Tái chất vấn các nhóm vấn đề thời sự, bức xúc

Tại phiên chất vấn ngày 9-7, các đại biểu HĐND TP đã chất vấn các thành viên UBND TP về một số nhóm vấn đề có tính thời sự đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.

Các nhóm vấn đề chất vấn gồm: Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP; công tác đảm bảo PCCC; việc thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.

“Truy” đến cùng về thời gian xử lý dứt điểm các dự án vi phạm

Ở phần chất vấn nhóm vấn đề tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai, các đại biểu đã đề nghị Sở TN&MT cho biết nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm, biện pháp xử lý với 36 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung; Hiện còn 65/89 dự án vi phạm nhưng chưa được khắc phục. Các dự án này đã được HĐND TP kiến nghị từ năm 2012, đề nghị GĐ Sở TN&MT cho biết quan điểm xử lý đối với các dự án trên, bao giờ xử lý xong các dự án này?; Trong tổng số 50 dự án còn nợ 4.200 tỷ đồng, có 1 dự án kéo dài rất lâu tại Sơn Tây (từ năm 2008 được giao đất, 2009 xác định giá trị thu tiền sử dụng đất), đến nay mất khả năng thanh toán. Vậy với những nhóm dự án này đến bao giờ xử lý dứt điểm được?

Trả lời những câu hỏi trên, GĐ Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, việc xác định nghĩa vụ tài chính với 26 dự án, Sở đã tổ chức thuê tư vấn, xác định nghĩa vụ tài chính với 23 dự án, chủ đầu tư đã nộp tiền theo quy định. Còn 3 dự án gồm: Bãi đỗ xe công cộng ở Phùng Khoang, đang đôn đốc GPMB; với dự án Cty CP lắp máy ở Phú Thượng và dự án ở 275 Nguyễn Trãi (Cty Hưng Việt), Sở đã thuê tư vấn, trong tuần tới sẽ triển khai.

Về 65 dự án chậm triển khai quá lâu, hiện 59 dự án đang khắc phục, triển khai xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng… Còn 6 dự án không khắc phục thì 5 dự án Sở đã tham mưu TP cho thu hồi đất; 1 dự án cho gia hạn thực hiện. Đối với dự án khu nhà ở Đồi Dền (Sơn Tây) do Cty Á Châu làm chủ đầu tư đã xây dựng được 5 căn nhà nhưng mới nộp ngân sách được 48 tỷ đồng, tổng số tiền nợ gốc lãi của DN hiện đã lên đến 486 tỷ đồng. DN không còn khả năng thanh toán. Do đó, DN đã kiến nghị với TP chấp hành bị thu hồi lại đất, chỉ đề xuất được sử dụng phần đất tương ứng với số tiền đã nộp.

Trả lời những nội dung các đại biểu quan tâm, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết: Liên quan đến 80 dự án đã giao đất sau đó điều chỉnh quy hoạch. Trong đó có 21 dự án đã hoàn chỉnh nghĩa vụ tài chính, 59 dự án nợ tiền thuê đất. Đến nay chỉ còn 4 dự án nợ tiền thuê đất.

Đối với 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, TP đã có văn bản chỉ đạo chi tiết chỉ đạo Cục Thuế phối hợp với các Sở ngành liên quan, phân loại các dự án này để có những biện pháp xử lý cụ thể. Qua đó, có 27 dự án thuộc nhóm có nợ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp với tổng nợ 1.963 tỷ. Trong đó có nhóm nợ khó thu, có vi phạm pháp luật; và nhóm nợ chờ xử lý…

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phiên chất vấn. Ảnh C.T

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành phiên chất vấn. Ảnh C.T

Chưa có giải pháp đột biến xử lý xe dù, bến cóc

Chất vấn về việc thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, các đại biểu nêu nguyên nhân, trách nhiệm của Sở KH&ĐT trong việc chậm hoàn thành các quy định khuyến khích, thu hút các DN đầu tư giao thông minh, đường sắt đô thị, xe buýt theo hình thức đối tác công tư; Đề nghị GĐ CATP Hà Nội cho biết trách nhiệm của lực lượng CA trong việc xử lý các vi phạm xe dù, bến cóc?; tình hình rà soát xe máy có quá hạn sử dụng; Đề nghị GĐ Sở GTVT cho biết giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 phải đáp ứng được 20%-25% nhu cầu đi lại của nhân dân?

Trả lời chất vấn, GĐ Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: TP đã giao Sở nghiên cứu thực hiện một số dự án đường sắt đô thị và monorail theo hình thức PPP. Sở đã hoàn thiện dự thảo về các quy định đối với lĩnh vực này, chuẩn bị trình TP xem xét. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ có ban hành một số Nghị định, quyết định thay thế quy định cũ, đặc biệt là thay đổi quy định về lựa chọn nhà thầu, do đó, Sở phải rà soát lại, chưa thể hoàn thành báo cáo tham mưu cho TP.

Còn GĐ CA TP Đoàn Duy Khương cho rằng, tình trạng xe dù, bến cóc là thực trạng nhiều năm trên địa bàn Thủ đô, là nội dung nhức nhối trong khâu đảm bảo trật tự ATGT. Các lực lượng chức năng phối hợp Thanh tra giao thông, các lực lượng an ninh cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị, chủ phương tiện không có các hành vi bắt khách dọc đường, chạy sai luồng. “Nếu chúng tôi làm mạnh, ráo riết thì các trường hợp này biến tấu thành xe hợp đồng đón khách tại nhà, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý”, Trung tướng Đoàn Duy Khương nói.

Về các giải pháp, hiện chưa có giải pháp đột biến. Ở các bến xe, nhất là ở bến xe Mỹ Đình, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, dán các pano, áp phích trên xe, tuyên truyền chung, giáo dục lái xe chấp hành.

Gần 30 tỷ đồng xử phạt vi phạm hành chính PCCC

Chất vấn về nhóm vấn đề PCCC, các đại biểu đã nêu trách nhiệm các Sở, ngành, quận, huyện trong việc để tồn tại các cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động chui; đồng thời chỉ ra các khu công nghiệp chưa hoàn thành hạ tầng và hệ thống chữa cháy; các khu chung cư cũ không đảm bảo yêu cầu về PCCC…

GĐ Sở VHTT Tô Văn Động cho biết, Sở thống nhất với báo cáo của CA TP về công tác PCCC trong các địa điểm kinh doanh karaoke. Ngoài ra, Sở bổ sung thêm, hiện trên địa bàn có hơn 1.600 điểm kinh doanh karaoke, nhưng chỉ khoảng 500 cơ sở kinh doanh đủ điều kiện, hơn 1.000 không đủ điều kiện và các quận, huyện đã đình chỉ các cơ sở này, tuy nhiên theo quy định pháp luật, chúng ta chưa rút được giấy phép các cơ sở.

Sở VH-TT là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm, đã đi kiểm tra 394 cơ sở, phạt hơn 1 tỷ đồng; đồng thời, điều chuyển cho địa phương biết, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke này. Các quận, huyện cũng phải có trách nhiệm quản lý các cơ sở trên địa bàn, tuy nhiên một số nơi vẫn buông lỏng quản lý. Do đó, đề nghị chính quyền có trách nhiệm quản lý, giám sát các cơ sở bởi tình trạng các cơ sở không đủ điều kiện lén lút hoạt động.

Theo GĐ CATP Đoàn Duy Khương, từ năm 2016 đến nay, CATP đã kiểm tra hơn 123.800 lượt cơ sở, lập hơn 123.800 biên bản kiểm tra hướng dẫn về PCCC, kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 280.000 trường hợp còn tồn tại, thiếu sót về PCCC, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp với số tiền gần 30 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ 1.520 trường hợp, tạm đình chỉ 1.025 trường hợp.
Đến thời điểm này, CATP đang đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở, chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC…

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nội chung chất vấn tại kỳ họp này khó, liên quan đến nhiều cấp, ngành, song với sự nghiêm túc tiếp thu cầu thị của UBND TP, các nội dung đặt ra đều được hoàn thành. Việc lựa chọn 3 nhóm vấn đề chất vấn, trong đó có 2 nhóm vấn đề tái chất vấn được đại biểu đồng tình cao, cử tri quan tâm.

“Với sự tham gia một cách trách nhiệm của các đại biểu cũng như thành viên UBND TP, có thể khẳng định phiên chất vấn thành công, tạo được niềm tin đối với cử tri, đó là HĐND giám sát đến cùng tất cả các nội dung cử tri quan tâm cũng như giám sát việc Nghị quyết của HĐND có được thực hiện, có đi vào cuộc sống hay không”, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ.

Trả lời chất vấn, GĐ Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, sản lượng vận tải hành khách công cộng vẫn đang tập trung ở vận tải xe buýt, do đường sắt đô thị đang chậm tiến độ. TP đã đưa ra một số giải pháp như: Rà soát hoàn thiện đề án nâng tỷ lệ khách xe buýt; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu vận tải hành khách công cộng; tăng cường kết nối phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; tăng cường cơ sở hạ tầng để nâng cao dịch vụ tiện ích; tổ chức giao thông hợp lý trong đó ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng… Với giải pháp đồng bộ tập trung sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tai-chat-van-cac-nhom-van-de-thoi-su-buc-xuc-154974.html