Tái cơ cấu hướng tới nền nông nghiệp hiện đại - Bài cuối: Mở rộng thị trường tiêu thụ

Nhằm hỗ trợ người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, các ngành chức năng còn hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nông sản do các bộ, ngành của Trung ương, tỉnh tổ chức và phối hợp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sản xuất tinh dầu nghệ tại xã Chí Tân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Sản xuất tinh dầu nghệ tại xã Chí Tân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2018 đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP được các ngành, địa phương, tích cực thực hiện. Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường tiêu thụ với trên 50 chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ. Một số sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu như nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường Mỹ; bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu) sang các nước Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản...

Ông Trần Văn Bính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc (xã Tam Đa, huyện Phù Cừ) cho biết, để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản thuận lợi, vào mỗi mùa vụ hợp tác xã đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tiêu thụ nông sản. Cụ thể, hợp tác xã đã vận động hội viên tham dự các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh tổ chức; tăng cường tiêu thụ sản phẩm qua thương lái tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương tỉnh đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng an toàn; kết nối với các sàn thương mại điện tử để đưa cam đến người tiêu dùng nhanh nhất.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cũng đã hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hưng Yên và các huyện Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận của tỉnh đến với khách hàng, người tiêu dùng, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cũng đã phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thực hiện Chương trình OCOP; phối hợp, tổ chức và hướng dẫn các chủ thể tham gia 12 hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số, kỹ năng quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm trực tuyến qua các trang mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn của sở phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Kim Động hỗ trợ 6 mô hình phát triển sản phẩm OCOP. Các mô hình triển khai thực hiện đã góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP, đồng thời là mô hình điểm để phổ biến nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên mới đây đã phê duyệt Dự án hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện sản phẩm, kết nối kênh tiêu thụ nông sản đặc sản, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tỉnh Hưng Yên với cộng đồng các nhà bán lẻ giai đoạn 2021 - 2025. Dự án được đánh giá sẽ tạo động lực cho sản xuất, đồng thời, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm cho nông sản và sản phẩm OCOP, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Vải trứng Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Vải trứng Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Theo kế hoạch, Dự án nhận diện sản phẩm và kết nối tiêu thụ xác định các đối tượng, sản phẩm hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện và kết nối kênh tiêu thụ với hệ thống bán lẻ giai đoạn 2022-2025 gồm 3 nhóm chính nhóm các nông sản đặc sản, chủ lực; nhóm sản phẩm OCOP; nhóm các sản phẩm làng nghề được công nhận.

Các nội dung hỗ trợ nhận diện và kết nối tiêu thụ gồm hỗ trợ thiết kế logo, biểu tượng; kế thừa và thiết kế đa dạng kiểu dáng bao bì sản phẩm; thiết kế in ấn các ấn phẩm, tờ rơi; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chi phí thiết lập mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ thiết kế mới hoặc thay đổi bộ nhận diện sản phẩm; tạo mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ thiết kế, xây dựng các website quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến cho từng đơn vị, chủ thể. Hỗ trợ tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm, các hội nghị, hội thảo giới thiệu, xúc tiến đầu tư, kết nối cung - cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và các sự kiện khác bên lề hội chợ, triển lãm do tỉnh, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức...

Dự án cũng sẽ thực hiện kết nối các chuỗi liên kết nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề với cộng đồng các nhà bán lẻ hiện đại. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung rà soát, cung cấp danh sách đơn vị, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các cơ sở OCOP, các làng nghề của tỉnh, thông tin tới doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm để kết nối, hợp tác.

Đồng thời, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi phân phối, chế biến, xuất khẩu cho các địa phương sản xuất hàng nông sản bảo đảm chất lượng để các tập thể, cá nhân hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, thông qua các triển lãm, hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, ngành nông nghiệp triển khai nhiều chương trình cho các nhà sản xuất, nhà phân phối gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp đồng tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đỗ Huyền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tai-co-cau-huong-toi-nen-nong-nghiep-hien-dai-bai-cuoi-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-20230226162918518.htm