu hơn về các kiến thức đọc nhạc, lý thuyết âm nhạc, âm nhạc thường thức, hát, nhạc cụ…

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh dấu lần đầu tiên môn Âm nhạc được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, sách giáo khoa môn Âm nhạc cũng được biên soạn rất kỳ công.

Quá trình “thai nghén” cuốn sách đến khi hoàn thiện kéo dài 5 năm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Phương Hoa - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chia sẻ: “Việc đưa môn Nghệ thuật nói chung và Âm nhạc nói riêng vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một bước tiến lớn, công nhận vai trò của nghệ thuật trong giáo dục nhằm tạo nên một con người phát triển toàn diện.

Đồng thời, mục đích phát huy phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sẽ góp phần xây dựng nền móng ban đầu cho đội ngũ những người làm nghệ thuật trong tương lai.

Khi thực hiện cuốn sách này, tôi và các cộng sự mong muốn học sinh có thể yêu thích, mong chờ môn học, âm nhạc trở thành điều có ích, là người bạn đồng hành cùng các em".

Cô Hoa cho biết, khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam yêu cầu chuẩn bị thực hiện bộ sách giáo khoa Âm nhạc, đội ngũ tác giả đã có những buổi tập huấn với chuyên gia nước ngoài và Việt Nam về việc truyền đạt ý tưởng, cảm hứng chủ đạo của bộ sách giáo khoa mới.

Trong khi tiến hành viết sách, các ý tưởng thay đổi liên tục. Ban đầu, đội ngũ tác giả hi vọng mang đến nhiều kiến thức nhất có thể cho học sinh nhưng khi bắt tay vào thực hiện, nhóm tác giả nhận ra khối lượng kiến thức này không hề nhỏ.

Hơn nữa, phải làm sao để truyền tải những nội dung mang tính học thuật đến đối tượng học sinh phổ thông là điều không dễ dàng. Đội ngũ tác giả phải diễn đạt những kiến thức hàn lâm bằng ngôn ngữ đơn giản để học sinh thấy dễ hiểu, bổ ích và thích thú.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Phương Hoa - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Phương Hoa - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hiệp - Tác giả sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống bày tỏ: “Lần đầu tiên, môn Âm nhạc được vào giảng dạy ở cấp trung học phổ thông nên quá trình viết sách có nhiều khó khăn, mọi thứ đều mới mẻ từ nội dung đến cấu trúc.

Chúng tôi cần lựa chọn nội dung mang tính chất giáo dục âm nhạc, đưa kiến thức cơ bản nhất về âm nhạc đến học sinh, giúp các em định hướng nghề nghiệp, ví dụ như các nội dung về lý thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc, nhạc cụ. Đồng thời cũng phải truyền tải theo cách gần gũi, dễ hiểu và phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh trên toàn quốc.

Thời gian để hoàn thành cuốn sách không hề ngắn, có những thời điểm tôi và các cộng sự “làm ngày, làm đêm”, sửa đi sửa lại bản thảo nhiều lần.

Cá nhân tôi phải viết 3 chuyên đề học tập cho học sinh lớp 10 về hòa âm, đặt hợp âm cho giai điệu, xác định giọng nên không ít áp lực. Tuy nhiên, chúng tôi đều cố gắng vượt qua, dù quá trình viết sách có vất vả nhưng cũng mang đến không ít sự thú vị”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Tùng - Tác giả sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nói: “Viết sách giáo khoa ở một góc độ khác có thể nói là khó hơn so với sách dạy chuyên nghiệp do đối tượng người học là nghiệp dư, chưa làm quen với âm nhạc từ sớm…

Bản thân tôi cũng như nhóm tác giả rất băn khoăn khi lựa chọn những kiến thức phù hợp nhất với đối tượng người học.

Làm sao để vừa đủ nền tảng cho học sinh có thể phát triển trong tương lai khi theo học đại học chuyên về âm nhạc nhưng cũng không quá xa vời thực tế. Chưa kể có một số địa phương thiếu thốn cả về cơ sở vật chất và giáo viên, gây khó khăn cho quá trình giảng dạy”.

 Ảnh minh họa: nxbgd.vn

Ảnh minh họa: nxbgd.vn

Tiến sĩ Nguyễn Quang Tùng cho biết, trong quá trình hoàn thành bộ sách giáo khoa Âm nhạc 10, 11, 12 đã có nhiều bản thảo được xây dựng nhưng phải loại bỏ vì không hợp lý. Thậm chí, có thời điểm gần như cả năm không tiến triển do nhóm tác giả bế tắc về lượng kiến thức cần truyền đạt trong sách giáo khoa. Sau khoảng 5 năm, bộ sách đã được hoàn thành với đầy đủ lượng kiến thức yêu cầu.

Khác với cấp tiểu học và trung học cơ sở vốn đã có sẵn chương trình cũ để tham khảo và chỉnh sửa, cấp trung học phổ thông không có những điều này. Đây chính là vướng mắc đầu tiên nhóm tác giả gặp phải. Sau khi Bộ giáo dục và Đào tạo đưa ra khung chương trình nhóm tác giả đã bám sát nội dung yêu cầu để đưa ra các bài học thích hợp.

Với chương trình trung học phổ thông, học sinh sẽ được học phần kiến thức chung và phương án lựa chọn là học đàn hoặc hát. Đây là trở ngại tiếp theo mà nhóm tác giả gặp phải khi viết sách.

Ví dụ với lựa chọn là nhạc cụ, học sinh sẽ phải học cả độc tấu – hòa tấu - đệm hát. Toàn bộ những nội dung kiến thức này chỉ học trong 1 năm là rất khó đối với kể cả những người học chuyên nghiệp.

Cuối cùng, sau những buổi họp bàn, nhóm tác giả đã đưa đủ lượng kiến thức như trên vào bộ sách, tuy nhiên lược giản tối đa, trình bày dễ hiểu và lựa chọn những bài nhạc không quá cũ, hợp với thời đại để các em học sinh tiếp cận dễ dàng, cuốn hút hơn.

Sách giáo khoa mới phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh và giáo viên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Phương Hoa cho hay, sách giáo khoa Âm nhạc mới vẫn có những mạch nội dung như hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc nhưng tính phân hóa đã rõ ràng hơn.

Những nội dung này sẽ được nhìn nhận lại và giảng dạy theo hướng mới kết hợp với các nội dung chưa từng có như nhạc cụ, hòa tấu. Bởi vậy, sách giáo khoa Âm nhạc của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa có sự kế thừa vừa phát triển so với sách giáo khoa Âm nhạc của chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Ngoài ra, điểm nổi bật của sách giáo khoa Âm nhạc mới là định hướng phát triển năng lực cho học sinh, khuyến khích học sinh vận dụng sáng tạo.

Đồng thời, cuốn sách giáo khoa này cũng có độ mở về nội dung và phương pháp dạy học. Giáo viên được phép lựa chọn các ví dụ bài học để giờ dạy sinh động, hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, với tiết học về dân ca, thầy cô ở mỗi vùng miền hoàn toàn có thể đưa dân ca của địa phương để giảng dạy cho học sinh.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hiệp chia sẻ: “Chúng tôi hướng đến cho học sinh và giáo viên những nội dung mang tính mở, không áp đặt, học thuật nhưng không xa vời.

So với sách sách giáo khoa Âm nhạc cũ, cách tiếp cận và yêu cầu cần đạt của sách giáo khoa mới có nhiều khác biệt. Trước đây, việc giảng dạy được tiếp cận theo hướng nội dung, làm sao để học sinh nắm được nội dung bài học. Còn với sách giáo khoa Âm nhạc mới sẽ tập trung vào tiếp cận phẩm chất năng lực của học sinh.

Ví dụ khi hướng dẫn học sinh nghe nhạc, phát hiện nhạc cụ, mỗi học sinh có thể nghe thấy âm thanh của những loại nhạc cụ khác nhau và được nêu lên cảm nhận của riêng mình.

Hoặc với mạch nội dung về lý thuyết âm nhạc, học sinh được nhận xét về tính chất của giai điệu, hợp âm sử dụng trong bản nhạc từ đó dẫn dắt các em vào bài học một cách tự nhiên, thoải mái, không khô khan.

Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích thầy cô có thể sử dụng âm nhạc địa phương để đưa vào bài giảng. Cả giáo viên và học sinh đều được vận dụng sáng tạo trong quá trình dạy và học”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hiệp - Tác giả sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hiệp - Tác giả sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Tùng cho biết, với bộ sách Âm nhạc của chương trình cũ, học sinh hầu như chỉ tập trung vào hát, đọc nhạc và một chút âm nhạc thường thức.

Trong bộ sách giáo khoa Âm nhạc mới, các em được học chuyên sâu hơn những kiến thức như đọc nhạc, lý thuyết âm nhạc, âm nhạc thường thức, hát, nhạc cụ… Đây cũng là chuyển biến lớn trong việc giáo dục âm nhạc cho học sinh trung học phổ thông.

Sách giáo khoa Âm nhạc mới đã kế thừa những kiến thức đã có trong chương trình cũ và bổ sung thêm một số vấn đề khác phù hợp hơn với thời đại.

Đặc biệt với sách giáo khoa âm nhạc 10, 11, 12, học sinh sẽ được làm quen với cách thức học tân tiến trên thế giới.

Nhóm tác giả đã kết hợp phương pháp dạy, học mới ở nước ngoài với thực tiễn tại Việt Nam, tùy vào đặc thù văn hóa của từng địa phương, trình độ chuyên môn của giáo viên cũng như khả năng tiếp thu của học sinh để đưa ra các bài học phù hợp nhất.

Với tiêu chí "lấy học sinh làm trung tâm", giáo viên sẽ sử dụng các phương pháp – chương trình - giáo trình khác nhau, giúp học sinh nắm rõ lý thuyết và thực hành tốt.

“Đặc biệt, việc phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng được thể hiện thông qua việc các em được học 2 phần trong sách giáo khoa. Phần đầu (phần kiến thức chung) sẽ giúp học sinh nhìn nhận tổng quan về âm nhạc trong và ngoài nước, những kiến thức cơ bản của âm nhạc (hát, đàn, lý thuyết, thường thức…).

Phần lựa chọn (được chọn hát hoặc nhạc cụ, trong nhạc cụ có guitar, keyboard), học sinh sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng, kỹ thuật cơ bản của hát hoặc nhạc cụ. Học sinh chủ động chọn lựa theo sở trường, sở thích của bản thân để học chuyên sâu, từ đó giúp các em có nền tảng tốt để thi vào các trường đại học đào tạo về âm nhạc” - thầy Tùng nhấn mạnh.

 Tiến sĩ Nguyễn Quang Tùng - Tác giả sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Quang Tùng - Tác giả sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10, 11, 12 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, tính mở của sách giáo khoa Âm nhạc mới cũng là điểm đổi mới so với sách giáo khoa Âm nhạc theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Với những học sinh ở mức tốt, phần vận dụng sáng tạo trong sách giáo khoa sẽ giúp các em theo đuổi đam mê, khám phá những kiến thức mới và khó hơn trong âm nhạc

Với những học sinh ở mức khá, các em có thể chọn lựa bài thực hành trong sách giáo khoa hoặc có thể cùng giáo viên chọn một số bài ứng dụng khác phù hợp với văn hóa vùng miền (tuy nhiên vẫn phải trong khuôn khổ cho phép và khối lượng kỹ thuật tương đương).

Với những em học sinh ở mức đạt, các em phải nắm vững lý thuyết các kiến thức được học, thực hành được 1 câu, 1 đoạn (không nhất thiết là cả bài học).

Với giáo viên, người dạy có thể tham khảo gợi ý của tác giả trong sách giáo viên, chỉnh sửa hoặc tự sáng tạo, không bắt ép, gò bó. Ví dụ với phần Khởi động, sách giáo viên yêu cầu giáo viên cho học sinh nghe 1 bài mẫu. Người dạy có thể phát video, tự biểu diễn hoặc biểu diễn cùng học sinh… không nhất thiết chỉ có nghe/xem video.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tac-gia-chia-se-chuyen-lam-sach-giao-khoa-am-nhac-chuong-trinh-moi-post246288.gd