Tác giả Việt dùng chatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Khi quá trình số hóa chiếm lĩnh thế giới, một trong những lĩnh vực mới nhất cảm nhận được sức nóng từ sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo là xuất bản.
Từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT - ứng dụng chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) - khiến nhiều người sửng sốt với khả năng viết một văn bản hoàn chỉnh trong thời gian ngắn chỉ với câu lệnh đơn giản.
Năm 2023, hàng trăm cuốn sách điện tử đăng ký ChatGPT là tác giả hoặc đồng tác giả đã xuất hiện trên Amazon. Dù phần lớn là các cuốn sách có nội dung vô tri, chất lượng thấp, không thể phủ nhận sự đáng gờm công nghệ này đem lại.
Trước sự phát triển ngày càng nhanh, càng “thông minh” của AI, những người làm sáng tạo nghệ thuật, cụ thể là nhóm tác giả sách, cần nhận diện tình hình ra sao và thích ứng như thế nào là vấn đề cần quan tâm.
Chấp nhận sự ảnh hưởng của AI
TS Ngô Di Lân - tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Brandeis (Mỹ), tác giả cuốn Canh bạc AI - ChatGPT và tương lai loài người - cho rằng trong tương lai, mỗi tác giả sẽ đều có một “siêu trợ lý” là ChatGPT hoặc một phần mềm nào đó tương tự.
“Chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng đó là một viễn cảnh khó tránh khỏi. Thời gian xuất bản sách sẽ ngắn hơn, có thể độ dài của sách cũng sẽ ngắn đi và mặt bằng chung của các nội dung xuất bản sẽ được nâng cao hơn. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà ta sẽ khó có được những sản phẩm thực sự ‘kinh điển’ trong thời đại mà AI thống trị ngành xuất bản”, anh nói với Tri thức - Znews.
Tác giả Đức Anh - chủ nhân một số tác phẩm trinh thám, tiểu thuyết tâm lý ly kỳ như Tường lửa, Thiên thần mù sương - cũng cho rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xuất bản là bình thường, tất yếu.
Đức Anh nhận định hiện tại, các chatbot có kiến thức khá tốt về lý thuyết về truyện kể. Anh thường trò chuyện với ChatGPT khi lên một ý tưởng viết truyện, nó giống một người bạn giúp anh đọc, kiểm tra, ôn tập, nhìn chung trải nghiệm đem lại tốt. Tuy nhiên, anh chỉ dừng lại ở việc sử dụng "người bạn" này ở mức đó, không có ý định đi xa hơn.
Trong khi đó, tác giả trẻ sinh năm 1997 Lương Hoài Trọng Tính cũng đang sử dụng AI như một nguồn tham khảo, hỗ trợ trong quá trình sáng tác. Anh nhận xét trải nghiệm khá nhanh và có phần tiện dụng. Song đó, anh cho rằng các công cụ này vẫn phải được tích hợp để cung cấp thêm những nguồn thông tin khả thi, chính xác hơn.
Mặt khác, các tác giả Ngô Di Lân, Đức Anh và Lương Hoài Trọng Tính cũng bày tỏ mối quan tâm cho vấn đề tác quyền khi AI xuất hiện và "học" nhanh chóng thông qua các sản phẩm của con người.
"Là người thực tế, tôi cho rằng đây là một kết cục tất yếu. AI sẽ tiêu thụ mọi thứ dữ liệu mà con người đã sản sinh ra để học, dù là tranh ảnh, sách báo hay âm nhạc. Dù chúng ta có lên án nó hay không thì 'thần đèn' cũng đã chui ra khỏi đèn thần, giờ đã quá muộn", TS Ngô Di Lân nhận định. Anh cho rằng điều tốt nhất chúng ta có thể kỳ vọng sẽ xảy ra là những người làm trong lĩnh vực sáng tạo, cộng đồng nghệ thuật sẽ được đền bù, trả công xứng đáng cho chất xám của họ.
Người làm sách vẫn có thể đứng vững
Tiềm năng rộng lớn và đáng gờm của trí tuệ nhân tạo là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những người làm công việc sáng tạo với con chữ hiện tại vẫn có thể tự tin bản thân có một chỗ đứng nhất định và sẽ không thể bị thay thế bởi một chatbot hay phần mềm nào.
Theo TS Ngô Di Lân, đối với các tác giả, thách thức lớn nhất đến từ AI có lẽ là tốc độ và sự bền bỉ vô bờ bến. Con người cần ăn, ngủ, đi chơi, và thường xuyên bị bí ý tưởng, AI thì không. Những người sử dụng AI để viết hoặc hỗ trợ viết sẽ có tốc độ xuất bản nhanh gấp nhiều lần các tác giả truyền thống.
"Thế nhưng, cũng như cách mà các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể tồn tại được đến bây giờ bất chấp cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3, có lẽ sách do tác giả truyền thống tự viết 100% cũng vẫn sẽ chứng tỏ được những giá trị bền vững và rất riêng của mình. Tôi cho rằng cả hai nhóm có thể chung sống hòa bình được với nhau", anh nói.
Tác giả Lương Hoài Trọng Tính nhận xét các chất liệu được tạo nên từ ChatGPT có thể hay và tốt bởi sự đa dạng trong nguồn tài liệu, thông tin. Nhưng song song đó, quá trình làm sách hiện nay vẫn cần phải có nhiều sự can thiệp của con người, như quá trình đọc, sàng lọc, hiệu đính... cần có một hay một nhóm người thẩm định, so sánh, đối chiếu.
Do đó vị trí của người làm sách vẫn có thể hoạt động tốt nếu như các công việc vẫn còn phải có sự can thiệp của con người, việc mà máy móc khó có thể thay thế được.