Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Làm thương hiệu và 'làm màu' có giống nhau không?

Cùng là tạo ra sự chú ý, nhưng làm thương hiệu sẽ đem lại nhiều thiện cảm hơn 'làm màu'. Vì 'làm màu' là chỉ chú ý đến vẻ hào nhoáng bên ngoài, gây chú ý bên ngoài, gây ra nhiều tiếng động mạnh, thậm chí rất mạnh. Còn làm thương hiệu là đi liền với việc tạo ra các giá trị và ít gây ra 'tiếng động' hơn.

Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh tại lễ ra mắt Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất. Ảnh: Dương Triều.

Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh tại lễ ra mắt Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất. Ảnh: Dương Triều.

“Làm màu” thì cần ít thời gian, nhưng làm thương hiệu lại cần cả một quá trình lâu dài. Làm màu nhiều khi chỉ cần tiền là đủ, còn làm thương hiệu thì phải cần nhiều hơn thế nữa. Người ta đến với bạn vì bạn “làm màu” thì sẽ rời bạn rất nhanh (vì phát hiện ra bạn thực ra không có “chất”), còn nếu người ta đến với bạn vì thương hiệu của bạn thì sẽ ở lại với bạn lâu hơn.

Làm thương hiệu cần nhiều thời gian để tìm ra USP (Unique Selling Point – tạm hiểu là cái mình có mà người khác không có hoặc cái mình giỏi hơn người khác) của bản thân và phát triển USP đó lên đỉnh cao nhất để tạo ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng. Làm màu thì nhiều khi chẳng cần tìm ra USP của bản thân, cứ lắp đại một USP có thể chẳng phải là của chính mình rồi dùng truyền thông đẩy lên.

Làm thương hiệu và “làm màu” có đi cùng nhau được không? Câu trả lời thường là không, vì về cơ bản hai khái niệm này là khác nhau và cách làm cũng khác nhau. Nhưng thực sự là chẳng ai thích một người có thương hiệu là kẻ “làm màu”.

Để hiểu chi tiết và có thể áp dụng được vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân của bản thân, xin mời bạn tìm đọc cuốn Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất của tác giả Nguyễn Tuấn Anh do báo Tiền Phong vừa xuất bản.

Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất của tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh do báo Tiền Phong xuất bản, gồm 9 chương: Làm ngay đi, đừng ngại! ; Những lầm tưởng tai hại ; USP của bạn là gì? ; Bạn còn gì hấp dẫn nữa không?; Truyền thông là con dao hai lưỡi ; Những “đòn bẩy” diệu kỳ ; Thương hiệu cá nhân còn có giá trị cao hơn doanh nhiệp? ; Công thức chuẩn để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công ; Xây dựng thương hiệu cá nhân từ góc nhìn người trong cuộc.

Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh được đào tạo bài bản về báo chí, truyền thông, marketing, nhân sự… Anh là người phụ trách các dự án truyền thông lớn giữa báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò với nhiều đối tác uy tín như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỹ - ASEAN (USABC)… Anh cũng là người chấp bút cho nhiều nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước như: Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (chuyên gia kinh tế, diễn giả hàng đầu Việt Nam), Tiến sĩ Alok Bharadwaj (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á, Phó Chủ tịch Canon châu Á)…

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tac-gia-nha-bao-nguyen-tuan-anh-lam-thuong-hieu-va-lam-mau-co-giong-nhau-khong-post1456643.tpo